Tiếng nói đấu tranh vì công bằng, lẽ phả

Một phần của tài liệu Cái tôi trữ tình trong thơ Ý Nhi, Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn (Trang 42)

Là người phụ nữ bộc trực, có cá tính mạnh, quyết liệt trong đấu tranh, thơ Ý Nhi đã thể hiện đầy đủ nét tính cách ấy của nhà thơ. Trong thơ chị, luôn hiện hữu một cái tôi trữ tình trung thực. Trung thực với mình, trung thực với người. Đó là một cái tôi luôn hướng về cộng đồng với ý thức đấu tranh “cho sự công bằng”, không màng danh lợi vượt qua những níu kéo xô bồ của danh vọng, hư vinh như chính bản chất sống thực ngoài đời của chị. Vì vậy, trước sự bề bộn cuộc sống, sự nháo nhác thị thành, “con người dường như nghĩ đến cá nhân nhiều hơn, toan tính cũng nhiều hơn” [21], giữa cuộc sống xô bồ tràn ngập “những tâm hồn tối tăm ham muốn” đua nhau tranh giành chức vụ, quyền lực thậm chí người ta sẵn sàng “sống bám vào tên tuổi” để được “khoác trên mình danh hiệu cao sang” thì cái tôi ấy đã tỏ rõ thái độ sống khác của mình:

mặc kệ cho người ta quay theo vũ điệu tân thời mặc kệ giấc mơ danh vọng của bọn háo danh mặc hệ giấc mơ vàng của đám nhà giàu

anh gạn đã gạn lại giọt nước trong từ bùn bẩn, từ đau thương, cùng quẫn.” (Tặng một người làm thơ trẻ)

Là một trong những gương mặt tiêu biểu của các nhà thơ thế hệ chống Mỹ nhưng trong những cuộc hội họp “hoành tráng” về thơ dường đều vắng bóng Ý Nhi. Có vẻ chị không màng tới những nơi ồn ào đó và bao giờ cũng dị ứng với những thói đời giả trá lúc nào cũng “nói oang oang bao lời lẽ cao vời”. Đối với chị bao giờ cũng luôn mang trong mình một tâm niệm thiêng liêng đó chính là phải luôn trung thực với mình, với đời, dù phải nói ra những gì xót xa thì cũng cứ bạo dạn, thành thật:

Suốt đời tôi chẳng thể bao giờ đặt bút viết những điều dối trá.

(Cát)

Vì vậy cái tôi ấy không ngừng khao khát đấu tranh cho sự “cân bằng” vì chỉ có sự cân bằng mới có thể giải phóng những “tâm hồn tối tăm ham muốn” ra khỏi những vướng bận phàm tục, thấp hèn để từ đó con người giữ lại cho mình sự “hồn nhiên, thủy chung, trong trắng”. Theo Lê Hồ Quang “cân bằng” là “một trạng thái tinh thần cao cả mà con người chỉ có thể đạt tới khi tự mình vượt qua những níu kéo xô bồ của danh vọng, hư vinh cũng như nỗi sợ hãi khi phải đơn độc đối diện trước chính bản ngã” [57], và theo tác giả nó còn là “một sức mạnh, nó giải phóng tâm hồn con người khỏi nỗi sợ hãi, những vướng bận phàm tục, thấp hèn để đạt đến sự Tự do về mặt tinh thần, tư tưởng” [57]:

Đã vượt qua mối vướng bận đời thường đã vượt qua mối vướng bận vinh quang đã vượt qua nỗi lo sợ âm thầm

(Đắc đạo)

Chính vì vậy, trong sáng tác của mình, Ý Nhi luôn thể hiện sự “ngưỡng mộ, tôn thờ sự trong sạch, cao thượng”. Chị luôn khao khát đấu tranh bảo vệ đến cùng những giá trị mà mình tôn thờ. Cho nên mỗi lần ướm bút gieo chữ xuống trang thơ là mỗi lần chị gửi vào đó tình yêu lẫn niềm ngưỡng mộ của chị trước những phẩm chất cao quý giống như thi sĩ Marina, Xvetaeva, Ana Akhmatova, Blok, …và bên cạnh đó chị cũng thật sự thể hiện lòng kính trọng của mình đối với những nhân cách lớn như những Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, những Nguyên Hồng, Nguyễn Minh Châu, những Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Akhơmatova,… mà theo chị họ đều là những nhân cách đắc đạo. Đắc đạo theo quan niệm của nhà thơ là “đã đạt đến độ tự biết, đã vượt lên mọi vướng bận đời thường. Biểu hiện hằng ngày của nó là Lặng lẽ Sáng trong. Sáng trong của dòng sông đã qua nhiều bão tố. Và Lặng lẽ của chưng cất – “những tiếng kêu bi thương cuồng nộ/ đã tan trong lặng thinh kỳ bí”. Ấy là nỗi lặng yên minh triết, vẻ đẹp khiêm nhường kiêu sang. Họ cứ mãi thế cho đến giờ phút chót: “Rồi ra đi/ như vì sao/ chợt tắt giữa bao la” [64].

Ngoài ra, cái tôi ấy luôn tôn thờ sự chân thật. Bởi trong niềm tin của nhà thơ chỉ có sự thành thực, “lẽ phải mới là chân lí của cuộc đời” [75], vì thế cho dù phải đối diện với sự đơn độc, hoặc “có thể bị quật ngã/ bị bôi nhọ/ tù đày” thậm chí “có thể chết” nhưng cái tôi ấy luôn cầm nắm trong tay “lẽ phải”:

Nhưng chị sẽ cầm giữ lẽ phải trong đôi tay mình Và đưa lên cao mãi

(Lẽ phải)

Đồng thời cũng với cái nhìn tỉnh táo ấy, chị nhận thấy rõ những bộ mặt huyênh hoang, háo danh của những kẻ bất tài trong giới văn chương ngày nay, chị không hề che giấu sự phẫn nộ trong lòng:

thi đàn hôm nay

chật ních những kẻ bất tài, những kẻ lỗi thời

họ giống như những người đàn bà không biết mình đã qua thì xuân sắc

cứ tô vẽ, nói cười, dở mọi trò ngạo ngược

(Hà Nội, tháng 5.1987)

Và từ chiêm nghiệm của chính bản thân mình, chị đã nhận ra mình phải có cách nhìn khác về cuộc đời, phải có cách viết khác để có thể đem lại bài hát mới trong thi ca: “Tôi đã qua thời thanh xuân/ dẫu chưa quên không thể hát bài hát cũ”. Ngoài ra, theo Ý Nhi một người nghệ sĩ – công dân có trách nhiệm còn phải biết gạn lọc “từ bùn bẩn, từ đau thương, cùng quẫn” để tạo ra những câu thơ “lan tỏa như sóng/ quẫy cựa như sóng/ trắng xóa/ và xanh biếc”, nó gắn liền với cuộc sống và nó nhằm phục vụ cho đời sống của con người. Đồng thời người làm nghệ thuật phải là người biết đem lại “vẻ đẹp thực chất” cho đời, người làm thơ được chị ví cũng như là “hình tượng người phụ nữ đi chợ, toan tính, bán mua, pha chế thực phẩm thành những món ăn, bao giờ cái đích chị hướng tới cũng là “vẻ đẹp thực chất” của bữa ăn – thi ca ấy, đó là “niềm hạnh phúc tôi có thể mang lại cho mọi người”. Cũng như những bộc bạch về cái tôi ở trên, đó là một tâm niệm hết sức chân thành, nghiêm trang, mang đậm dấu ấn lí tưởng của thế hệ nghệ sĩ luôn gắn bó đời mình với sự nghiệp chung của dân tộc.

Là một người nghệ sĩ có một trái tim lớn, biết xúc động yêu thương, biết dày vò đau khổ với cảnh ngộ của chính mình và cả đồng loại. Thơ chị mang hơi thở của lịch sử, nặng tình với dân tộc, với đất nước thể hiện qua một cái tôi công dân đầy nhiệt quyết với ước muốn tận hiến, dâng tặng cả niềm vui, nỗi buồn cho cái đẹp của cuộc sống. Vì thế, trong thơ Ý Nhi luôn đặt cái tôi riêng trong cái ta chung của cộng đồng, dân tộc. Đặt mình trong hoàn cảnh lịch sử của đất nước lúc bấy giờ, Ý Nhi đã cùng với thế hệ các nhà thơ nhà văn chống Pháp, chống Mỹ đã làm nên một nền văn học chính lưu, một dòng thi ca cách mạng gắn bó với dân tộc, với thời đại.

Một phần của tài liệu Cái tôi trữ tình trong thơ Ý Nhi, Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn (Trang 42)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(108 trang)
w