Lý luận về thuế GTGT cũng như thực tiễn áp dụng thuế GTGT từ thập kỷ 80 người ta đã nhận thấy rằng nếu thuế GTGT càng ít thuế suất thì càng dễ
áp dụng. Theo chúng tôi, pháp luật thuế GTGT nước ta chỉ áp dụng hệ thống một mức thuế suất 10%.
Về thuế suất 0%:
Hiện nay cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu phi thuế quan không thuộc đối tượng nộp thuế GTGT, không thực hiện kê khai và không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào nên đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào có thuế GTGT mặc dù sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp vẫn không được khấu trừ mà phải đưa vào chi phí. Theo chúng tôi, nên sửa đổi qui định theo hướng không phân biệt doanh nghiệp nội địa hay doanh nghiệp khu phi thuế quan, đều thực hiện kê khai, nộp thuế, khấu trừ, hoàn thuế như nhau. Vì vậy, cần loại đối tượng là hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khu phi thuế quan ra khỏi diện áp dụng thuế suất 0%, tức vẫn áp dụng thuế suất như hàng hóa, dịch vụ kinh doanh trong nội địa. Theo đó, bỏ cả qui định về việc các dịch vụ do cơ sở kinh doanh nội địa cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở trong khu phi thuế quan nhưng địa điểm cung cấp và tiêu dùng dịch vụ ở ngoài khu phi thuế quan thì không được áp dụng thuế suất 0%.
Đối với nước ta trong giai đoạn hiện nay cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng loại dịch vụ xuất khẩu nào được áp dụng thuế suất 0% bởi dịch vụ là một loại hàng hóa vô hình rất khó kiểm soát được thực tế có xuất khẩu hay không, vì vậy, rất có thể bị lợi dụng để được hoàn thuế đầu vào khống làm thất thoát tiền của NSNN. Vì vậy, theo chúng tôi cần phải có sự qui định rõ ràng và chặt chẽ về việc xác định tính thực tế xuất khẩu của dịch vụ. Cụ thể, dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0% phải đáp ứng các điều kiện sau:
+ Hợp đồng ký với đối tác nước ngoài, + Thực hiện thanh toán qua ngân hàng; + Tiêu dùng ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Trường hợp không xác định được địa điểm tiêu dùng thì áp dụng thuế suất như đối với tiêu dùng nội địa.