Những chiêm nghiệm về tình yêu, hạnh phúc

Một phần của tài liệu Cái tôi trữ tình trong thơ Ý Nhi, Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn (Trang 64 - 71)

Khi chiến tranh đã đi qua, con người được nhìn nhận từ nhiều phía, mỗi nhà thơ có cái nhìn riêng, bộc lộ độ sâu của chính bản thân mình, từ đó tạo nên sự đa dạng, phong phú, sinh động cho thơ. Trong cái đa dạng, phong phú, sinh động của thơ, có một nguồn cảm hứng bí ẩn và kỳ diệu nhất là cảm hứng

về tình yêu và hạnh phúc. Như một tất yếu, khi đào sâu đến tận cùng diện mạo của cái tôi, của cái riêng, cái cá nhân, bao giờ người ta cũng bắt gặp chủ đề tình yêu hiện lên với những cung bậc cảm xúc của nó. Có thể nói, tình yêu là một chủ đề lớn và bất diệt trong thi ca. Ở mỗi giai đoạn, ở mỗi tác giả nó có những biểu hiện riêng, độc đáo. Trước đây cả dân tộc đang “gồng mình” chiến đấu, các nhà thơ ít viết về những tình cảm riêng tư, bây giờ cuộc sống đã trở về với quy luật đời thường vốn có, các nhà thơ hầu như hết thế hệ này đến thế hệ khác viết về tình yêu cũng như hạnh phúc riêng tư. Tình yêu ngày càng được các tác giả phản ánh gần với hiện thực cuộc sống của mỗi con người và cũng chính vì vậy mà nó trở nên phức tạp, đa đoan như cuộc sống đầy xô bồ, phức tạp vốn có của nó. Điều này được thể hiện rõ hầu như ở các nhà thơ nữ như Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Phan Thị Thanh Nhàn,… Họ đều thể hiện một cái tôi luôn khát khao cháy bỏng và cuồng nhiệt trong tình yêu. Khi yêu, người phụ nữ trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ khao khát một tình yêu cháy bỏng, nồng nàn, không bao giờ chấp nhận thứ tình yêu nửa vời:

Cuộc đời em vo tròn lại và ném vào cuộc đời anh

Nó sẽ lăn sâu tận đáy cuộc đời anh Sâu cho đến tận cái chết

Trời ơi

Làm sao có một cuộc đời

Để cho tôi ném cuộc đời mình vào đó Mà không hề cân nhắc, đắn đo

Rằng: cuộc đời ấy còn chưa đủ

(Không đề)

Đồng với quan điểm của Lâm Thị Mỹ Dạ, Lam Luyến ý thức được rằng khi yêu là phải cháy hết mình và phải là sự dâng hiến: Tình yêu không là cuồng nhiệt/ Em khi sương gió lạnh lùng/ Tình yêu không là dục vọng/ Tự mình thêu cháy như không (Tình yêu)… Đặc biệt đáng chú ý là thơ tình của Xuân Quỳnh, một người bạn thân thiết của Ý Nhi. Thơ chị có những câu hết

sức nồng nàn, không ngại biểu lộ rõ sự vui sướng khi bắt gặp một tình yêu đích thực của đời mình sau “bất trắc” trong cuộc đời. Xuân Quỳnh khẳng định một cách thẳng thắn, táo bạo và mạnh mẽ khát vọng tình yêu của mình:

Em yêu anh yêu như điên/ Em viết những bài thơ tình yêu tưởng anh là ý tứ (Thơ viết cho mình và những người con gái khác). Và cái tôi ấy muốn được sống hết mình với tình yêu, bất tử với tình yêu:

Em trở về đúng nghĩa trái tim em Em trở về đúng nghĩa trái tim em Là máu thịt đời thường ai chẳng có

Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa Nhưng biết yêu anh khi đã chết đi rồi

(Tự hát)

Khảo sát thơ Ý Nhi, chúng tôi nhận thấy rằng, tình yêu là một chủ đề quan trọng trong thơ chị. Tuy nhiên, thơ tình của Ý Nhi rất hiếm bài được viết theo kiểu giãi bày cảm xúc nồng nàn mà ta quen gặp trong thơ của nhiều nhà tác giả nữ cùng thế hệ với chị. Trong tình yêu bằng trải nghiệm và sự mẫn cảm riêng, chị cũng nhận thức được thế nào là niềm vui, nỗi buồn, đau khổ, mất mát trong tình yêu nhưng cái tôi trong thơ chị không giãy bày những cảm xúc nồng nàn, dữ dội mà nó nghiêng về suy tư với một tâm trạng khắc khoải, lặng lẽ chờ đợi tiếng vọng nội tâm sâu lắng. Nguyễn Thị Minh Thái đã có lần nhận xét, “Ý Nhi có một thơ tình kín đáo, chỉ nở một lần, thơm một lần và dâng hiến một lần vào một thời khắc ngắn ngủi giữa đêm” [71]. Với sự suy tư, chiêm nghiệm trong tình yêu làm cho những vần thơ tình của Ý Nhi chứa đủ mọi cung bậc tình cảm, nó chính là sự phức hợp của mọi cảm giác, đầy những mâu thuẩn và đối nghịch: vừa ngóng trông vùa khắc khoải, vừa lo âu vừa hân hoan, vừa vui vừa ngậm ngùi, vừa hạnh phúc vừa đau khổ… Đấy là một tình cảm vô cùng phức tạp của một người từng trải qua mọi cay đắng trong tình yêu, trong Tiểu dẫn, cái tôi ấy không ngần ngại bày tỏ:

Tôi đã bị lừa dối, phản trắc đã được tin cậy yêu thương

đã lội qua bùn đã đi trên cát

tôi đã tới những ngõ cụt và cũng đã tới biển

Cũng chính vì vậy, khi viết về tình yêu Ý Nhi thường hay nói về chia ly, tan vỡ. Cho dù nắm bắt trong tay hạnh phúc đi nữa, với bản chất nhạy cảm, hay lo lắng của người phụ nữ, Ý Nhi vẫn dự cảm về sự đỗ vỡ, chia xa. Vì thế cái tôi trữ tình trong thơ chị chứa đựng bao suy tư:

Trong ánh chớp của số phận em đã kịp nhìn thấy anh.

Trong vòng quay không ngừng nghỉ của số phận Em đã dừng lại đúng nơi anh

Ôi thời khắc huy hoàng. Em lặng lẽ nói cười lặng lẽ nát tan em thành lá, thành sương, thành lửa. Em lặng lẽ kêu gọi Lặng lẽ cầu xin Lặng lẽ chờ mong Lặng lẽ vở òa thành lệ.

(Năm lời cho bài hát)

Những câu thơ thể hiện rõ những đúc kết qua rất nhiều năm tháng, qua bao giông bão của cuộc đời, khi con người dường như nếm trải tất cả mọi cung bậc, cho, nhận, được, mất… Và đã từng lặng lẽ chịu nát tan, từng cầu xin, mong chờ,… thì tình yêu của người đàn bà ấy chỉ có một thời khắc huy hoàng rồi nó cũng sẽ ra đi cùng số phận. Ý thức được sự ngắn ngủi trong tình yêu và một đời người để cái tôi ấy càng yêu mãnh liệt, để trân trọng và chiêm nghiệm về nó. Nếu ai đã từng yêu thì chắc cũng từng đã cảm nhận đầy đủ mọi cung bậc của tình yêu. Với Ý Nhi tình yêu không phải chỉ là tình yêu mà nó là cái đẹp, cái tốt, cái cao quý của một con người, nó là nỗi khát khao vươn tới

sự hoàn thiện trong cuộc đời của mình. Đó là một cái tôi hạnh phúc nhưng không hề yên bình, luôn khắc khoải để có gắng đạt tới:

Chuông khắc khoải đồi cao tiếng kêu bạt gió.

Và đóa quỳ bên vườn

tựa ngọn đèn ai thắp trong chiều mong bước chân về.

Và bậc thềm và ô cửa và sương mù và lá và bờ dốc im lìm và mặt hồ vắng lặng

và tường vi lung linh bờ đậu và nắng ngập lòng phố nhỏ. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Và mắt người lo âu mắt người hân hoan mắt người im nói

Và ta dần tan

dần tan trong ngóng đợi.

(Đà Lạt)

Có thể nói, tình yêu là một cõi riêng nội tâm mà tác giả đã đắm mình trong đó với những xúc cảm tận cùng sâu sắc và mãnh liệt. Tình yêu trở thành một biểu tượng cho con người khao khát hướng tới, bởi trong tình yêu con người có thể tìm thấy sự vững vàng, niềm kiêu hãnh, sự dồn nén của khát

vọng đẹp đẽ. Chính vì vậy mà đến với “tình yêu của anh” là đến với “sự bình yên”, đến với sự “trong trẻo”, đến với “bản tình ca cầu ước sum vầy”… Đó là giấc mơ lớn lao và vô cùng đẹp đẽ trong đời: Em chẳng kể cùng ai giấc mơ của mình/ bởi có ai mà hiểu thấu được bằng anh/ người cũng hòa nhập hòa nhập cuộc đời này bằng một giấc mơ (Trong ánh chớp số phận)… Với Ý Nhi tình yêu chân chính giống như một món qua dùng để tặng chớ không có sự tín toán, “người ta có thể đem cho mà không cần đền đáp” và nó là vô bờ bến:

Anh đã đem cho, tâm hồn anh anh đã đem cho cuộc đời anh

nhưng mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây

anh còn muốn cho cô, những gì anh có thể có trong đời (Quà tặng)

Chính vì vậy, trong đau khổ và cô đơn, người phụ nữ ấy luôn muốn tìm về chỗ dựa bình yên của lòng mình – “tình yêu của anh”:

Em muốn trốn vào sự bình yên

Em muốn trốn sâu mãi, sâu mãi vào tình yêu của anh (Vườn)

Ngoài ra, với Ý Nh tình yêu không chỉ như bản chất của nó mà tình yêu đã trở thành một biểu tượng nhân văn với “khả năng đánh thức con người khỏi sự thờ ơ và quên lãng, để nhận ra được sự thiếu vắng của khát vọng và cảm xúc trong cuộc đời mình. Và nếu hiểu ra như vậy thì tự thân nỗi chờ đợi, niềm thất vọng, sự khắc khoải, thậm chí nỗi đau,… cũng có vẻ đẹp và thứ ánh sáng riêng của nó” [57].

Như đã nói trên, Ý Nhi không thuộc típ nhà thơ bộc lộ trực tiếp cảm xúc của mình như những nhà thơ khác, nhưng qua những câu thơ mang nặng chất triết lí suy tư của chị, chúng ta có thể nhận ra rằng chị đã yêu nồng nàn, mãnh liệt: Em lặng lẽ nói cười/ lặng lẽ nát tan/ em thành lá, thành sương, thành lửa (Năm lời cho bài hát). Chị hoàn toàn sung sướng và đau khổ vì được yêu: Bấy giờ/ e gầy hao, đầy đặn/ hân hoan, buồn khổ/ dưới một ánh

nhìn (Kí ức). Những câu thơ dường như đã được tạc vào đó ngập tràn những cảm giác ám ảnh:

Anh chan hòa trong tóc em trong mắt em

trên vai em

trên những đầu ngón tay em.

Anh chan hòa trong nỗi nhớ biển của em

trong giấc mơ một triền đồi vàng thắm hoa quỳ.

Anh chan hòa

Trong giọt nước mắt im lìm Trong lời em không nói.

(Năm lời cho bài hát)

Như một tất yếu, càng đào sâu đến tận cùng diện mạo của cái tôi trữ tình trong thơ Ý Nhi, càng về sau, cái tôi ấy càng bộc lộ những chiêm nghiệm, suy tư. Đứng trước cây sồi, chị suy ngẫm về hạnh phúc, về nỗi đau của một người từng trải:

ý nghĩ về hạnh phúc bền vững hơn hạnh phúc giữa đời ý nghĩ về niềm vui lớn hơn niềm vui có thực

và nỗi đau trong ta ghê gớm hơn những gì ta có thể giãy bày (Những cây sồi bên hồ Thuyền Quang)

Càng về sau, trong hành trình đi tìm hạnh phúc của mình, trong thơ Ý Nhi hiện lên là một tâm hồn không bao giờ bình yên và lặng gió, chị lo âu, trăn trở trước sự mong manh của một kiếp người. Đối với chị không có gì là vĩnh hằng, hạnh phúc cũng vậy, trước cuộc sống xô bồ phức tạp, niềm hạnh phúc cũng mong manh hiện lên như một giấc mơ:

biết đâu niềm hạnh phúc từng có thật trong đời chợt ngoảnh đầu nhìn lại

đã nên điều xa xôi

(Thơ tặng cháu) (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Và từ đó chính chị tự nhủ ra rằng: Tôi chợt hiểu giữa cuộc đời ta sống/ có những điều chẳng dễ nhận ra đâu (Quảng Bình).

Tóm lại, trong sáng tác của Ý Nhi những câu thơ viết về tình yêu không nhiều, nhưng đó là những câu thơ ấm áp và đậm chất triết lí, suy tư. Tác giả luôn nhìn cuộc đời trong sự mâu thuẩn, đối lập, mục đích nhằm đem lại sự nhận thức sâu sắc hơn về bản chất vốn có của nó. Thơ Ý Nhi còn là sự kết hợp của những cảm xúc tình yêu chân thành của một cái tôi không yên, luôn suy tư, chiêm nghiệm về nhiều lẽ, nhiều vấn đề trong cuộc sống từ đó mang lại cho thơ đậm dấu ấn trải nghiệm cá nhân của con người.

Chương 3

Một phần của tài liệu Cái tôi trữ tình trong thơ Ý Nhi, Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn (Trang 64 - 71)