3.2.2.1. Thuận lợi
Mặc dù nền kinh tế thế giới trong thời gian vừa qua ảm đạm nhưng nhìn chung nhu cầu về gia vị vẫn tăng (bởi vì nó không thể thiếu được trong các ăn uống hàng ngày). Do đó theo dự báo những năm tới thì xuất khẩu gia vị của Việt Nam vẫn tăng.
Việt Nam gia nhập WTO và xu hướng tự do thương mại quốc tế đã tạo ra một thị trường rộng lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nói chung và mặt hàng gia vị nói riêng. Bên cạnh đó, khi gia nhập WTO, các hàng rào thuế quan, phi thuế quan bị cắt giảm hoặc bãi bỏ hoặc giảm xuống . Ngoài ra các trợ cấp về nông nghiệp nhằm xuất khẩu bị cấm sử dụng nên giá gia vị trên thị trường quốc tế sẽ tăng lên, do đó nhiều quốc gia sẽ chuyển sang mua gia vị của Việt Nam (thường rẻ hơn so với các nước xuất khẩu được trợ cấp trước kia). Khi tham gia tổ chức kinh tế, đã tạo điều kiện cho Việt Nam giải quyết các vấn đề khó khăn về vốn, kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm…
Trong những năm gần đây, mặt hàng gia vị xuất khẩu chính của Việt Nam là hồ tiêu vẫn tăng mạnh trong khi sản lượng hồ tiêu ở các quốc gia cạnh tranh với Việt Nam có xu hướng giảm, giá hồ tiêu tăng lên nên đó là cơ hội vàng cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và tăng kim ngạch. Việt Nam hoàn toàn có thể chi phối giá hồ tiêu thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam gia nhập Cộng đồng Hạt tiêu Quốc tế (IPC) vào năm 2005 (tương lai sẽ là Cộng Đồng
Gia vị Quốc tê) là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác kinh doanh Hồ tiêu nói riêng và gia vị khác nói chung.
Xét về thuận lợi trong nước, Việt Nam có những điều kiện tự nhiên để phát triển ngành sản xuất gia vị. Việt Nam có diện tích đất Bazan cộng với đất xám và khí hậu nhiệt đới từ các tỉnh miền Trung trở vào thích hợp cho phát triển hồ tiêu. Đối với sản phẩm quế, nước ta có vùng trồng quế dọc dãy Trường Sơn. Còn hồi được trồng rộng rãi ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực dồi dào và giá rẻ ở vùng nông thôn góp phần tăng tính cạnh tranh về giá cả cho mặt hàng gia vị của Việt Nam.
3.2.2.2. Khó khăn
Bên cạnh những thuận lợi thì ngành xuất khẩu gia vị của Việt Nam cũng gặp những khó khăn nhất định. Khó khăn lớn nhất đến từ việc vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt trong quá trình hội nhập quốc tế. Tuy những năm gần đây sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam vượt trội so với các nước như Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Braxin…nhưng trong vài năm tới thì các quốc gia này sẽ khôi phục lại được sản lượng và sẽ cạnh tranh mạnh về thị trường và giá cả với hồ tiêu Việt Nam. Đối với mặt hàng quế và hồi thì sản lượng xuất khẩu trong những năm gần đây cũng lên xuống thất thường. Tuy Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ ba và thứ tư thế giới về xuất khẩu hai loại gia vị này nhưng cũng vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ những quốc gia tiềm năng khác. Chưa kể các thương hiệu gia vị nổi tiếng của Việt Nam như Hồ tiêu Chư Sê, Phú quốc, Quế Trà My, Hồi Lạng Sơn cũng bị xâm phạm mà Việt Nam chưa có biện pháp xử lý triệt để.
Vấn đề về đổi mới công nghệ sản xuất và chế biến cũng là vấn đề đặt ra đối với ngành gia vị. Hiện nay, công nghệ chế biến gia vị của Việt Nam còn lạc hậu hơn các quốc gia khác rất nhiều nên tỷ lệ sản phẩm gia vị xuất khẩu dưới dạng thô vẫn còn cao. Các sản phẩm qua tinh chế, giá trị kinh tế cao thì chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Đây là một sự lãng phí rất lớn vì chất lượng gia vị của
Việt Nam không hề thua kém các quốc gia khác nhưng giá bao giờ cũng thấp hơn do chủ yếu là sản phẩm sơ chế.
Vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm là một thách thức không nhỏ đối với ngành xuất khẩu gia vị. Tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, giới hạn tối đa hóa chất ( dư lượng thuốc sâu, diệt nấm ) ở các thị trường khó tính như như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU…đặt ra tương đối cao. Mặt khác khi vượt qua các rào cản này rồi thì vượt qua rào cản “tâm lý” người tiêu dùng ở thị trường các nước nhập khẩu này bởi vì họ thường quen với việc sử dụng gia vị của các quốc gia “có thương hiệu” mà nghĩ rằng thực phẩm, gia vị của các nước đang phát triển không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, khi gia nhập WTO, Việt Nam cũng phải tuân thủ các hiệp đinh TBT, hiệp định SPS… các tiêu chuẩn này các doanh nghiệp Việt Nam khó mà đáp ứng kịp.
Ngoài ra, do lạm phát tăng cao, chi phí đầu vào cho ngành sản xuất và xuất khẩu gia vị cũng tăng. Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao gây khói khăn cho người dân trồng cây gia vị. Còn giá nhiên liệu tăng dẫn đến chi phí vận tải, lưu kho bãi cũng tăng làm doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Tất cả làm giảm sự cạnh tranh về giá bán của gia vị Việt Nam.