Tương phản, đối lập

Một phần của tài liệu Cái tôi trữ tình trong thơ Ý Nhi, Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn (Trang 99 - 104)

Với nhu cầu nhận thức, đánh giá cuộc sống trong chiều sâu bản chất đã dẫn nhà thơ đến cái nhìn cuộc đời trong sự tương phản, đối lập. Vì thế, biện pháp tương phản, đối lập được sử dụng nhiều và rất phổ biến. Đây là “biện pháp tu từ từ vựng trong đó các từ ngữ vó điệu tính trái ngược nhau – một số có màu sắc cao quý, trang trọng, một số khác có màu sắc giản dị, mộc mạc – nằm trong mối quan hệ đối chọi nhau, có khả năng gợi liên tưởng đến hình tượng nhân vật, sự việc, hiện tượng phức tạp (có nét mâu thuẩn mà thống nhất biện chứng) có giá trị tu từ nổi bật” [25, 145].

Trong thơ Ý Nhi, cuộc sống bao giờ cũng hiện lên với những trạng thái đối lập. Nhà thơ Hoàng Hưng nhận xét: “Chị có xu hướng cảm nhận cuộc đời trong tính hai mặt nghịch lý của nó: mùa thu có thể là: “vòm trời xanh dịu” hay “cơn bão lớn”, tiểu sử của một con người có đầy đủ “lừa dối, phản trắc” và “tin cậy, yêu thương”, tới “ngõ cụt” và “cũng đã tới biển”. Chị nhạy cảm với “cái vạch nhỏ xíu/ của thủy chung và phản trắc, của tan vỡ và hy vọng, của hằn thù và tha thứ” [24]. Với cảm nhận này, bức tranh cuộc đời trong thơ

chị hiện lên hết sức phức tạp, đầy những nghịch lí và không dễ nắm bắt bằng vẻ bề ngoài vốn có của nó. Môtip hình ảnh con người với những trạng thái xúc cảm, suy tư đối lập thường trở đi trở lại trong thơ Ý Nhi. Với cảm nhận này làm cho thơ Ý Nhi đi sâu vào khám phá những trạng thái cảm xúc phức hợp, mâu thuẩn bên trong tâm linh con người:

thiếu nữ đã là người đàn bà ở tuổi bốn mươi cam chịu và cuồng nộ, mong mỏi và chán nản đem cho và nhận về, kiếm tìm và đánh mất giản đơn và rối ren, lớn lao và cạn hẹp

(Về Thái nguyên)

Tình yêu cũng được Ý Nhi cảm nhận trong sự tương phản, đối lập trong những cung bậc cảm xúc vốn có của nó. Vì thế, trong thơ Ý Nhi, tình yêu bao giờ cũng đầy những phức hợp cảm giác, vừa ngóng trông vừa khắc khoải, vừ hân hoan, vừa sướng vui, vừa ngậm ngùi, vừa hạnh phúc vừa buồn khổ… Lê Hồ Quang từng nhận xét, “Ngay cả khi viết về sự hòa hợp và gặp gỡ trong tình yêu, những cảm giác đầy mâu thuẩn ấy vẫn không rời bỏ chị:

Bấy giờ/ em băng qua ngã tư đèn đỏ/ để kịp đến nơi anh/ Bấy giờ/ những khuôn mặt/ thảy đều thơ dại/ Bấy giờ/ cỏ xanh/ trời xanh/ áo người rực rỡ/ Bấy giờ/ em hao gầy, đầy đặn/ hân hoan, buồn khổ/ dưới một ánh nhìn (Kí ức)…” [57]. Những phức hợp tình cảm ấy cứ ám ảnh Ý Nhi suốt đời và đấy cũng là diễm phúc thật sự của một con người trần thế.

Và trên hết, trong thơ Ý Nhi, biện pháp tương phản, đối cực được sử dụng nhiều nhất trong việc bộc lộ những tâm trạng phức hợp của cái tôi nhà thơ. Tâm trạng của cái tôi ấy được bộc lộ sâu sắc qua hình ảnh người đàn bà ngồi đan. Người đàn bà ấy hiện lên với một nỗi lòng không xác thực, một phức hợp những sắc thái đối cực của một trạng thái nội tâm:

Giữa chiều lạnh

một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ vẻ vừa nhẫn nại, vừa vội vã

vội vã như thế đó là lần sau chót

Không thở dài không mỉm cười

chị đang giữ kín đau thương hay là hạnh phúc

lòng chị đang tràn đầy niềm tin hay là ngờ vực.

(Người đàn bà ngồi đan)

Cái phức hợp ta bắt gặp trong hình ảnh người đàn bà ngồi đan trong những câu thơ trên không phải là cái ngẫu nhiên, tự phát từ tâm trạng mà nó chính là kết tinh của cả nhận thức về cuộc sống lẫn quan niệm nghệ thuật của nhà thơ về con người… Có thể nói, với vận dụng biện pháp tương phản, đối lập trong thơ, không chỉ làm cho thơ Ý Nhi phản ánh phong phú, đa dạng trong các cung bậc trạng thái được mô tả, tạo ra được sự liên tưởng rộng, sáng tạo về sự vật, hiện tượng mà còn làm cho làm cho thơ Ý Nhi gần với đời sống hơn và thực hơn.

Như vậy, để thể hiện cái tôi trữ tình của mình trong thơ, Ý Nhi đã tỏ ra rất thành công trong việc vận dụng và phát huy sức mạnh tối đa của các phương thức biểu hiện trong thơ trữ tình. Nhà thơ đã sử dụng linh hoạt các thể thơ nhưng làm nên diện mạo chính cho thơ chị vẫn là thể thơ tự do. Bên cạnh đó, chị vận dụng thành công các biện pháp tu từ: so sánh, ẩn dụ và tương phản, đối lập. Điều đó giúp cho chị gặt hái được khá nhiều thành công trong việc khắc họa sắc nét những biểu hiện của cái tôi trữ tình. Giọng thơ Ý Nhi là giọng trăn trở, suy tư, trầm lắng và trữ tình – triết lí. Thơ Ý Nhi thuộc trữ tình điệu nói, vì thế ngôn ngữ trong thơ chị rất giản dị, gần gũi với đời sống nhưng vẫn mang giá trị biểu cảm lớn.

KẾT LUẬN

1. Ý Nhi là một trong những nhà thơ nữ có vị trí đặc biệt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Với sự tự đổi mới tư duy nghệ thuật của mình, chị đã đem đến cho văn học một giọng thơ lạ, giàu tính triết lí, suy tư. Sự nghiệp sáng tác của chị trãi dài qua hai giai đoạn trước và sau năm 1975, với 9 tập thơ. Tất cả đều được đánh giá cao bởi chiều sâu của cảm xúc, ngôn từ, của triết lý và những giá trị nhân văn – thẩm mĩ độc đáo, mới mẻ mà tác phẩm đem lại. Với những gì gặt hái được trong các chặng đường sáng tác của mình, Ý Nhi đã gành được một vị trí xứng đáng trong tâm hồn người đọc và trở thành một gương mặt nổi trội trên thi đàn văn học Việt Nam hiện đại. Hoàn cảnh xã hội trước và sau 1975, đặc biệt là sau đổi mới 1986 tác động vào đời sống văn học, là cơ sở hình thành cái tôi trữ tình trong thơ Ý Nhi, một hình tượng nghệ thuật làm nên diện mạo thơ chị so với những nhà thơ nữ cũng thời.

2. Cái tôi trữ tình trong thơ Ý Nhi có những dạng thức biểu hiện độc đáo. Đó là cái tôi trữ tình công dân đầy trách nhiệm trước cuộc sống và con người. Thơ chị luôn hướng về những tình cảm chung của cộng đồng, dân tộc với cảm hứng ngợi ca, tri ân và tự hào. Trở về với chính mình, với cuộc sống thường nhật, thơ Ý Nhi có sự xuất hiện cái tôi đời tư thế sự, đời tư. Đấy là một cái tôi cô đơn, luôn trăn trở suy tư và chiêm nghiệm về cuộc sống, về tình yêu và hạnh phúc đời thường để rút ra những triết lí nhân sinh sâu sắc trong cuộc đời.

3. Về phương thức thể hiện cái tôi trữ tình, thơ Ý Nhi có nhiều nét độc đáo và sáng tạo trong việc vận dụng linh hoạt nhiều thể thơ, giọng điệu và tổ chức lời thơ. Thơ Ý Nhi sử dụng linh hoạt các thể thơ như 5 chữ, 6 chữ, lục

bát,… nhưng làm nên diện mạo chính cho thơ chị vẫn là thể thơ tự do, một thể thơ mở ra cho người viết nhiều cơ hội giãi bày tâm sự, lột tả các cung bậc tình cảm của nhân vật trữ tình và nội dung hiện thực mà nhà thơ muốn gửi gắm. Và ẩn đằng sau độ dài của câu chữ còn là những suy ngẫm, chiêm nghiệm về con người và cuộc sống mang nhiều triết lí nhân sinh. Cùng với thể thơ tự do, ngôn ngữ trong thơ rất giản dị, gần gũi với đời sống nhưng vô cùng tinh tế, sắc, hàm súc và giàu khả năng biểu cảm. Giọng điệu trong thơ Ý Nhi là giọng trăn trở, suy tư, trầm lắng và trữ tình triết lí. Những tìm kiếm đổi mới của Ý Nhi về mặt ngôn ngữ trong thơ còn được thể hiện qua việc tổ chức câu thơ, thơ Ý Nhi có các kiểu câu dài, ngắn khác nhau, câu thơ vắt dòng độc đáo. Bên cạnh đó, chị còn vận dụng thành công, sáng tạo các biện pháp tu từ: so sánh, ẩn dụ và tương phản, đối lập làm cho những hình ảnh trong thơ Ý Nhi trở nên giàu sức biểu cảm.

4. Có thể nói, với tài năng và trách nhiệm cao của người nghệ sĩ, Ý Nhi luôn thể hiện sự tìm tòi và sáng tạo trong tư duy nghệ thuật để đưa tác phẩm của mình vươn tới đỉnh cao của phong trào thơ. Với cái tôi trữ tình độc đáo Ý Nhi đã tạo được một phong cách thơ và khẳng định được vị thế của mình trong thơ hiện đại Việt Nam.

Nhận ra được một phong cách thơ đã khó, càng khó hơn khi phân tích tường minh phong cách ấy trong sự bộn bề của một nền thơ nhiều thành tựu như thơ ca Việt Nam trong mấy chục năm qua. Ý thức được điều đó, chúng tôi hiểu rằng, những gì làm được trong luận văn này chỉ là những kết quả bước đầu, mang tính gợi mở cho những vấn đề lớn hơn, sâu sắc hơn.

Một phần của tài liệu Cái tôi trữ tình trong thơ Ý Nhi, Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn (Trang 99 - 104)