Những vấn đề còn hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu Chiến lược kinh doanh mặt hàng gia vị trên thế giới và việt nam (Trang 49)

2.3.2.1 Những vấn đề còn hạn chế

Bên cạnh những thành tựu đạt được, xuất khẩu gia vị của Việt Nam còn có những điểm hạn chế cần khắc phục trong thời gian sắp tới.

a) Sản xuất gia vị xuất khẩu vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch dẫn đến năng suất và sản lượng bấp bênh, chất lượng không đồng nhất

Tuy đã có các vùng chuyên canh về cây gia vị nhưng vẫn còn phần lớn diện tích trồng gia vị chưa được quy hoạch cụ thể. Việc mở rộng diện tích trồng gia vị vẫn mang tính tự phát, thiếu sự quản lý. Khi nhu cầu tăng cao, giá gia vị tăng, người dân tự ý mở rộng diện tích trồng gia vị. Nhưng khi rớt giá thì tự ý phá bỏ để trồng cây khác. Mặt khác do việc canh tác vẫn theo quy mô hộ gia đình, thiếu tính hệ thống. Vì vậy, việc phổ biến giống, kỹ thuật canh tác, chăm sóc, thu hoạch vẫn chưa đồng bộ. Ngoài ra, khi xảy ra dịch bệnh, rất khó để phát hiện và xử lý kịp thời dẫn đến dịch bệnh lan rộng ra cả vùng gây thiệt hại không nhỏ.

b) Công nghệ chế biến còn lạc hậu

Hiện này, các doanh nghiệp chế gia vị của Việt Nam đã đầu tư xây dựng các nhà máy với dây chuyền công nghệ hiện đại nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu chế biến gia vị xuất khẩu. Việc sơ chế vẫn sử dụng phương pháp thủ công, nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Việc này không những dẫn đến hao hụt lớn trong sơ chế và chế biến mà còn khó đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm xuất khẩu thiếu tính đồng nhất.

c) Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu vẫn dưới dạng thô, sơ chế, chất lượng không ổn định và giá cả không cao

Hiện nay, Việt Nam vẫn xuất khẩu các mặt hàng gia vị dưới dạng thô, sơ chế là chủ yếu, giá trị kinh tế thấp. Các nước nhập khẩu gia vị của Việt Nam chủ yếu nhằm mục đích chế biến lại rồi xuất khẩu với giá cao hơn. Mặt khác, do thiếu tính hệ thống chặt chẽ giữa khâu sản xuất nguyên liêu và khâu chế biến cộng với việc thiếu công nghệ nên chất lượng gia vị chế biến chưa cao. Giá cả các mặt hàng gia vị xuất khẩu của Việt Nam vì thế mà cũng thấp hơn so với các nước khác.

d) Tổ chức xuất khẩu chưa mang tính chuyên nghiệp

Các doanh nghiệp xuất khẩu gia vị hiện nay vẫn làm ăn theo kiểu thời vụ, chưa có một chiến lược lâu dài. Công tác điều ra, nghiên cứu thị trường còn chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến thiếu thông tin về cung-cầu, giá

cả, thị hiếu tiêu dùng dẫn đến doanh nghiệp xuất khẩu thiếu tính chủ động. Phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu gia vị nói riêng và các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói chung vẫn thiếu kế hoạch trong việc liên kết với nguồn cung nguyên lieu, mua dự trữ và xuất hàng nên không tận dụng được thời cơ về giá. Thậm chí khi giá cao, doanh nghiệp xuất khẩu còn phá vỡ hợp đồng đã ký để bán cho đối tác khác giá cao hơn. Điều nay làm giảm uy tín của các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

2.3.2.2 Nguyên nhân

a) Vai trò quản lý của Nhà nước đối với công tác sản xuất và xuất khẩu gia vị còn nhiều bất cập

Việc mở rộng diện tích trồng gia vị một cách tự phát là do sự thiếu quy hoạch đồng bộ. Bên cạnh đó, Nhà nước vẫn chưa có những sự đầu tư thỏa đáng cho việc phát triển giống cây gia vị mới, hỗ trợ người dân trong công tác trồng, chăm sóc, diệt trừ sâu bệnh, thu hoạch, sơ chế… Còn trong công tác chỉ đạo, khuyến khích xuất khẩu cũng còn nhiều hạn chế. Những ưu đãi cho doanh nghiệp vay vốn để chế biến hàng khẩu chưa nhiều. Công tác thống kê, điều tra, dự báo chưa mang lại hiệu quả.

b) Thiếu vốn cho đầu tư sản xuất, chế biến và xuất khẩu

Người dân trồng gia vị thiếu vốn nên không thể mua được giống tốt, áp dụng phương pháp canh tác mới, mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không độc hại… dẫn đến chất lượng nguyên liệu cho gia vị chế biến không cao. Các doanh nghiệp chế biến thiếu vốn để đầu tư máy móc, dây chuyền hiện đại phục vụ chế biến gia vị chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế. Các doanh nghiệp xuất khẩu thiếu vốn để đầu tư vào công tác dự báo thị trường, mua dự trữ chờ xuất khẩu.

c) Năng lực kinh doanh xuất khẩu của các doanh nghiệp xuất khẩu gia vị còn hạn chế

Các doanh nghiệp vẫn chưa có một chiến lược xuất khẩu dài hạn. Các doanh nghiệp rất muốn có thông tin chính xác về thị trường, muốn có nguồn cung hàng xuất khẩu ổn định nhưng vẫn chưa đầu tư thỏa đáng cho công tác

nghiên cứu thị trường và hỗ trợ người trồng gia vị. Ngoài ra tư tưởng kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn mang tính bán cái mình có chứ chưa bán cái thị trường cần.

d) Thiếu một tổ chức cầm trịch cho toàn ngành gia vị

Công tác sản xuất, chế biến và xuất khẩu vẫn còn nhiều bất cập chủ yếu là do thiếu thông tin về thị trường, định hướng phát triển rõ ràng. Ngoài ra còn do khi thiếu sự liên hệ với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức quốc tế liên quan đến ngành hàng. Tất cả chỉ được giải quyết nếu có một tổ chức để đại diện cho những người sản xuất, chế biến và xuất khẩu gia vị để tổ chức trao đổi thông tin, xây dựng mối quan hệ trong ngành kinh doanh gia vị với các tổ chức trong và ngoài nước, tổ chức các cuộc hội thảo giữa người sản xuất, xuất khẩu và nhà khoa học… Tuy nhiên hiện nay, mới chỉ có Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam mà chưa có một hiệp hội cho toàn ngành gia vị như ở các nước Ấn Độ, Braxin…

Một phần của tài liệu Chiến lược kinh doanh mặt hàng gia vị trên thế giới và việt nam (Trang 49)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(85 trang)
w