Linh hoạt, biến hóa trong kiến trúc câu thơ

Một phần của tài liệu Cái tôi trữ tình trong thơ Ý Nhi, Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn (Trang 92 - 94)

Để tạo ra sự sinh động cho hình tượng ngôn ngữ trong thơ mình, Ý Nhi đã có những kết hợp linh hoạt, biến hóa trong kiến trúc câu thơ. Xét về mặt cú pháp dù thơ Ý Nhi không có nhiều đột phá như một số nhà thơ: Lê Đạt, Dương Tường, Nguyễn Duy nhưng càng về sau, thơ Ý Nhi càng có ít nhiều sự cách tân, tạo ra những kiến trúc câu thơ độc đáo.

Trong thơ Ý Nhi có sự luân phiên dài ngắn của câu thơ có tác dụng thể hiện đầy đủ cung bậc cảm xúc, suy tư của cái tôi trữ tình trong thơ chị. Với những câu thơ dài mang dáng dấp của văn xuôi đã tạo điều kiện những cho những cảm xúc trong tâm hồn của nhà thơ cứ tràn ra theo dòng chảy của cảm xúc một cách chân thật, tự nhiên: Tôi đi giữa cuộc đời, giữa muôn nghìn mất, còn, chết, sống/ nào nhớ gì ngày tháng đã xa xôi (Nhớ Hải Phòng). Nhưng cũng có những câu thơ chỉ có một chữ thể hiện sự dồn nén cảm xúc rất lớn của cái tôi trữ tình: Xanh/ mịn màng/ rộng rãi/ bầu trời/ như một bức rèm/ ngăn cách tôi/ cùng tất cả (Không đề). Đôi khi, những câu thơ dài ngắn kết hợp với nhau diễn tả rất thấu những cảm xúc ngưỡng mộ, khâm phục của cái tôi khi ngẫm ngợi về những người nghệ sĩ có bản lĩnh sáng tạo và nhân cách sống cao quý:

Tự thức tỉnh

điều chỉ có nơi một lương tâm trong sạch.

Tự lìa bỏ

điều chỉ có nơi một người hoàn toàn mạnh mẽ.

Tự bước ra lối mòn

(cái lối mòn từng dẫn đến vinh quang) điều chỉ xảy ra với một tài năng.

Bừng sáng

giữa bao nhiêu ràng buộc tối tăm.

Bừng sáng

giữa bao nhiêu hiềm khích.

(Nhà văn Nguyễn Minh Châu)

Trong bài Hà Nội, tháng 5.1987, với việc sử dụng kiểu câu thơ dài ngắn khác nhau, chúng ta nhận thấy thơ tự do Ý Nhi ít bị ràng buộc nhất về mặt vần điệu, về sự hạn định câu đã cho phép nhà thơ phóng túng trong việc buông bắt những cảm xúc, những suy nghĩ chiêm nghiệm trong tư duy nghệ thuật của mình, đồng thời tạo được những khoảng thăng hoa cảm xúc gia tăng cao độ chất suy nghĩ trong thơ. Bên cạnh tạo ra những câu thơ dài, ngắn có dụng ý nghệ thuật, Ý Nhi còn sử dụng hình thức câu thơ vắt dòng, đây cũng chính là hình thức vốn khá phổ biến trong tư duy lựa chọn hình thức biểu đạt của nhà thơ đương đại. Với hình thức câu thơ vắt dòng làm cho nhịp điệu thơ phân khúc, âm hưởng lời thơ như chùng xuống, đó cũng chính là sức nặng của cảm xúc chủ thể trữ tình. Trong bài thơ Người đàn bà ngồi đan, tác giả đã sử dụng rất thành công hình thức câu thơ vắt dòng trong việc diễn đạt hiểu quả những cung bậc cảm xúc phức tạp và bí ẩn bên trong tâm hồn của con người:

Giữa chiều lạnh

một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ vẻ vừa nhẫn nại, vừa vội vã

vội vã như thế đó là lần sau chót

Không thở dài không mỉm cười

chị đang giữ kín đau thương hay là hạnh phúc

lòng chị đang tràn đầy niềm tin hay là ngờ vực.

Với hình thức câu thơ vắt dòng đã làm tăng khả năng biểu cảm và tăng nhạc điệu của cho thơ chị.

Ngoài ra, qua khảo sát thơ chị trên phương diện cú pháp, chúng tôi còn nhận thấy những câu thơ trong bài thơ Ý Nhi thường bị bẻ gãy thành nhiều phần và những chữ đầu dòng không được viết hoa. Điều này không chỉ tạo nên tính chất gập ghềnh, trúc trắc, khó đọc mà còn tạo “cảm giác liền dòng, liền mạch”, thể hiện được những điểm nhấn trong cảm xúc, truyền hết được những ý tưởng, cảm xúc của nhà thơ đến tâm hồn người đọc mà còn tạo ra nhịp điệu cho lời thơ. Chẳng hạn, trong bài Tiểu dẫn, Ý Nhi đã sử dụng hình thức viết rơi dòng với những chữ đầu dòng không được viết hoa không chỉ để khẳng định cá tính thẳng thắn, mạnh mẽ và quyết liệt của chủ thể trữ tình, mà nó còn nhằm nhấn mạnh nỗi giày vò, cuồng nộ trong tâm hồn:

Tôi ngại các tiệc vui

nhiều khi tôi khóc vì chính cái điều

khiến những người xung quanh tôi vui sướng và lại muốn thét lên khi mọi người yên lặng

Có thể nói, với việc sử dụng linh hoạt, tạo ra những kiểu câu độc đáo làm cho thơ Ý Nhi không chỉ tạo được sinh động, hấp dẫn riêng cho hình tượng ngôn ngữ của mình mà còn mang giá trị biểu cảm cao trong việc thể hiện những cung bậc cảm xúc của cái tôi trữ tình.

Một phần của tài liệu Cái tôi trữ tình trong thơ Ý Nhi, Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn (Trang 92 - 94)