CƠ CẤU NGUỒN PHÁP LUẬT ĐIỀU CHỈNH QUAN HỆ THU NỘP THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG Ở VIỆT NAM

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật thuế giá trị giá tăng ở việt Nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 46)

THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG Ở VIỆT NAM

Dưới giác độ pháp lý, thuế nói chung và thuế GTGT nói riêng là nghĩa vụ pháp lý phát sinh trên cơ sở hành vi hợp pháp - hành vi sản xuất kinh doanh của các thể nhân, pháp nhân được nhà nước thừa nhận và bảo hộ. Nghĩa vụ pháp lý này phát sinh trên cơ sở ấn định, bắt buộc của nhà nước bằng Luật. Vì lẽ đó, nghĩa vụ thuế nói chung và nghĩa vụ thuế GTGT nói

riêng đều là những nghĩa vụ được phát sinh giữa các thể nhân, pháp nhân với nhà nước trong mối quan hệ với luật công.

Nghĩa vụ thuế GTGT được hiểu là mức độ, khả năng xử sự cần phải có của các bên khi tham gia quan hệ thuế GTGT, được pháp luật qui định và được nhà nước đảm bảo thực hiện. Nội dung của nghĩa vụ thuế GTGT bao gồm:

- Các chủ thể phải tiến hành những xử sự nhất định để đáp ứng quyền của chủ thể bên kia, như để đáp ứng quyền thu thuế GTGT của nhà nước, đối tượng nộp thuế GTGT phải thực hiện các xử sự bắt buộc như đăng ký, kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế, giữ gìn sổ sách kế toán, chứng từ, hóa đơn…Ngược lại để đảm bảo quyền của đối tượng nộp thuế GTGT nhà nước cũng phải thực hiện một số hành vi nhất định như khấu trừ thuế, hoàn thuế, xét miễn giảm thuế…

- Các chủ thể phải chịu trách nhiệm pháp lý khi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các xử sự bắt buộc về thuế GTGT mà pháp luật đã qui định.

Mức độ, khả năng xử sự cần phải có của các chủ thể đều được pháp luật qui định, vì vậy, khi nói đến nghĩa vụ thuế GTGT là phải nói đến cơ sở pháp lý của nó. Hay nói cách khác quan hệ thu nộp thuế GTGT bao giờ cũng phát sinh trên cơ sở pháp luật.

Ở Việt Nam, cơ cấu nguồn pháp luật điều chỉnh quan hệ thu nộp thuế GTGT bao gồm:

- Hiến pháp: Hiến pháp là đạo luật cơ bản của nhà nước, qui định những vấn đề chung nhất, cơ bản nhất của nhà nước và xã hội, trong đó đóng thuế là nghĩa vụ cơ bản của công dân, vì vậy, nghĩa vụ này trước hết được qui định trong Hiến pháp. Điều 80, Hiến pháp năm 1992 của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam qui định: "Công dân có nghĩa vụ đóng thuế và lao động công ích theo qui định của pháp luật".

- Luật Thuế GTGT: Xuất phát từ nguyên tắc thuế phải do Luật định, không có Luật thuế thì không có nghĩa vụ thuế. Vì vậy, Luật Thuế GTGT là cơ sở pháp lý cơ bản của thuế GTGT.

- Nghị định của Chính phủ qui định chi tiết thi hành Luật Thuế GTGT. - Thông tư của Bộ Tài chính và các Bộ khác có liên quan hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT.

- Công văn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan về thi hành thuế GTGT.

Xét về luật thực định ở nước ta hiện nay (Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật, ban hành ngày 12/11/1996) thì công văn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền không nằm trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Còn xét về mặt lý luận pháp lý thì công văn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan là một loại văn bản quản lý nhà nước, cho nên theo chúng tôi có thể coi là cơ sở pháp lý của nghĩa vụ thuế GTGT.

Như vậy, nguồn pháp luật điều chỉnh quan hệ thu nộp thuế GTGT được thể hiện dưới các hình thức văn bản khác nhau và do nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, song cần phải khẳng định Luật Thuế GTGT là cơ sở pháp lý làm phát sinh nghĩa vụ thuế GTGT, là bộ phận cơ bản có giá trị pháp lý chi phối các văn bản pháp luật khác trong hệ thống các văn bản pháp luật thuế GTGT ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật thuế giá trị giá tăng ở việt Nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)