Sử dụng ngôn từ gần gũi với đời sống

Một phần của tài liệu Cái tôi trữ tình trong thơ Ý Nhi, Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn (Trang 87 - 92)

Ngôn từ là một trong những phương tiện quan trọng được nhà văn sử dụng trong sáng tác nghệ thuật, nó là “công cụ, là chất liệu cơ bản của văn học được gọi là loại hình ngôn từ” [18]. M. Gorki khẳng định “ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học”. Trong tác phẩm văn học, ngôn ngữ là một trong những yếu tố quan trọng nhất, thể hiện cá tính sáng tạo, phong cách, tài năng

của nhà văn. Tác phẩm trữ tình được xây dựng bằng một thứ ngôn ngữ đặc biệt hàm xúc, cô động và gợi cảm. Chính vì vậy, ngôn ngữ thơ trữ tình là thứ ngôn ngữ chọn lọc, giàu hình ảnh, giàu tính nhạc và dồi dào sức biểu hiện.

Khảo sát thơ Ý Nhi trên phương diện ngôn ngữ, chúng tôi nhận thấy ngôn ngữ thơ chị là thứ ngôn ngữ giản dị, tự nhiên, chân thực gần với ngôn ngữ được sử dụng trong giao tiếp hằng ngày. Ý Nhi không cầu kì “làm chữ” mà tất cả đến rất tự nhiên trong thơ chị. Chính vì điều này đã tạo nên một giọng kể tự nhiên, chân thực như một câu chuyện của đời sống trong nhiều bài thơ của chị, như: Nhà văn Nguyên Hồng, Nguyễn Du – 1813, Khánh, Người bán rắn bên hồ Thuyền Quang,… Mặc dù, ngôn ngữ trong thơ Ý Nhi tuy rất giản dị, ngắn gọn nhưng tinh, sắc và hàm súc, giàu khả năng biểu cảm, mỗi từ ngữ, mỗi hình ảnh đều đem đến một ý nghĩa sâu xa bên trong khi diễn đạt sự vật, hiện tượng. Trong bài Mùa thu, chị viết:

Xin anh

trong niềm vui nhớ đến em.

Xin anh

trong nỗi buồn chia sẽ cùng em. Xin anh mãi như em đã gặp đã yêu đã luôn chờ đợi. Xin anh hãy yêu và tha thứ.

Đằng sau những câu chữ, hình ảnh thật giản dị ấy bộc lộ một tình yêu hết sức kín đáo, dịu dàng và hết sức đắm đuối.

Là một người đa cảm, vì thế đối với Ý Nhi những vùng đất chị từng sống, từng qua thường đọng lại cho chị nhiều cảm xúc vả dấu ấn không thể phai nhòa trong cuộc đời. Chính vì thế, trong thơ chị xuất hiện rất nhiều danh từ riêng chỉ địa danh, như: Hà Nội, Tuy Hòa, Nha Trang, Đà lạt, Thái Nguyên, Vinh, Huế, Cà Mau, Praha Matxcơva,… Nhắc đến Hải Phòng thường gắn liền với những kỷ niệm tuổi thơ hồn nhiên, yên tĩnh chưa vướng bụi đời: Thuở ấy tôi mặc áo rộng thùng thình/ tóc Tết đuôi sam/ thuở ấy đi lang thang giữa thành phố của mình/ chưa biết đến niềm vui làm ta rơi nước mắt/ chưa có nụ cười nào xa xót nở trên môi (Nhớ Hải Phòng). Nhắc đến Quảng Bình là nhắc đến mảnh đất thời trẻ, thời của tin cẩn, yêu thương… nhưng trên hết, Hà Nội là nơi chị viết nhiều nhất, bởi nơi đây không những là vùng đất đẹp gắn liền với những danh lam thắng cảnh, nguồn cảm xúc lớn trong sáng tác của các nhà thơ nói chung và chị nói riêng, nó còn gắn liền với những nhân cách lớn mà chị kính phục, như: Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Minh Châu,… và trên hết, nơi đây đã in dấu những cảm xúc tình yêu lãng mạn, ngọt ngào trong đời chị: “Anh hôn em ngoài phố khuya/ nơi ánh đèn chợt sáng/ chợt khuất đi/ rồi lại hiện về”, cùng với những kỉ niệm gắn bó cùng anh, anh bên em:

Anh cùng em qua lối ven đê bờ đất mềm hoa cỏ.

anh cùng em qua những mặt người mơ hồ gắn bó.

Anh cùng em qua những rặng cây Lá đã nhuốm vàng ngày muộn.

Bên cạnh đó, lớp danh từ chỉ sự vật, hiện tượng quen thuộc, giản dị trong đời sống cũng được đưa rất nhiều vào thơ chị. Một trong số các danh từ giản dị ấy còn được nhà thơ dùng để đặt tên cho những bài thơ, tập thơ cụ thể. Những danh từ như: cát, biển, sông, nắng, gió, bùn, vườn, mùa thu, tuyết,… tuy giản dị nhưng với sự khéo léo đặt nó vào trong trục kết hợp của các từ ngữ trong câu, khiến cho nó trở thành những hình ảnh biểu tượng thơ độc đáo, sinh động, hấp dẫn và gây ấn tượng thẩm mĩ trong thơ Ý Nhi. Biển là biểu trưng cho một thời tuổi trẻ “cháy rực”, “niềm khát khao”, “chẳng nguôi yên”,… nhưng cũng lại là hình ảnh của “kết cục”, là cái còn lại sau cùng của “mọi lối ta qua”; đó còn là hình ảnh của “nỗi đắng cay/ được giấu kín sau màu xanh trầm mặc”, nhưng đồng thời lại luôn gợi lên cảm giác “lớn lao thanh thản vô cùng”… Ngoài ra, trong thơ Ý Nhi, cát cũng là một biểu tượng thẫm mĩ độc đáo, những hạt cát nhỏ bé, cát vô danh, những miền cát “mênh mông”, “ròng ròng tuôn chảy”, “bỏng khô, chói lọi vô bờ”,… Thông qua hình ảnh cát gợi lên liên tưởng mạnh mẽ đến hình tượng của những người vô danh, “đã sống và chết/ giản dị và bình tâm/ không ai nhớ mặt đặt tên” (thơ Nguyễn Khoa Điềm). Vì vậy, đến với cát là đến với nhận thức sâu sắc về Tổ quốc, Nhân dân, đến những thức tỉnh thiêng liêng: Người ta đứng trang nghiêm trước cát bạt ngàn (Cát 2)… Ở đây, biển và cát là những hình ảnh giản dị nhưng lại mang ý nghĩa biểu trưng rất lớn trong thơ Ý Nhi, “nó tượng trưng cho những sức mạnh vật chất, tinh thần lớn lao, cao cả, và đứng trước những sức mạnh to lớn ấy, con người luôn bại tác động mạnh mẽ” [57].

Càng về sau, ngôn ngữ trong thơ Ý Nhi càng thấm đẫm cảm xúc, rất nhiều tính từ, động từ trực tiếp lột tả những sắc thái cảm xúc của mình ở mọi vấn đề trong cuộc sống: vui, buồn, hạnh phúc, khổ đau, chua xót, lo âu, mong mỏi, cuồng nộ, cam chịu, ái ngại, chán chường, hy vọng,… vì vậy khiến cho những câu thơ chị trở nên giàu cảm xúc:

Tôi không ưa đồ trang sức

kể cả nhẫn, vòng và cả những chức danh ...

Tôi rất ít bạn

Đôi khi tôi mất họ vì một lẽ nào đó Ngoài 30 tuổi không tìm thêm bạn mới

Và không thường giao du với các đồng nghiệp

Tôi ngại các tiệc vui

nhiều khi tôi khóc vì chính cái khiến những người xung quanh tôi vui sướng và lại muốn thét lên khi mọi người yên lặng.

(Tiểu dẫn)

Dùng những từ ngữ trực tiếp bộc lộ cảm xúc của mình, Ý Nhi đã cho người đọc thấy được sự thẳng thắn, chân thành, quyết liệt và rạch ròi trong tính cách con người thơ của chị. Trong một số bài thơ của Ý Nhi mang đậm tính chất ngôn ngữ của dân gian. Điều này được thể hiện rõ nhất trong những lời hát ru ngọt ngào của chị:

Ngủ đi anh, ngủ đi anh

Em ru cho giấc ngọt lành đêm nay Em ru vầng trán đắng cay

Ru đôi mắt đã tháng ngày chờ trông Em ru mái tóc phiêu bồng

Ru đôi môi đã mặn nồng tình em.

À ơi, thuyền đã cập bờ

đóa quỳ đã thắm ngẩn ngơ bên nhà lời yêu đã trọn bài ca

đàn trên tay đã ngân khúc tình ngủ đi anh

ngủ đi anh À ơi…

Ngôn ngữ trong bài thơ hết sức giản dị, nhẹ nhàng, như một lời tâm tình.

Tóm lại, với những hình ảnh, từ ngữ giản dị, ngắn gọn, mang màu sắc đời thường đã làm cho thơ Ý Nhi đạt đến độ cô động, hàm súc. Đồng thời với ngôn ngữ giàu hình ảnh gợi cảm đã không những góp phần làm “mềm hóa” những cấu tứ đậm triết lí trong thơ Ý Nhi, mà còn đem lại cho thơ chị trở nên đời hơn, gần gũi hơn với đời sống

Một phần của tài liệu Cái tôi trữ tình trong thơ Ý Nhi, Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn (Trang 87 - 92)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(108 trang)
w