1.2.4.1 Các nhân tố vĩ mô
Nói chung gia vị là một loại hàng hóa phổ biến và được buôn bán rộng rãi trên thị trường thế giới do đó các nhân tố vĩ mô tác động đến thị trường hàng hóa nói chung và thị trường các mặt hàng gia vị nói riêng.
a) Tăng trưởng kinh tế
Tăng trưởng kinh tế (ở các nước tiêu thụ) ảnh hưởng mạnh đến giá hàng hóa và tác động 2 chiều. Về cơ bản, khi kinh tế các nước tiêu thụ tăng trưởng tốt, thu nhập đầu người được cải thiện thì nhu cầu về hàng hóa cơ bản sẽ tăng. Điều này góp phần làm tăng giá hàng hóa cơ bản. Dẫn đến nhu cầu và giá mặt hàng gia vị cũng tăng lên. Giá giảm khi xảy ra điều ngược lại. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là trong quá trình diễn ra sự tác động thì xu hướng ngược lại. Tức là khi nền kinh tế các nước tiêu thụ đang trong quá trình bị tác động xấu, Ví dụ như trong thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra, thì xu hướng dòng tiền đầu tư sẽ chảy mạnh vào các tài sản có giá trị và tính bảo toàn vốn cao như vàng hay hàng hóa thay vì đầu tư vào thị trường hàng hóa. Do đó, giá hàng hóa lúc này sẽ có xu hướng tăng. Lúc này mối tương quan giữa tình hình kinh tế và giá hàng hóa là mối tương quan ngược chiều.
b) Lạm phát
Lạm phát có ảnh hưởng vừa đối với giá hàng hóa nói chung và giá cả mặt hàng gia vị nói riêng. Đồng thời tác động của lạm phát tới giá hàng hóa có tính 2 chiều. Lạm phát tăng làm chi phí đầu vào tăng lên khiến giá bán mặt hàng gia vị tăng lên. Lạm phát tăng khiến các kênh đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu bị giảm giá trong khi nhu cầu đầu tư vào hàng hóa lại tăng cao do
kênh đầu tư này có thể bảo toàn được tài sản và chống lại được lạm phát. Nhu cầu cao khiến giá hàng hóa tăng theo trong đó bao gồm cả mặt hàng gia vị.
Tuy nhiên, nếu lạm phát kéo dài thì sẽ ảnh hưởng xấu đến tình hình tiêu thụ sản phẩm. Ví dụ, giá cả tăng khiến nhu cầu sử dụng gia vị giảm đôi chút (hoặc có thể chuyển sang sử dụng các mặt hàng gia vị rẻ hơn). Nhu cầu giảm sẽ kéo theo sự giảm giá tương ứng
c) Tỷ giá
Tỷ giá có ảnh hưởng vừa đối với giá cả hàng hóa (trong đó có mặt hàng gia vị). Hầu hết thương mại hàng hóa toàn cầu đều giao dịch bằng đồng USD, do đó sức khỏe của đồng tiền này sẽ ảnhhưởng đến giá cả hàng hóa gây biến động thị trường. Trong hoàn cảnh đồng USD bị giảm giá so với các đồng tiền khác thì tác động trước tiên là ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của các nước xuất khẩu. Đồng USD yếu khiến giá cả hàng hóa của các nước xuất khẩu đến các nước nhập khẩu cao hơn khiến giá hàng hóa giảm sức cạnh tranh ở các nước tiêu thụ. Điều này khiến giá hàng hóa tăng cao hơn. Ngoài ra, đồng USD yếu cũng khiến các kênh đầu tư nhưng cổ phiếu, trái phiếu hay bất động sản bị giảm giá, xu hướng sẽ đầu tư nhiều hơn vào hàng hóa (đặc biệt là vàng và hàng hóa cơ bản). Điều này cũng góp phần làm tăng giá hàng hóa.
d) Lãi suất
Lãi suất ảnh hưởng mạnh đến giá cả hàng hóa. Lãi suất tăng làm chi phí đầu vào tăng theo khiến giá hàng hóa tăng. Ngược lại lãi suất giảm sẽ kích thích đầu tư mở rộng sản xuất và chi phí đầu vào cũng giảm xuống khiến giá hàng hóa giảm theo. Điều này rất đúng với các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam khi nước này vẫn chưa có hệ thống hỗ trợ tín dụng tốt cho người sản xuất. Mỗi khi kinh tế ảnh hưởng thì các gói tín dụng rất khó đến tay của người nông dân. Phần lớn khoản hỗ trợ đến từ người mua nên khả năng bị ép giá là rất cao.
Ngoài các nhân tố vĩ mô trên, thị trường hàng hóa nói chung và thị trường gia vị nói riêng còn chịu tác động của giá dầu, các chính sách kinh tế vĩ mô từng quốc gia (đặc biệt là những quốc gia xuất khẩu, nhập khẩu lớn).
1.2.4.2 Các nhân tố riêng ảnh hưởng đến thị trường gia vị
a) Các nhân tố thuộc về sản xuất
Các nhân tố sản xuất tác đông trực tiếp đến chất lượng hàng hóa gia vị xuất khẩu do đó ảnh hưởng trực tiếp đến thị phầ, giá cả các mặt hàng này. Các nhân tố này bao gồm:
- Hệ thống sản xuất nguyên liệu để chế biến gia vị xuất khẩu bao gồm các khâu như gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch các loại cây gia vị. Đây là công đoạn cơ bản đòi hỏi người trồng cây gia vị phải áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật. Ngoài ra, cũng giống như các ngành sản xuất nông nghiệp khác, ngành trồng các loai cây gia vị chịu ảnh hưởng rất lớn của thời tiết. Năm nào mất mùa thì đẩy giá thành sản xuất gia vị lên cao và làm cho giá cả gia vị trên thế giới cũng bị đẩy lên mạnh.
- Hệ thống dây chuyền chế biến gia vị: là một quy trình chế biến, đóng gói, bảo quản gia vị. Nhân tố này khẳng định chất lượng và tạo vị thế cho mặt hàng gia vị xuất khẩu. Quốc gia, doanh nghiệp nào sử dụng dây chuyền công nghệ càng hiện đại thì mặt hàng gia vị của quốc gia, doanh nghiệp đó tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Chất lượng sản phẩm là vấn đề hàng đầu trong việc tiếp cận , chiếm lĩnh thị trường của các quốc gia xuất khẩu gia vị nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu gia vị nói riêng. Mà chất lượng gia vị lại chịu sự chi phối bởi yếu tố sản xuất bao gồm nguyên liệu và công nghệ. Quốc gia nào làm tốt 2 khâu này thì sẽ có khả năng chi phối lớn đến thị trường gia vị thế giới.
b) Các nhân tố cung cầu
Cũng giống như bất kỳ loại hàng hóa nào, hàng hóa nông sản cơ bản cũng tuân theo quy luật Cung – Cầu. Nguồn cung ứng thường bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết, mùa vụ, dịch bệnh và các yếu tố đầu vào như lãi
suất, tỷ giá, chính sách nhà nước, chi phí vận chuyển... trong khi thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố về tăng trưởng kinh tế, lạm phát, thu nhập bình quân đầu người, thói quen tiêu dùng.
Vào những thời điểm được mùa, sản lượng sản xuất tăng vọt và lượng cung vượt quá nhu cầu thị trường thì giá có xu hướng giảm. Ngược lại, có những thời điểm thời tiết xấu hay chi phí sản xuất bị đẩy lên cao khiến quy mô sản xuất bị thu hẹp thì lúc đó sản lượng cung ứng có xu hướng giảm và thấp hơn so với nhu cầu thực tế. Lúc này giá có xu hướng tăng cao.
Đối với gia vị là mặt hàng phổ biến được dùng trong các bữa ăn hàng ngày đối với hầu hết người dân trên thế giới nên nhu cầu về gia vị rất thiết thực và rất lớn do đó cầu về mặt hàng gia vị thường ổn định so với cung. c) Chính sách thương mại, tài chính và khuyến khích khác của các quốc gia xuất, nhập khẩu gia vị
Những quốc gia xuất khẩu gia vị lớn trên thế giới thường có những chính sách để trợ giúp cho doanh nghiệp xuất khẩu của nước mình từ đầu vào cho đến đầu ra. Ví dụ như hỗ trợ về vốn, công nghệ cho các hộ nông dân trồng cây gia vị, đồng thời tạo cơ chế thông thoáng cho việc nhập khẩu các công nghệ, máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng gia vị xuất khẩu. Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách của các quốc gia này còn dự báo về biến động thị trường gia vị thế giới để định hướng cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Những quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ gia vị lớn lại có những chính sách hạn chế nhập khẩu, bảo vệ cho ngành sản xuất trong nước bằng các biện pháp thuế quan, phi thuế quan (tuy rằng đang dần bãi bỏ) hoặc là các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đều gây cản trở việc buôn bán gia vị trên thị trường quốc tế.