NHỮNG NGƢỜI CÓ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ TRONG VIỆC NỘP ĐƠN YÊU CẦU MỞ THỦ TỤC PHÁ SẢN

Một phần của tài liệu Xây dựng pháp luật về phá sản Ngân hàng Thương mại ở Việt Nam (Trang 46 - 50)

YÊU CẦU MỞ THỦ TỤC PHÁ SẢN

Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là thủ tục bắt buộc đầu tiên của trình tự giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản. Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là căn cứ để Tòa án có ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với NHTM đó hay không. Luật Phá sản năm 2004 đã quy định rõ các đối tượng có quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, nội dung của đơn yêu cầu và tài liệu gửi kèm theo đơn. Trên cơ sở các quy định của Luật Phá sản năm 2004, khoản 1 Điều 8 Nghị định số 05/2010/NĐ-CP đã quy định những người sau có quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:

Pháp luật phá sản được đặt ra trước hết là nhằm bảo vệ quyền về tài sản của chủ nợ. Do vậy, đối tượng đầu tiên được pháp luật quy định có quyền nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản NHTM là chủ nợ. Theo pháp luật phá sản của các nước thì chủ thể cơ bản và phổ biến cũng là các chủ nợ, bởi thực chất của việc phá sản là việc giải quyết các mối quan hệ tài sản giữa con nợ và chủ nợ

cho nên đương nhiên chủ nợ là người có quyền này. Theo quy định của Luật phá sản năm 2004 thì có ba loại chủ nợ là: chủ nợ có bảo đảm; chủ nợ có bảo đảm một phần và chủ nợ không có bảo đảm. Tuy nhiên, đối tượng được nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của NHTM là chủ nợ không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần. Chủ nợ có bảo đảm 100% không phải là người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục giải quyết phá sản vì các khoản nợ của các chủ nợ này đã được bảo đảm bằng tài sản của NHTM hoặc của người thứ ba. Theo quy định tại Điều 6 Luật Phá sản năm 2004 thì chủ nợ có bảo đảm một phần là chủ nợ có khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba mà giá trị tài sản bảo đảm ít hơn khoản nợ đó; chủ nợ không có bảo đảm là chủ nợ có khoản nợ không được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba.

Cũng liên quan đến quyền của chủ nợ, Nghị định số 05/2010/NĐ-CP quy định một loại chủ nợ khá đặc biệt là người lao động làm việc trong NHTM với những khoản nợ lương và các khoản nợ khác cũng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của người lao động được thực hiện theo quy định tại Điều 14 Luật Phá sản năm 2004. Người lao động thực hiện quyền này thông qua việc cử người đại diện hoặc thông qua đại diện công đoàn của NHTM lâm vào tình trạng phá sản. Nếu như trước đây, Luật phá sản doanh nghiệp năm 1993 quy định người lao động chỉ có thể thực hiện quyền của mình khi không được chủ doanh nghiệp trả lương trong ba tháng liên tiếp thì Luật phá sản năm 2004 không còn quy đinh điều kiện đó nữa, đây có thể coi là một điểm tiến bộ của Luật Phá sản năm 2004 trong việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Đối tượng thứ ba có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đó là: chủ sở hữu của NHTM nhà nước, cổ đông của NHTM cổ phần. Việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của đối tượng này được thực hiện theo quy định

tại Điều 16 và Điều 17 Luật Phá sản năm 2004, theo đó những người này thực hiện quyền nộp đơn như sau:

- Khi nhận thấy NHTM nhà nước lâm vào tình trạng phá sản mà NHTM nhà nước không thực hiện nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì đại diện chủ sở hữu của NHTM nhà nước có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với NHTM nhà nước đó.

- Khi nhận thấy NHTM cổ phần lâm vào tình trạng phá sản thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của điều lệ NHTM cổ phần; nếu điều lệ NHTM cổ phần không quy định thì việc nộp đơn được thực hiện theo nghị quyết của đại hội cổ đông. Trường hợp điều lệ NHTM cổ phần không quy định mà không tiến hành được đại hội cổ đông thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất sáu tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với NHTM cổ phần đó.

Đối tượng thứ tư thực hiện việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là đại diện hợp pháp của NHTM khi nhận thấy tổ chức mình lâm vào tình trạng phá sản. Ngược lại với quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của các đối tượng trên, thì Nghị định số 05/2010/NĐ-CP khẳng định việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của đại diện hợp pháp của NHTM không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của họ. Ở Việt Nam cũng như một số nước phương Đông, sự thất bại trong kinh doanh nhất là vỡ nợ, phá sản bị coi là một vết nhơ lớn và mọi người đều muốn tránh, ngay cả trong hệ thống pháp luật cũng đặt ra nhiều sự bất lợi mà doanh nghiệp bị phá sản phải gánh chịu, do đó việc các con nợ tự nguyện nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là điều hiếm khi xẩy ra. Điều này dẫn đến việc các chủ nợ thường đe dọa gửi đơn yêu cầu phá sản để ép buộc các con nợ phải thanh toán cho họ chứ họ thực sự không muốn sử dụng cơ chế phá sản để bảo vệ quyền lợi của mình, khi con nợ cam kết thanh

toán cho họ thì họ lại rút đơn yêu cầu. Trên thực tế các doanh nghiệp ở nước ta cũng luôn cố tình tìm cách trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán cũng như nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản càng lâu càng tốt và họ chỉ nộp đơn khi tình hình tài chính đã thực sự trở nên bi đát, họ không có khả năng thực hiện bất kỳ hành vi thanh toán nào, họ không còn có cơ hội nào để thoát khỏi tình trạng bị phá sản. Chính vì vậy, đối mặt với hiện tượng này Luật Phá sản năm 2004 đã ấn định thời hạn mà chủ doanh nghiệp phải nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, nếu không thực hiện họ sẽ phải gánh chịu những chế tài pháp lý nhất định. Theo quy định của Luật Phá sản, trong thời hạn ba tháng kể từ ngày nhận thấy doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản nếu doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật [19, Điều 15].

Ngoài ra khoản 3 Điều 8 Nghị định số 05/2010/NĐ-CP còn quy định trách nhiệm của NHNN Việt Nam và các cơ quan có liên quan trong khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nếu nhận thấy NHTM lâm vào tình trạng phá sản, NHNN Việt Nam và các cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật có nhiệm vụ thông báo bằng văn bản cho những người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản biết để họ xem xét việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Cơ quan thông báo phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông báo đó.

Để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của NHTM nhằm tránh xảy ra tình trạng người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản lợi dụng quyền nộp đơn của mình với mục đích làm giảm hoặc làm mất uy tín của NHTM đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ nợ và người lao động trong việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Luật Phá sản đã quy định chế tài đối với những trường hợp này. Theo đó, người nộp đơn do không khách quan gây ảnh

hưởng xấu đến danh dự, uy tín, hoạt động kinh doanh của NHTM hoặc có sự gian dối trong việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật [19, Điều 19].

Một phần của tài liệu Xây dựng pháp luật về phá sản Ngân hàng Thương mại ở Việt Nam (Trang 46 - 50)