NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ PHÁ SẢN NHTM Ở VIỆT NAM

Một phần của tài liệu Xây dựng pháp luật về phá sản Ngân hàng Thương mại ở Việt Nam (Trang 75 - 78)

Trong bối cảnh hiện nay ngân hàng đang đứng trước những áp lực cạnh tranh ngày càng lớn từ các cam kết mở cửa thị trường tài chính - ngân hàng sau khi Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đặc biệt từ tháng 4 năm 2007 Việt Nam cho phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài thì áp lực cạnh tranh giữa các NHTM trong nước và ngân hàng 100% vốn nước ngoài trở nên gay gắt hơn. Bên cạnh đó nhiều năm trở lại đây, nợ công đã trở thành vấn đề nóng bỏng của nền tài chính ở các quốc gia phát triển và mới nổi. Đối với Việt Nam theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, năm 2007, nợ công là 33,8% GDP nhưng từ 2008, tỷ lệ này nâng lên 36,2%; 2009: 41,9%; 2010: 56,7%. Năm 2011, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) dự kiến nợ công sẽ đạt 1.375 nghìn tỷ đồng, tương đương 58,7% GDP [9]. Một điểm đáng lưu ý nữa là những năm gần đây tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của các NHTM đặc biệt là NHTM trong nước chiếm một tỷ lệ rất cao. Mặt khác, các NHTM ở Việt Nam chịu tác động rất lớn của hậu phá sản NHTM ở Hoa Kỳ, một quốc gia có nền kinh tế và thị trường tín dụng phát triển hàng đầu thế giới. Tất cả những yếu tố trên đây có ảnh hưởng rất lớn tới tổ chức và hoạt động của các NHTM và có thể đó là những nguyên nhân dẫn tới NHTM lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, khả năng thanh toán và buộc phải thực hiện thủ tục giải quyết phá sản trong thời gian tới.

Trên phương diện pháp luật, hiện nay Luật Phá sản năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành là những cơ sở pháp lý để tiến hành giải quyết phá sản doanh nghiệp nói chung. Đối với việc giải quyết phá sản TCTD nói chung và NHTM nói riêng thì đã có những quy định tại Nghị định số 05/2010/NĐ-CP. Tuy nhiên, những quy định trong Nghị định số 05/2010/NĐ- CP chưa có nhiều quy định đặc thù trong việc giải quyết phá sản NHTM mà chủ yếu là dẫn chiếu áp dụng các quy định của Luật Phá sản năm 2004. Bên cạnh đó những quy định cụ thể trong Nghị định này đang còn mang tính chất chung chung, chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, có sự chồng chéo, không thống nhất đối với các quy định pháp luật khác có liên quan cần phải sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện.

Nền kinh tế thế giới và toàn cầu hóa kinh tế vừa trải qua một thách thức nghiêm trọng là cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Cuộc khủng hoảng đã làm bộc lộ những rủi ro khó lường trong sự phát triển thiếu bền vững của nền kinh tế toàn cầu và của các nền kinh tế quốc gia, từ những nền kinh tế phát triển nhất, nơi các công ty bất chấp rủi ro chạy theo lợi nhuận tối đa, cho đến những nền kinh tế đang phát triển lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế với nhiều thách thức từ sự hội nhập cũng như tác động của những quy luật của nền kinh tế thị trường đòi hỏi pháp luật về phá sản NHTM phải có những quy định đặc thù để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các chủ nợ, đặc biệt là người gửi tiền, đảm bảo sự an toàn của hệ thống ngân hàng là yêu cầu cấp thiết và có tính thực tiễn đối với Việt Nam hiện nay. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ chúng ta phải nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật nói chung và pháp luật về phá sản NHTM nói riêng.

KẾT LUẬN CHƢƠNG 2

Qua nghiên cứu các quy định pháp luật về giải quyết phá sản TCTD nói chung và NHTM nói riêng ở Việt Nam chúng tôi thấy rằng: Việc giải quyết phá sản NHTM dựa trên khuôn khổ pháp lý chung về phá sản doanh nghiệp (Luật Phá sản năm 2004 và các văn bản pháp luật có liên quan). Cũng như pháp luật của một số nước trên thế giới pháp luật Việt Nam đã có những quy định ban đầu đối với giải quyết phá sản NHTM. Nghị định số 05/2010/NĐ- CP ra đời đã tạo được những căn cứ pháp lý đặc thù để giải quyết phá sản các NHTM. Tuy nhiên, ngoài một số ít những quy định cụ thể, đặc thù như: Thẩm quyền của Tòa án; những người có quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu giải quyết phá sản; thủ tục phá sản…thì những quy định trong Nghị định số 05/2010/NĐ-CP chủ yếu là quy định dẫn chiếu đến các điều khoản của Luật Phá sản năm 2004 đối với những nội dung có thể áp dụng chung cho các doanh nghiệp. Để các quy định của pháp luật về giải quyết phá sản NHTM áp dụng được vào thực tế của cuộc sống, đáp ứng được nhưng yêu cầu thực tế đặt ra khi giải quyết phá sản NHTM thì những quy định trong Nghị định số 05/2010/NĐ-CP là chưa thể đáp ứng được, các quy định đó vẫn còn nhiều thiếu sót mà đòi hỏi các nhà lập pháp Việt Nam phải nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện.

Chƣơng 3

Một phần của tài liệu Xây dựng pháp luật về phá sản Ngân hàng Thương mại ở Việt Nam (Trang 75 - 78)