Xuất phát từ tính đặc thù trong việc thanh toán các khoản nợ của các NHTM

Một phần của tài liệu Xây dựng pháp luật về phá sản Ngân hàng Thương mại ở Việt Nam (Trang 37 - 39)

của các NHTM

Đối với các doanh nghiệp thông thường thì việc thanh toán các khoản nợ của mình thường có thể biết trước được và từ đó sẽ có một kế hoạch chuẩn bị trả nợ. Nhưng đối với ngân hàng thì hoạt động chính là nhận tiền gửi và cho vay cho nên việc thanh toán các khoản nợ (tiền gửi) trong nhiều trường hợp không thể biết trước được và cũng khó có thể dự tính trước được. Chính vì vậy, đối với các ngân hàng thì trong nhiều trường hợp việc mất khả năng

chi trả không đồng nghĩa với việc mất khả năng thanh toán. Để duy trì khả năng thanh toán, một mặt ngân hàng phải đảm bảo toàn bộ giá trị “Tài sản có” phải lớn hơn các khoản nợ phải thanh toán ở mọi thời điểm. Nếu trong kinh doanh vốn cho vay không có khả năng thu hồi và lỗ sẽ làm cho giá trị

“Tài sản có” xuống thấp hơn “Tài sản nợ” và như vậy sẽ dẫn đến ngân hàng

mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên, nếu xét về khối lượng “Tài sản có” đủ trang trải “Tài sản nợ” thì cũng chưa đủ để nói lên khả năng thanh toán của ngân hàng, mà còn phải tính đến khả năng thanh khoản tức là các tài sản có khả năng chuyển thành tiền ngay với khối lượng đủ để đáp ứng nhu cầu rút tiền mặt đồng thời vẫn giữ được tỷ lệ dự trữ pháp định. Như vậy, có thể xảy ra hiện tượng một ngân hàng có đủ khả năng thanh toán nhưng lại thiếu thanh khoản để trang trải các khoản nợ tức thời, cũng coi như ngân hàng đó đã thiếu khả năng thanh toán và có nguy cơ dẫn đến phá sản.

Khác với các doanh nghiệp thông thường, khi chủ nợ là người gửi tiền yêu cầu rút tiền thì ngân hàng không thể từ chối việc thanh toán cho các chủ nợ đó cho dù các khoản nợ chưa đến hạn theo như thoả thuận ban đầu. Mặc dù trong hoạt động của mình, về nguyên tắc thì ngân hàng cũng phải lên kế hoạch thanh toán cho các khoản nợ của mình căn cứ vào thời hạn đã thoả thuận với người gửi tiền, đồng thời phải dự trữ một lượng tiền mặt nhất định để đáp ứng yêu cầu chi trả của người gửi tiền. Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra các sự kiện bất thường làm mất niềm tin của người gửi tiền và xảy ra tình trạng rút tiền ồ ạt thì không một ngân hàng nào có đủ lượng tiền mặt ngay lập tức đáp ứng nhu cầu rút tiền của người gửi tiền, trong khi khả năng thanh toán của ngân hàng đó vẫn có thể đáp ứng. Cho nên tình trạng mất khả năng chi trả xẩy ra là điều không thể tránh khỏi. Để giải quyết tình huống này các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động của ngân hàng đã có những quy định cụ thể như quy định về vốn pháp định, các khoản dự trữ bắt buộc,

phải tham gia BHTG... và trong trường hợp tình trạng mất khả năng chi trả, khả năng thanh toán xẩy ra thì NHTM phải đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt của NHNN đồng thời sẽ được NHNN, các TCTD cho vay đặc biệt, BHTG Việt Nam hỗ trợ tài chính để phục hồi hoạt động kinh doanh. Chính vì vậy, khi xây dựng các quy định pháp luật về giải quyết phá sản NHTM cần phải tính đến các yếu tố đặc thù này ví dụ như quy định về trường hợp nào thì Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, hay vấn đề về thứ tự ưu tiên thanh toán các khoản tiền cho vay đặc biệt của NHNN, các TCTD khác và khoản hỗ trợ tài chính của BHTG Việt Nam như thế nào...

Một phần của tài liệu Xây dựng pháp luật về phá sản Ngân hàng Thương mại ở Việt Nam (Trang 37 - 39)