Nguyên tắc hoàn thiện

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật thuế giá trị giá tăng ở việt Nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 74)

- Nguyên tắc công bằng

Tính công bằng là một đòi hỏi khách quan trong tiến trình phát triển của nhân loại cũng như trong tiến trình phát triển của thuế khóa nói riêng. Trong lĩnh vực thuế khóa, tính công bằng phải được thể hiện trước hết ở việc phân chia gánh nặng của thuế khóa. Bởi có công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế mới tạo ra được động lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như giữ vững được thể chế chính trị. Tuy nhiên đến nay, tiêu thức để đánh giá tính công bằng trong thuế khóa cũng đang có nhiều ý kiến khác nhau.

Theo quan điểm của các nhà kinh tế, công bằng của thuế khóa phải dựa trên nguyên tắc công bằng theo chiều dọc và công bằng theo chiều ngang. Cụ thể nếu các cá nhân, doanh nghiệp có các điều kiện như nhau thì được đối xử ngang nhau trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, đó là công bằng theo chiều ngang; còn nếu người có khả năng đóng góp thuế nhiều hơn thì phải nộp thuế cao hơn, đó là công bằng theo chiều dọc hay còn gọi là công bằng lũy tiến [28, tr. 143].

Đứng ở giác độ pháp lý chúng tôi cho rằng, tính công bằng của thuế khóa không chỉ được thực hiện ở nguyên tắc công bằng trong chiều ngang và chiều dọc, tức là không chỉ giải quyết sự công bằng giữa những người có nghĩa vụ thuế với nhau mà còn phải đảm bảo sự công bằng giữa nhà nước và người cung cấp nguồn lực tài chính cho nhà nước bằng con đường thuế khóa. Bởi chính họ là người nuôi dưỡng cả bộ máy nhà nước bằng hành vi hợp pháp

của mình - hành vi sản xuất, kinh doanh - được nhà nước thừa nhận và bảo hộ. Sự công bằng này là hết sức quan trọng, bởi lẽ dưới giác độ pháp lý, thuế được xem xét là nghĩa vụ phát sinh giữa các chủ thể với nhà nước trong mối quan hệ của luật công, song trên thực tế sự đảm bảo này ít được đặt ra hoặc được đặt ra ở mức độ hết sức mờ nhạt.

Vấn đề đảm bảo sự công bằng giữa nhà nước và người nộp thuế phụ thuộc rất lớn ở việc xác định thời điểm phát sinh nghĩa vụ thuế nói chung và nghĩa vụ thuế GTGT nói riêng. Bởi vì nếu xác định thời điểm phát sinh nghĩa vụ thuế GTGT quá sớm thì sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi ích kinh tế của đối tượng nộp thuế, không tạo ra được động lực phát triển sản xuất kinh doanh và chính điều này lại ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nuôi dưỡng của thuế. Song ngược lại nếu xác định thời điểm phát sinh nghĩa vụ thuế GTGT quá muộn thì không đảm bảo được nguồn thu ổn định vững chắc cho NSNN, cũng như không phát huy được chức năng của thuế gián thu là nhằm động viên trước một phần thu nhập quốc dân cho NSNN để đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu và phát triển kinh tế xã hội của nhà nước. Vì vậy, khi xác định thời điểm phát sinh nghĩa vụ thuế GTGT cần phải giải quyết hài hòa thỏa đáng mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp, phải có sự san sẻ cần thiết cho nhau giữa lợi ích và trách nhiệm. Tất nhiên cũng phải thấy rằng tính công bằng trong thuế khóa vẫn không thể thoát khỏi phạm trù nhận thức cũng như quan điểm của mỗi Chính phủ trong từng thời kỳ nhất định.

- Nguyên tắc hiệu quả và thuận tiện

Qui định của pháp luật thuế GTGT cần phải đảm bảo tính hiệu quả ở hai phương diện, hiệu quả đối với nền kinh tế và hiệu quả hành chính thuế hay còn gọi hiệu quả tổ chức thu thuế.

Hiệu quả đối với nền kinh tế: xét về phương diện kinh tế, hành vi đánh thuế của Chính phủ dù bất kỳ dưới hình thức nào cũng đều có tác động phân bổ lại nguồn lực của xã hội và chịu sự chi phối của hai tác nhân có xu hướng

vận động không đồng nhất là nhà nước và các lực lượng của thị trường. Sự tác động này có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp tùy vào tính chất và độ co giãn của quan hệ cung cầu trên trị trường.

Song việc đánh thuế của Chính phủ không đơn giản chỉ là sự phân phối lại thu nhập từ các đối tượng nộp thuế vào trong tay nhà nước mà còn gây ra những tác động phụ đến hiệu quả chung của nền kinh tế. Tác động phụ này xẩy ra có thể theo xu hướng tích cực hoặc tiêu cực.

Theo xu hướng tiêu cực được gọi là tác động suy giảm hiệu quả chung của nền kinh tế do thuế gây ra hay còn gọi là sự méo mó do thuế gây ra.

Theo xu hướng tích cực được gọi là tác động tăng hiệu quả chung của nền kinh tế do thuế gây ra hay còn gọi là tác động phụ tích cực.

Khi xây dựng qui định cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng nhằm hạn chế tác động suy giảm hiệu quả của thuế đối với nền kinh tế.

Hiệu quả hành chính thuế: Khi thu thuế bao giờ cũng phát sinh chi phí, gồm chi phí trực tiếp quản lý của cơ quan thuế và chi phí gián tiếp do người nộp thuế phải gánh chịu. Nếu chi phí bỏ ra để thu thuế cao hơn hoặc bằng số thuế thu được thì rõ ràng việc thu thuế như vậy là không hiệu quả.

Tính hiệu quả phải được đặt trên nền tảng thuận tiện. Thuận tiện được thể hiện ở sự dễ dàng thực hiện, dễ quản lý và có khả năng thích ứng với các hoạt động kinh tế nhạy cảm và dễ thay đổi.

- Nguyên tắc hiện thực

Thuế được huy động nhằm tập trung nguồn lực tài chính đáp ứng nhu cầu chi tiêu của nhà nước. Phương thức huy động tập trung nguồn lực của thuế sử dụng là phương pháp chuyển giao tài chính bắt buộc, không hoàn trả. Đặc biệt nguồn huy động tập trung thông qua thuế là tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân trong nước tạo ra. Đối với thuế GTGT, xét về mặt nguyên tắc chưa có doanh thu thì chưa có nghĩa vụ thuế và ngược lại kể từ thời điểm

xác định đã có doanh thu thì nghĩa vụ thuế đồng thời cũng được phát sinh. Đây là nguyên tắc hết sức cơ bản cần được coi là nguyên tắc nền tảng để xác định thời điểm phát sinh nghĩa vụ thuế GTGT.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật thuế giá trị giá tăng ở việt Nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)