Hồi ức về gia đình

Một phần của tài liệu HỒI ỨC TRONG TRUYỆN CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH (Trang 27 - 30)

Gắn kết chặt chẽ với hồi ức về quê hương là những kỉ niệm về gia đình, bên những người thân đang còn hay đã khuất. Gia đình – trước hết là cội nguồn sinh dưỡng, là vòng tay ấm áp chở che. Những trang viết về người bà, về cha mẹ - những đấng sinh thành bao giờ cũng là những trang văn xúc động nhất trong lòng người.

Trong Tuổi thơ im lặng, những mảnh ghép kí ức nằm sâu và bền chặt trong tâm trí làm hiện diện những gương mặt người thân. Bà nội gầy, vai mỏng tanh, lặng lẽ như chiếc bóng, hiền như đất nhưng luôn là chỗ dựa tinh thần cho con cháu. Hình ảnh người bà trong hoài nhớ nâng lên thành biểu tượng cho thiên tính của người phụ nữ, cho sức mạnh và thanh trừ cái ác. Những câu ca dao bà ru dạy con cháu nên người. Có một người bà như thế, con cháu không thể sống hư, sống ác. Những hạt bụi thời gian không làm nhòe mờ gương mặt người thân mà ngày càng trở nên sáng tỏ. Người cha có những ngón chân khum khum - “đôi chân vất vả” dãi nắng dầm sương thành bệnh để giữ cho đôi chân con thật khỏe, đi thật xa. Người mẹ đôi vai gầy nứt ra rớm máu vì gánh gồng. Những dấu vết trên đôi chân cha, đôi vai mẹ là chứng tích thời gian, là tấm huy chương của tình thương vô bờ theo nhân vật “tôi” suốt cuộc đời.

Dòng sông thơ ấu ghi nhớ hình ảnh bà nội – người bà đã viết nên một

phần kí ức trong Minh. Bà nối kết quá khứ với hiện tại bằng những câu chuyện kể về ông sơ, ông cố, ông nội, về nghĩa tình vợ chồng của cha mẹ Minh. Theo dòng mạch hoài niệm, hình ảnh bà cố cũng được tái hiện chân thực. Trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp ở làng, tiếng súng đạn thổi bùng sự sợ hãi của mọi người, trừ bà cố. Bà cố “tay lần hạt chuỗi, môi mấp máy, lầm thầm”, “với đôi mắt hiền từ, và nụ cười trải rộng trên những gương mặt nhăn nheo” khiến chị em Minh bình tĩnh. Bà đưa những đứa

cháu vào một nơi yên tĩnh trong cõi riêng của bà. Đến với bà là trở về với cội nguồn của sự chở che mang sức mạnh lạ kì. Và tình yêu thương còn trải theo gương mặt của cha, dáng hình gầy của mẹ. Hồi ức về người cha mang theo cả những trải nghiệm triết lí ông rút ra từ chính cuộc đời. Chiêm nghiệm về con người cũng như cái nghề thợ bạc: “muốn biết vàng thau thì phải thử lửa. Đã là vàng giả thì nó bóng loáng là như vậy”, “đãi người để

quy về một mối mới là khó. Người lúc đầu tưởng là vàng lại hóa ra là cát”.

Gia đình là nơi sinh thành con người và cũng là nơi tạo khởi truyền thống can đảm, gan góc, tinh thần chính nghĩa. Dòng sông thơ ấu – thiên tiểu thuyết đã ghi lại lịch sử của cả một dòng họ qua ba thế hệ trong biến động thời đại. Những con người chân chất, thuần hậu, phóng khoáng như chính cây lúa, dòng sông quê nhà. Hồi ức về những người thân yêu tỏa sáng với mạch nguồn truyền thống can đảm, bất khuất trong dòng họ, lắng sâu trong những triết lí về cuộc đời. Ông nội Minh là người nóng tính, từng chém tên hương quản ức hiếp dân lành. Những người cùng đinh “khi gặp điều oan ức lại đến thưa với ông”. Hình ảnh ông nội biểu tượng tinh thần hào hiệp, trượng nghĩa của con người Nam Bộ. Truyền thống gia đình như ngọn lửa được truyền nối từng thế hệ. Người cha - ông Hai thợ bạc cũng giúp người chẳng tính công. Đến anh em Minh – những người con lớn lên trong khói lửa chiến tranh, ngọn lửa truyền thống gia đình vẫn cháy sáng, trở thành lòng nồng nàn yêu nước, tham gia cách mạng từ khi còn nhỏ tuổi.

Những gương mặt người thân được tái hiện từ hồi ức của người kể có một khoảng cách so với hiện tại. Với khoảng cách thời gian này, người kể (thường là nhân vật “tôi”) có điều kiện để trải nghiệm, suy tư về quá khứ. Cô Gái (Miền thơ ấu) “ra sức nặn tôi từ một tên nhóc vô thần thành một con chiên ngoan”. Quá trình rèn luyện của cô có khi chiều chuộng nhưng chủ yếu là những lời mắng mỏ. Sự đánh giá không dựa trên sự quy chụp mà từ

cái nhìn đa chiều: “Có thể nghĩ rằng vì yêu tôi nên bà mới khổ công làm việc đó. Khổ công, bởi tôi rất khó nặn”, “Nhưng cũng có thể nghĩ rằng bà làm thế là do bản năng của kẻ cuồng tín, bản năng này bộc lộ trong khát vọng tròng vào cổ đồng loại niềm tin của họ, bắt đồng loại tin cái mà họ tin, sùng bái cái mà họ sùng bái”... Cô khó tính, lạnh lùng, khó gần nhưng đầy bản lĩnh. Cô luôn canh chừng cô Thiệp vì sợ mất đồ nhưng sẵn sàng lờ đi khi biết Thư đem gạo giúp chú Khóa. Sự vênh lệch trái chiều được nhận diện từ điểm nhìn của nhân vật “tôi” – người cháu tạo nên chiều sâu triết lí. Con người không giản đơn một chiều mà có sự phức tạp, đôi khi là cả sự đan xen giữa tốt – xấu, thiện – ác. Nhìn nhận về bản chất con người không thể bằng sự phân định rạch ròi mà từ cái nhìn đa chiều.

Hồi ức là nền tảng, là điểm tựa để trở về quá khứ. Trong hành trình ngược dòng thời gian ấy, cuộc sống được tiếp nhận thông qua lăng kính đặc biệt: con mắt của trẻ thơ. Với góc nhìn này, thế giới đối tồn tại với logic và nguyên tắc riêng mà người lớn không thể hiểu hết. Sự chênh lệch giữa hai góc nhìn cùng với sự cố chấp của người lớn tạo ra hố sâu ngăn cách những con người trong một gia đình. Người mẹ trong Hành trình ngày thơ ấu thương Bê nhưng không lắng nghe con. Quan niệm áp đặt “người học trò ngoan chỉ có mỗi nhiệm vụ: lắng nghe và học hỏi thầy”, không xét tư cách của thầy khiến Bê trở thành đứa con hư trong mắt mẹ. Vết thương tâm hồn không chỉ vì đòn roi mà còn vì sự thờ ơ của người thân yêu nhất: “Sự im lặng của mẹ khiến tôi cảm thấy tôi đã chết rồi. Tôi đã chết thật”. Quyết định bỏ nhà đi tìm bố thực ra là sự phản ứng mạnh mẽ trước nỗi uất ức của cô bé. Ngòi bút tác giả tinh nhạy trong sự nắm bắt trạng thái tâm lí của nhân vật, đồng thời tạo ra sự trăn trở, suy tư về thái độ, cách nhìn bao dung của người lớn đối với trẻ thơ.

Sự phức tạp của cuộc sống nhiều biến đổi khiến mái ấm gia đình đôi khi không còn là chốn bình yên trong lòng mỗi người con. Tâm hồn nhạy

cảm của cậu bé Thiện (Miền xanh thẳm) nhận ra những rạn nứt trong ngôi nhà tưởng như êm ấm, hòa thuận. Bố Thiện lấy hai người vợ - vốn là hai chị em. Người vợ sau mà Thiện gọi là “cô” dường như không yêu quý hai chị cả của cậu bé. Đằng sau sự yên bình “suốt trong mấy chục năm, chưa bao giờ có một câu nói nặng lời, một cử chỉ gì gây xức phạm đối với người này người khác” là “không khí uể oải, buồn chán, lạnh lùng, một sự không bằng lòng do một nguyên nhân thầm kín nào đó không dễ nói ra chi phối”. Sự túng quẫn về kinh tế khiến không khí gia đình càng trầm uất, nặng nề hơn. Cậu bé Thiện từ lúc mười một, mười hai tuổi đã mang mặc cảm có tội, là gánh nặng của gia đình, không tự kiếm sống ăn nhờ vào những người thân.

Men theo kí ức, từng góc sâu nội tâm nhân vật được bộc lộ. Đi cùng những rạn nứt trong tình cảm gia đình vốn thiêng liêng, cao đẹp là những đổ vỡ trong tâm hồn trẻ thơ. Thế giới trẻ thơ không chỉ có màu hồng mà còn những gam màu buồn, sắc lạnh. Tuy nhiên, nhân vật không bị nhấn chìm bởi những ẩn ức, những vệt mờ tâm lí. Trong chiều sâu của ý nghĩa nhân sinh, các tác giả luôn hướng tới cái đẹp, cái thiện, sự vươn lên khỏi nghịch cảnh. Do vậy, Hành trình ngày thơ ấu, Miền xanh thẳm... không nặng nề mà luôn hướng tới ngày mai, sáng lên tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống.

Một phần của tài liệu HỒI ỨC TRONG TRUYỆN CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(103 trang)
w