Phục hồi hoạt động kinh doanh

Một phần của tài liệu Xây dựng pháp luật về phá sản Ngân hàng Thương mại ở Việt Nam (Trang 59 - 65)

Mục đích mở thủ tục phá sản không chỉ là để giải quyết nợ tập thể giữa các chủ nợ và NHTM mắc nợ mà còn tạo điều kiện cho NHTM có cơ hội tổ chức lại hoạt động kinh doanh.

Mục tiêu hàng đầu của bất kỳ luật phá sản nào trên thế giới cũng là tạo điều kiện để cứu giúp doanh nghiệp nói chung và NHTM nói riêng thoát khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán nợ và chỉ đặt ra vấn đề thanh lý (chấm dứt tồn tại) nếu thực sự không còn khả năng phục hồi. Chính vì vậy, phá sản

không chỉ bao gồm trình tự thu hồi tài sản và thanh toán theo một thứ tự nhất định cho các chủ nợ mà thủ tục phá sản còn có một khía cạnh thứ hai đáng lưu ý đó là tạo cơ hội cho con nợ và chủ nợ thỏa thuận tái tổ chức kinh doanh và lập một kế hoạch trả nợ phù hợp, được giám sát thực hiện bởi Tòa án và tạo cơ hội cho các chủ nợ thu hồi được một phần hợp lý các khoản nợ của mình. Các quy định về phá sản doanh nghiệp của pháp luật Việt Nam cũng không nằm ngoài những mục đích nêu trên. Đối với doanh nghiệp bị thua lỗ, lâm vào tình trạng phá sản thì các quy định của Luật phá sản năm 2004 không đồng nghĩa với việc giải thể doanh nghiệp và phát mại tài sản của người mắc nợ mà còn trở thành công cụ tái tổ chức kinh doanh. Sau khi Hội nghị chủ nợ thông qua Nghị quyết đồng ý với các giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh, NHTM có cơ hội ổn định tình hình tài chính, cắt giảm nguồn chi. Các chủ nợ có thể tác động tới kế hoạch kinh doanh đồng thời giám sát việc thực hiện hoạt động kinh doanh của NHTM, giúp NHTM thực hiện quá trình tái phân bổ và sử dụng nguồn lực một cách hợp lý hơn.

So với Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993 mới chỉ quy định cụ thể về thủ tục thanh toán tài sản của doanh nghiệp mà chưa có những quy định về thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như điều kiện, nội dung, thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh... thì Luật Phá sản năm 2004 đã quy định cụ thể về thủ tục phục hồi, điều kiện chuyển đổi từ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã sang thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã để đi đến tuyên bố họ bị phá sản.

Nghị định số 05/2010/NĐ-CP không quy định cụ thể về thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh đối với các TCTD. Về nguyên tắc thì thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của TCTD nói chung và NHTM nói riêng được thực hiện theo quy định của Luật Phá sản năm 2004.

Thẩm phán ra quyết định áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh sau khi Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất thông qua Nghị quyết đồng ý với các giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh, kế hoạch thanh toán nợ cho các chủ nợ và yêu cầu NHTM phải xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất thông qua Nghị quyết, NHTM lâm vào tình trạng phá sản phải xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của mình và nộp cho Tòa án; nếu thấy cần phải có thời gian dài hơn thì phải có văn bản đề nghị Thẩm phán gia hạn. Thời hạn gia hạn không quá ba mươi ngày. Đồng thời để mở rộng khả năng tham gia phục hồi hoạt đông kinh doanh của NHTM cho các đối tượng khác thì khoản 2 Điều 68 Luật Phá sản còn quy định trong thời hạn nói trên, bất kỳ chủ nợ hoặc người nào nhận nghĩa vụ phục hồi hoạt động kinh doanh của NHTM đều có quyền xây dựng dự thảo phương án phục hồi hoạt động kinh doanh cho NHTM và nộp cho Tòa án. Phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của NHTM lâm vào tình trạng phá sản phải nêu rõ các biện pháp cần thiết để phục hồi hoạt động kinh doanh như huy động vốn mới, bán lại cổ phần cho chủ nợ, bán hoặc cho thuê tài sản không cần thiết, tổ chức lại bộ máy quản lý...; các điều kiện, thời hạn và kế hoạch thanh toán các khoản nợ.

Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh, Thẩm phán phải xem xét phương án phục hồi hoạt động kinh doanh để ra một trong các quyết định: đưa phương án ra Hội nghị chủ nợ xem xét, quyết định; đề nghị sửa đổi, bổ sung phương án phục hồi hoạt động kinh doanh. Trong trường hợp đưa phương án ra Hội nghị chủ nợ xem xét thì trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày quyết định Thẩm phán phải triệu tập Hội nghị chủ nợ để xem xét, thông qua phương án phục hồi. Nghị quyết về phương án phục hồi hoạt động kinh doanh được thông qua khi có quá nửa số chủ nợ không có bảo đảm có mặt đại diện cho từ hai phần ba tổng

số nợ không có bảo đảm trở lên biểu quyết tán thành. Nghị quyết về phương án phục hồi hoạt động kinh doanh phải được Thẩm phán ra quyết định công nhận, Nghị quyết này có hiệu lực đối với tất cả các bên có liên quan. Tòa án phải gửi quyết định công nhận Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ về phương án phục hồi hoạt động kinh doanh cho NHTM lâm vào tình trạng phá sản và các chủ nợ trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định. Thời hạn tối đa để thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của NHTM lâm vào tình trạng phá sản là ba năm, kể từ ngày cuối cùng đăng báo về quyết định của Tòa án công nhận Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ về phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của NHTM. Trong quá trình thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh, các chủ nợ và NHTM có quyền thoả thuận về việc sửa đổi, bổ sung phương án phục hồi hoạt động kinh doanh. Thoả thuận về việc sửa đổi, bổ sung phương án phục hồi hoạt động kinh doanh được chấp nhận khi có quá nửa số chủ nợ không có bảo đảm đại diện cho từ hai phần ba tổng số nợ không có bảo đảm trở lên đồng ý.

Nhằm tạo khả năng phục hồi hoạt động kinh doanh của TCTD nói chung và NHTM nói riêng thì Chương IV của Nghị định số 05/2010/NĐ-CP còn quy định và dẫn chiếu áp dụng các quy định của Luật Phá sản năm 2004 về các biện bảo toàn tài sản như: quy định các giao dịch bị coi là vô hiệu; đình chỉ thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực; bù trừ nghĩa vụ; xác định và xử lý tài sản của TCTD; kiểm kê tài sản của TCTD; gửi giấy đòi nợ, lập và niêm yết danh sách chủ nợ, người mắc nợ; áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời; đình chỉ thi hành án dân sự.... Tuy nhiên chúng tôi thấy rằng về cơ bản Nghị định số 05/2010/NĐ-CP không có gì quy định mới, đặc biệt hơn so với nội dung quy định tại Chương IV của Luật Phá sản năm 2004, chỉ có một số nội dung sau có sự khác biệt đó là:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định số 05/2010/NĐ-CP thì các giao dịch bị coi là vô hiệu theo quy định tại Điều 43 của Luật Phá sản năm 2004 đó là các giao dịch được thực hiện trong khoảng thời gian ba tháng trước ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản bao gồm: tặng cho động sản và bất động sản cho người khác; thanh toán hợp đồng song vụ trong đó phần nghĩa vụ của doanh nghiệp, hợp tác xã rõ ràng là lớn hơn phần nghĩa vụ của bên kia; thanh toán các khoản nợ chưa đến hạn; thực hiện việc thế chấp, cầm cố tài sản đối với các khoản nợ; các giao dịch khác với mục đích tẩu tán tài sản của NHTM. Tuy nhiên, nếu trong khoảng thời gian 3 tháng trước khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà NHTM đang được NHNN đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt hoặc BHTG Việt Nam hỗ trợ tài chính, thì việc áp dụng quy định về giao dịch vô hiệu sẽ làm cho các hoạt động này không còn ý nghĩa. Chính vì vậy khoản 2 Điều 27 Nghị định số 05/2010/NĐ-CP quy định: “Nếu trong khoảng thời gian ba tháng trước khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, TCTD đang được NHNN Việt Nam đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt hoặc áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán hoặc đang được BHTG Việt Nam hỗ trợ tài chính thì việc thanh toán các khoản nợ chưa đến hạn, thực hiện thế chấp, cầm cố tài sản đối với các khoản nợ, chi trả tiền gửi, thanh toán bù trừ liên ngân hàng dưới sự kiểm soát của NHNN Việt Nam sẽ không áp dụng các quy định về

giao dịch vô hiệu”.

Thứ hai, đó là vấn đề kiểm kê tài sản của TCTD lâm vào tình trạng

phá sản:

Theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 05/2010/NĐ-CP thì kiểm kê tài sản của TCTD được thực hiện theo quy định tại Điều 50 của Luật Phá sản. Trong hoạt động của mình, TCTD có thể cung ứng các dịch vụ như bảo quản hiện vật, giấy tờ có giá, cho thuê tủ két… Những tài sản được khách hàng gửi

tại TCTD thông qua các hình thức này cần được phân loại trong quá trình kiểm kê và trả lại cho khách hàng trước khi phân chia tài sản theo thủ tục phá sản. Chính vì vậy khoản 2 Điều 31 Nghị định số 05/2010/NĐ-CP quy định cụ thể: “Bảng kiểm kê tài sản của TCTD phải xác định được tài sản của TCTD, tài sản được khách hàng gửi TCTD giữ hộ, ủy thác tài sản cầm cố, thế chấp

của khách hàng”. Ngoài ra khoản 3 Điều 31 Nghị định số 05/2010/NĐ-CP

còn quy định thêm trách nhiệm của Tổ quản lý, thanh lý tài sản đó là sau khi kiểm kê tài sản, Tổ quản lý, thanh lý tài sản căn cứ vào giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu để trả lại tài sản gửi lại TCTD cho các khách hàng trước khi phân chia tài sản theo thủ tục phá sản.

Thứ ba, đó là vấn đề gửi giấy đòi nợ, lập và niêm yết danh sách chủ nợ,

người mắc nợ

Theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 05/2010/NĐ-CP thì việc gửi giấy đòi nợ, lập danh sách chủ nợ, người mắc nợ; việc giải quyết khiếu nại liên quan đến danh sách chủ nợ, người mắc nợ được thực hiện theo quy định tại Điều 51, 52 và 53 của Luật Phá sản năm 2004. Xuất phát từ việc TCTD có nhiều chi nhánh cho nên khoản 2 Điều 32 Nghị định số 05/2010/NĐ-CP còn quy định danh sách chủ nợ, người mắc nợ phải được niêm yết công khai tại trụ sở Tòa án tiến hành thủ tục phá sản và tại trụ sở chính, chi nhánh của TCTD lâm vào tình trạng phá sản.

Sau khi Thẩm phán ra quyết định công nhận Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ về phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của NHTM lâm vào tình trạng phá sản thì Tổ quản lý, thanh lý tài sản giải thể. Sáu tháng một lần, NHTM phải gửi cho Tòa án báo cáo về tình hình thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh ở ngân hàng mình. Chủ nợ có nghĩa vụ giám sát việc thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của NHTM.

Sau khi NHTM thực hiện xong phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc được sự đồng ý của quá nửa số phiếu của các chủ nợ không có bảo đảm đại diện cho từ hai phần ba tổng số nợ không có bảo đảm trở lên chưa thanh toán đồng ý đình chỉ thì Thẩm phán sẽ ra quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh. Tòa án phải gửi và thông báo công khai quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của NHTM. Sau khi có quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh thì NHTM đó được coi không còn lâm vào tình trạng phá sản.

Một phần của tài liệu Xây dựng pháp luật về phá sản Ngân hàng Thương mại ở Việt Nam (Trang 59 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)