Giọng trăn trở, suy tư trầm lắng

Một phần của tài liệu Cái tôi trữ tình trong thơ Ý Nhi, Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn (Trang 81)

Xuất phát từ một tâm hồn nhạy cảm và giàu lòng trắc ẩn trong sáng tạo thơ ca, Ý Nhi luôn trăn trở về cuộc đời và sứ mệnh nghệ thuật của mình. Chính điều đó đã tạo nên một giọng điệu suy tư luôn day dứt trong thơ chị. Qua khảo sát thơ Ý Nhi, chúng tôi nhận thấy thơ chị có một giọng điệu riêng rất dễ nhận ra đó là giọng trăn trở, suy tư trầm lắng. Ý Nhi trăn trở, suy tư nhiều lẽ, nhiều vấn đề trong cuộc sống, cũng chính vì vậy đã làm gia tăng chất trí tuệ, chất triết lí trong thơ chị.

Trong thơ của mình, chị thường nói về đời sống và con người với cái nhìn của một người từng trải và điềm tĩnh. Giọng thơ chị trở nên trầm lắng, giàu suy tưởng khái quát: Tôi chợt hiểu giữa cuộc đời ta sống/ Có những điều chẳng nhận ra đâu (Quảng Bình). Vì thế trong thơ của mình, Ý Nhi luôn đặt người đọc trong trạng thái vừa đọc, vừa suy ngẫm. Hay chúng ta cũng có thể bắt gặp giọng suy tư của Ý Nhi trong những câu thơ sau:

ý nghĩ về hạnh phúc bền vững hơn hạnh phúc giữa đời ý nghĩ về niềm vui lớn hơn niềm vui có thực

và nỗi đau trong ta ghê gớm hơn những gì ta có thể giãi bày. (Những cây sồi bên hồ Thiền Quang)

Những câu thơ không chỉ thể hiện sự suy tư, chiêm nghiệm về hạnh phúc, về nỗi đau trong đời, mà bằng giọng suy tư ấy, nhà thơ đã dẫn dắt người đọc tới những suy tưởng rất xa về hạnh phúc và nỗi đau, ước mơ và sự thật, ý nghĩ về hạnh phúc và hạnh phúc có thực trong đời,… Những dòng suy tư triền miên như thế ta còn thường được bắt gặp khi chị viết về những người nghệ sĩ mà cuộc đời của họ đã “như một vì sao/ Chợt tắt giữa bao la”. Đấy là hình ảnh Nguyễn Du “tóc bạc bơ phờ trước gió/ suốt đời chỉ một khối u hoài”, đấy là hình ảnh họa sĩ Dương Bích Liên luôn “thu mình lại/ tránh hết mọi chào mời, đưa đón”, đấy là hình ảnh Nguyên Hồng như “với giọt lệ lớn nằm dưới đáy đôi mắt nheo cười”,… những suy tư về những nhân cách ấy cũng chính là những suy tư về nhân thế nói chung. Chính chất giọng suy tư trầm lắng đã làm cho thơ Ý Nhi “từ bỏ sự giãy bày nặng chất duy cảm buổi đầu, chị bước nhanh tới những lời tiết chế nặng chất suy tư” [64].

Giọng điệu trăn trở, giàu suy tưởng trong thơ Ý Nhi được thể hiện rõ nét trong những bài thơ chị viết về nhân dân và Tổ quốc. Trải bao gian khổ hy sinh trong quá khứ, giờ đây chất nghĩ suy trong Ý Nhi luôn phát hiện những vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất những người dân vô danh đã thầm lặng hy sinh cho Tổ quốc hôm nay: Có thể rất nhiều người trong số họ/ không còn tuổi tên trên sử sách/ có thể họ đã chết bình thường, không chiến công hiển hách/ có thể mai sau người ta dần quên/ nhưng họ đã thành hạt cát dưới bàn chân/ thành miền đất chói ngời bê sóng biển (Cát). Đồng thời với việc sử dụng chất giọng trăn trở, suy tư trong thơ mình giúp cho Ý Nhi dễ dàng bày tỏ niềm thông cảm, chia sẽ trước những số phận chìm khuất trong cát:

Trong cát ấy có mẹ cha của bao nhiêu trẻ nhỏ có chồng con của bao người góa bụa

nhựng bạn bè đồng chí đã hi sinh

người ta đứng trang nghiêm trước cát bạt ngàn. (Cát)

Trong nhiều bài thơ khác của Ý Nhi, như: Qua Tuy Hòa, Về Thái Nguyên, Tìm về Chiêm Hóa, Quảng Bình,… ta thấy dòng mạch cảm xúc – suy

tư ấy thường “tổ chức một cách nhuần nhị, sống động và tự nhiên, như chính “dòng chảy” cảm xúc trong tâm hồn con người” [75]. Trong những bài thơ ấy, người đọc dường như bị cuốn theo dòng suy tư, hoài niệm về quá khứ của chính nhà thơ. Điều này góp phần làm gia tăng chất trí tuệ cho thơ chị và đó cũng chính là nét nổi bật trong phong cách Ý Nhi: “thâm trầm, sâu sắc, và ưa ngẫm nghĩ” [75]. Ý Nhi dù viết về những đề tài quen thuộc, thì cách thể hiện của chị cũng có cách thể hiện riêng biệt. Chẳng hạn, khi viết về mẹ, về tình yêu, thơ Ý Nhi thường được viết bằng giọng điệu trăn trở, suy tư trầm lắng. Trong bài thơ Kính gửi mẹ, nhà thơ không chỉ thể hiện tình cảm chân thành, sâu sắc của đứa con dành cho mẹ, mà còn bao hàm cả sự sám hối chân thành:

Giữa bao nhiêu mưa nắng đời thường đã có lúc lòng con hờ hững

thấy hạnh phúc của riêng mình quá lớn ngỡ chỉ mình đau đớn xót xa thôi

Đó chính là nỗi ân hận chân thành của đứa con sau bao năm tháng ngược xuôi, chỉ biết nghĩ đến hạnh phúc của cá nhân mà quên những ngày có mẹ bên đời, giờ đây khi nghĩ về mẹ khiến cho cái tôi ấy không khỏi đau xót, nghẹn ngào:

Sao đêm nay se thắt lòng con khi con gặp ánh đèn thành phố

nơi mẹ sống, mẹ vui buồn, sướng khổ chỉ một mình tóc bạc thêm ra

(Kính gửi mẹ)

Càng về sau, trong thơ chị, những phá cách, sôi sục, dường như đã lắng lại trong một giọng trầm hơn sau bao trăn trở, suy tư. Người đọc chính thức nhận ra giọng này kể từ Người đàn bà ngồi đan. Đây là bài thơ tiêu biểu được viết theo lối khách quan hóa cái tôi trữ tình của Ý Nhi. Trong bài thơ hiện lên hình ảnh người đàn bà ngồi đan gần giống như là một bức tranh tĩnh vật, tất cả hành vi, động tác, cử chỉ đều rất tiết kiệm đến cùng:

một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ vẻ vừa nhẫn nại, vừa vội vã

vội vã như thể đó là lần sau chót.

Không thở dài không mỉm cười

chị đang giấu kín đau thương hay là hạnh phúc

lòng chị đang tràn đầy niềm tin hay là ngờ vực.

Cả bài thơ dường như trở thành một câu hỏi truyền miên không lời giải đáp. Thoạt nghe, nó có vẻ lạnh lùng, dửng dưng, vô cảm,… nhưng thật ra không phải là vậy. Đọc kỹ ta sẽ thấy đằng sau câu chữ có vẻ khách quan kia là những xao động trăn trở khôn nguôi của một hồn người.

Những phân tích trên đấy cho thấy, giọng điệu trăn trở, suy tư trầm lắng là một gam giọng điệu nổi bật trong thơ Ý Nhi, xuyên suốt các chặng đường thơ của chị. Nó góp phần quan trọng tạo nên chất triết luận đậm đà trong thơ Ý Nhi.

Một phần của tài liệu Cái tôi trữ tình trong thơ Ý Nhi, Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn (Trang 81)