Giọng điệu trữ tình triết lí

Một phần của tài liệu Cái tôi trữ tình trong thơ Ý Nhi, Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn (Trang 84)

Đây là giọng điệu bao trùm trong thơ Ý Nhi, tạo nên nét riêng cho thơ chị: “không lạm dụng các mĩ từ kêu vang, nó toát ra từ một cái nhìn nội tâm trầm tĩnh, sâu sắc nhưng đầy khắc khoải của một con người đang trên hành trình tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời mình” [57]. Giọng điệu ở đây không phải là cách nói mà là cách cảm xúc, là giọng điệu của tâm hồn.

Trong sáng tác của mình dù viết về chủ đề nào, thơ Ý Nhi cũng chứa đầy những suy nghĩ sâu sắc về cuộc đời, về nhân tình thế thái. Tình yêu là chủ đề rất quen thuộc trong thơ ca, nhưng với Ý Nhi, chị có cách thể hiện rất riêng, độc đáo và mang lại nhiều chiêm nghiệm cho người đọc. Đây là điều ta đã từng bắt gặp ở Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ,… Tuy nhiên, trong thơ Ý Nhi lại có những sắc thái giọng điệu riêng. Thơ chị nghiêng về mô tả một cảm

giác nảy sinh trong một tình huống cụ thể, ở đó, mọi cảm xúc cảm xúc sôi nổi, nồng nhiệt dường như đi cùng ý thức tiết chế, ngọn lửa đam mê luôn song hành với sự truy vấn tỉnh táo, rạch ròi được nhìn nhận trong sự thấu đáo và cận nhân tình. Vì thế “thơ tình của Ý Nhi có giọng thơ kín đáo, lặng lẽ và giàu suy tưởng” [57]. Nhịp thơ cũng chính là nhịp điệu tâm trạng, nó được bật ra từ sự sâu thẳm của tâm hồn:

Trong ánh chớp của số phận Em đã kịp nhìn thấy anh.

Trong vòng quay không ngừng nghĩ của số phận em đã dừng lại đứng nơi anh

ôi thời khắc huy hoàng.

(Năm lời cho bài hát)

Với Ý Nhi, tình yêu đã phần nào trở nên trừu tượng hóa, nó trở thành một thứ biểu tượng cho con người khao khát hướng tới. Trong tình yêu, con người có thể tìm thấy sự vững vàng, niềm kiêu hãnh, sự dồn nén của những khát vọng đẹp đẽ. Chính vì vậy đến với tình yêu của anh là đến với “sự bình yên”:

Em tìm đến góc xa nhất của khu vườn em muốn trốn vào sự bình yên

em muốn trốn sâu mãi, sau mãi vào tình yêu của anh. (Vườn)

Có thể nói, khi nhìn nhận tình yêu trong độ lắng đọng của những triết lí, suy tư, thì tình yêu không còn là một trạng thái cảm xúc, tâm lí, mà nó là một phương tiện để con người nhận thức sâu hơn về đời sống.

Thơ Ý Nhi thường sử dụng những hình ảnh quen thuộc, từ ngữ giản dị, cùng với những biện pháp tương phản để thể hiện những triết lí về những vấn đề nhân sinh, thế sự. Có khi những triết lí được bộc lộ trực tiếp, qua những nhận xét, khái quát của nhà thơ về đời sống. Trong bài Những cây sồi bên hồ Thuyền Quang, là một trong những bài thơ tiêu biểu cho giọng điệu trữ tình –

triệt lí trong thơ Ý Nhi. Nhờ chất giọng trữ tình giản dị và chân thật, nhà thơ đã giãy bày những triết lí về hạnh phúc, về nỗi đau có thực trong đời hết sức tự nhiên và không ít lần gây được sự thích thú cho người đọc. Có thể nói những trải nghiệm đã đem đến cho nhà thơ một cái nhìn đầy lắng đọng và suy tư về con người và cuộc sống.

Ngoài ra, những bài thơ viết về Đất nước, Nhân dân trong một số cảm hứng đậm nét sự thi, nhà thơ cũng đem lại cho người đọc một trữ lượng triết lí – trữ tình giàu có, mới mẻ. Chẳng hạn trong bài Cát 2, với giọng điệu trữ tình, triết lý, nhà thơ đã bộc lộ những suy ngẫm sâu sắc của nhân vật trữ tình trước sự hy sinh của những con người vô danh:

Có thể rất nhiều người trong số họ không còn tuổi tên trên sử sách

có thể họ chết bình thường, không chiến công hiển hách có thể mai sau người ta dân quên

nhưng họ đã thành hạt cát dưới bàn chân thành miền đất chói ngời bên biển sóng.

Mặt khác, ta thường thấy chị hòa tan những suy tư của mình vào trong từng chi tiết của cảnh vật. Do vậy, cảnh vật trong thơ chị càng về sau thường mang ý nghĩ “biểu tượng hóa” để trở thành một biểu tượng nào đó của cảnh quan nội tâm nhà thơ:

Những đốm lửa đợi chờ sau khúc ngoặt của sông Những dự cảm phập phồng khi cánh buồm chợt mở Con sóng đập vào bờ đem trăn trở

Lại ùa về trước biển lúc ngày lên

Bao vẻ đẹp như gió kia chưa kịp định hình Mồ hôi đã chắc bền như muối đọng

Phù sa đã hợp nên bờ biển lớn Trái ngô vàng in dấu mỗi bàn tay.

Đó đâu chỉ là những chi tiết về sông, hình ảnh ấy nó đã trở thành biểu tượng hóa, nó chính là những biến động của cuộc đời vô hạn vô hồi đã đắm mình vào sông, đã lặn sâu vào các hình ảnh. Hoặc khi nói về sông Trà với sự bình yên của nó đã là biểu tượng cho khao khát về một cuộc đời tĩnh lặng thì Hải Phòng đã là biểu tượng cho sức mạnh chở che và lòng tự tin, cũng như biểu tượng cho tuổi thơ yên tĩnh, trong khi Quảng Bình là mảnh đất thời trẻ, thời của tin cẩn yêu thương. Chẳng hạn, cát trong thơ chị chính là biểu tượng về Tổ quốc, Nhân dân và đồng thới nó cũng chính là sức mạnh to lớn của cộng đồng, dân tộc. Một hình ảnh rất giản dị trong đời sống và văn học nhưng đã được Ý Nhi thể hiện với những nét độc đáo riêng mang ý nghĩa triết luận.

Tóm lại, giọng điệu trữ tình – triết lí là giọng điệu thơ nổi bật trong sáng tác của Ý Nhi. Thơ chị có sự sự kết hợp hài hòa giữa tình cảm và lí trí, cảm xúc và trí tuệ. Chính sự kết hợp chặt chẽ ấy, tác phẩm của chị đã tạo sự hấp dẫn người đọc ở ý tứ sâu xa và cấu trúc trữ tình – triết lí thấm đẫm cảm xúc.

Một phần của tài liệu Cái tôi trữ tình trong thơ Ý Nhi, Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn (Trang 84)