Vài nét về cuộc đời, con người Nguyễn Nhật Ánh

Một phần của tài liệu HỒI ỨC TRONG TRUYỆN CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH (Trang 34 - 39)

Nguyễn Nhật Ánh từng tâm sự: “Thực ra những gì lung linh nhất, đáng quan tâm nhất của con người một nhà văn thì đã được tác giả giới thiệu, gửi gắm qua các tác phẩm cả rồi. Những gì còn lại ngoài đời chỉ là những cái gạch đầu dòng khô khan mà thôi”. Dẫu vậy, nhà văn làng Đo Đo luôn có “Một chút gì để nhớ”, luôn đọng lại trong tâm trí độc giả ấn tượng về những thăng trầm cuộc đời, trên hết là tấm lòng tin yêu cuộc sống và lòng say nghề, mến trẻ. Tìm hiểu cuộc đời, con người Nguyễn Nhật Ánh, chúng tôi chỉ lưu ý tới những yếu tố có ảnh hưởng đến quá trình sáng tạo nghệ thuật của nhà văn.

Nguyễn Nhật Ánh sinh ra ở Quảng Nam – tỉnh nằm ngay giữa khúc ruột miền Trung nối hai đầu đất nước. Đúng như tên gọi, đây cũng là vùng đất lớn mở rộng tầm nhìn về phương Nam của Tổ quốc. Xứ Quảng có sự đa dạng về địa hình gồm những ngọn núi cao, bãi cát dài và cả những con sông

lớn như Cẩm Lệ, Thu Bồn... lắng đọng phù sa tạo nên những bãi bồi màu mỡ ven sông.

Những năm tháng tuổi thơ đã gieo vào lòng Nguyễn Nhật Ánh tình yêu quê hương, vạn vật. Cùng ở Quảng Nam, nhưng nếu vùng quê Đại Hòa của Võ Quảng khá trù phú với những nương bãi được bồi đắp bởi sông Thu Bồn và Vu Gia thì miền quê Thăng Bình của Nguyễn Nhật Ánh lại tương đối khắc nghiệt. Vùng đồng bằng trung du bán sơn địa và miền núi rừng rậm rạp, đất đai khô cằn, bạc màu. Còn vùng ven biển là đất cát mênh mông, trắng xóa “Cát ròng ròng tuôn chảy dưới lòng chân” (thơ Ý Nhi).

Nguyễn Nhật Ánh gắn bó với làng Đo Đo – nơi “chôn nhau cắt rốn” trong tám năm đầu đời nhưng những kỉ niệm ở ngôi làng đơn sơ đó đã khắc tạc trong tâm hồn nhà văn. Chợ Đo Đo ở chỗ “quán gò đi lên” chỉ họp về đêm, với những quán tạp hóa nhỏ như một thế giới lộng lẫy sắc màu trong con mắt Nguyễn Nhật Ánh thuở còn thơ. Tên chợ xuất phát từ tích quan về đo đất, đo đi đo lại nên thành chợ Đo Đo. Cái tên thể hiện sự hồn nhiên trong quan niệm người dân, “sống dai dẳng như chính đất đai xứ sở, như chính cuộc sống hồn nhiên của dân gian, không tốn giấy mực cho họp hành, nghiên cứu, hàn lâm”. Làng Đo Đo mang nét chung như mọi làng quê khác trên dải đất hình chữ S nhưng vẫn có nét đặc trưng riêng với rừng sim, đồi trâm, những ngôi nhà nhỏ giản dị, giếng đá đầy rêu, với những thức quà giản dị như thị, như củ nén, những con người nghĩa tình... Tất cả trở thành nỗi nhớ sâu đậm, thành kí ức không phai để mỗi lần trở về, người con xa xứ rưng rưng nỗi niềm: “Mỗi lần về quê tôi (Nguyễn Nhật Ánh) lại bắt gặp trong mình sự rung động, nhất là những lúc đi trên con đường làng quen thuộc thời ấu thơ. Lúc đó bao nhiêu kỷ niệm ùa về...” [35]. Những kỉ niệm ấy in bóng trong những sáng tác của nhà văn, làm nên những trang văn xuôi đẫm chất thơ: “Hầu hết các trang văn xuôi thơ mộng nhất của anh đều gợi lên không khí của một vùng miền quê yên ả” [72; 56].

Trừ tuổi thơ êm đềm bên gia đình, Nguyễn Nhật Ánh chịu nhiều thăng trầm, vất vả trong những năm tháng trưởng thành. Đoạn đời mười mấy năm sau giải phóng 1975 là khoảng thời gian thử thách gay gắt với nhà văn. Có lúc Nguyễn Nhật Ánh phải nương nhờ họ hàng, đạp xe xích lô, phải bán gia tài cuối cùng là chiếc xe đạp cũ để sống qua ngày trong năm cuối đại học. Có lúc anh tưởng như bế tắc vì không được phân công nhiệm sở do lí lịch gia đình, hay những gian truân trong quãng thời gian tham gia Thanh niên xung phong... Những gai góc ấy không khiến anh quay lưng với cuộc đời mà tôi luyện nhà văn thành “con người biết vượt khó, có nghị lực, luôn yêu đời”, “có niềm tin và cái nhìn trong trẻo với cuộc sống” [72;18]. Trên tất cả, nhà văn vẫn gắn bó, sống trọn cuộc đời với niềm vui và cả khổ đau, như có lần anh đã trải lòng mình trong thơ:

Trái tim anh thích hát lên những âm điệu vui tươi và rạng rỡ Nhưng nó cũng sẵn sàng hát lên những khúc hát đớn đau Khi không thể nào tránh khỏi

Nguyễn Nhật Ánh trên bình diện đời tư có sự tương đồng nhất định với nhà văn Nga Alecxandr Grin. Dẫu cả cuộc đời gian nan, khổ ải từ thuở ấu thơ cho đến những năm cuối đời, Grin vẫn giữ được tâm hồn trong trẻo. Trí tưởng tượng phong phú và niềm tin bất diệt vào hạnh phúc con người giúp nhà văn vượt qua những “bùn rác dưới chân” để hướng tới cái đẹp, tôn vinh cuộc sống. Vì vậy, trên đường đời hiểm nghèo, Grin vẫn tạo ra những bản trường ca lấp lánh ánh sáng, tình yêu và sự tươi trẻ của tâm hồn mà

Cánh buồm đỏ thắm là thiên truyện tuyệt vời nhất. Cuộc đời Nguyễn Nhật

Ánh dù có những thăng trầm song vẫn may mắn hơn nhà văn lãng mạn Nga. Nhưng điều chúng tôi muốn hướng tới không phải là những gian truân trên đường đời của các nhà văn mà là thái độ sống, là cái nhìn trong trẻo đáng quý, đáng trân trọng của họ sau những bão giông của cuộc đời. Và với Nguyễn Nhật Ánh, trong những khó khăn, vất vả, con người được tôi luyện, trải nghiệm và trưởng thành cũng như đưa chất liệu cuộc sống ùa vào trang văn: “tôi nghĩ nhà văn có thuận lợi hơn người khác khi luôn biến những khó

khăn về vật chất, tinh thần hay hoạn nạn thành những chất liệu cho sáng tác của mình” [74]

Nổi bật ở Nguyễn Nhật Ánh là tích cách dí dỏm, hài hước, lạc quan. Trong buổi giao lưu trực tuyến, nhà văn đã trả lời một độc giả nhỏ về sự vui tính: “Chú có tật hay cười. Hồi nhỏ, chú thường bị người lớn cho ăn đòn về cái tật hay phì cười trước những khung cảnh nghiêm trang... Lớn lên đi dạy học, chú hay đùa giỡn với học trò và cứ hay bị học trò làm cho phì cười” [74]. Người quen thường bắt gặp ở Nguyễn Nhật Ánh “nụ cười bông lơn, hỏm hỉnh nhưng lại rất thành thực và không che giấu mọi cảm xúc” [40; 8]. Sự dí dỏm ấy bắt nguồn từ thái độ sống và cái nhìn lạc quan, nhẹ nhõm với cuộc đời: “tôi quan niệm cuộc đời con người vốn có lắm nỗi éo le, chẳng việc gì mình phải “bi kịch hóa” nó thêm lần nữa. Nhìn mọi sự bằng con mắt hài hước, tôi cho rằng chúng ta sẽ thấy yêu đời hơn, vượt qua những nghịch cảnh cũng dễ hơn” [74]. Tính cách và quan niệm sống tạo nên chất ngộ nghĩnh, dí dỏm, hài hước mang nét phong cách đặc trưng trong các sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh.

Trên cương vị một nhà văn, Nguyễn Nhật Ánh luôn say mê với nghiệp viết. Lòng yêu nghề là tiêu chí quan trọng của mọi nghề nghiệp thuộc mọi lĩnh vực và càng cần thiết trong văn chương: “Lòng yêu nghề là đức tính cơ bản, nó sẽ giúp giải quyết tất cả những thứ khác. Nếu một nhà văn cầm bút vì yêu nghề chứ không phải vì bất cứ động cơ nào, nhà văn đó sẽ dễ được người đời thể tất cho những nhược điểm khác” [74]. Động cơ cầm bút phải là sự thôi thúc tinh thần, vì lòng đam mê: “Tôi viết vì yêu nghề, vì một ngày không viết tôi cảm thấy bồn chồn, bứt rứt, chứ không vì lý do nào khác. Nên tôi không bị bất cứ một áp lực nào ngoài sự thôi thúc sáng tạo của bản thân” [101]. Nhà văn cũng đề cập tới mối quan hệ giữa danh lợi và việc sáng tác nghệ thuật: “Có lẽ nhà văn nào cũng vậy, đã đi vào con đường hoạt động nghệ thuật, vốn là lãnh vực có công chúng rộng

rãi, tên mình lại thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin, không thể không có lúc nghĩ đến chữ “danh”. Nhưng cái danh đó phải được xây dựng trên hiệu quả công việc và sự đóng góp cho xã hội thì mới bền vững... Tôi thích một câu nói không nhớ của ai “Lợi và danh đi trước sáng tác là một tai họa, đi song hành với sáng tác là một cản trở, đến sau sáng tác mới là hợp quy luật”’ [101]. Lòng yêu nghề giúp Nguyễn Nhật Ánh có thể hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ: “Sự say mê công việc tạo cho tôi hứng thú, nếu không cường độ lao động căng thẳng mỗi ngày sẽ trở thành cực hình, một hình thức lao động khổ sai” [40; 11].

Có thể nói Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn có bút lực dồi dào vào bậc nhất ở Việt Nam, làm việc ở cường độ lớn. Anh thường được gọi là “người không có ngày chủ nhật”, “người mê công việc”. Đức tính cần mẫn và bền bỉ giúp cho nhà văn viết được khối lượng tác phẩm đồ sộ như hiện nay. Nguyễn Nhật Ánh còn là người ham học hỏi, nghiêm túc, khoa học. Từ nhỏ, anh đã chăm đọc sách: “Thuở bé, tôi rất mê đọc sách. Tôi bị quyến rũ bởi các tác phẩm của Thạch Lam, Khái Hưng, Tô Hoài, Thế Lữ, đắm chìm trong những trang sách của Edmond de Amicis (Tâm hồn cao thượng), Victor Hugo (Những người khốn khổ), Hector Malot (Không gia đình)” [dẫn theo 72; 14]. Những cuốn sách làm phong phú tâm hồn tuổi nhỏ và nhen lên mơ ước trở thành nhà văn của Nguyễn Nhật Ánh. Sau này, anh có cả một thư viện nhỏ với các loại sách và cả các loại từ điển để phục vụ cho việc tra cứu, tham khảo. Trong việc tập hợp, gìn giữ tư liệu, anh làm việc chỉn chu và khoa học. Những bài thơ sáng tác từ những ngày đầu đến với nghiệp văn hay thư từ của độc giả ái mộ gửi đến, tác giả vẫn lưu giữ được và sắp xếp cần thận. Nếu cần tham khảo, chỉ trong nháy mắt, anh có thể cung cấp đầy đủ.

Lê Minh Quốc khi viết về nhà văn của làng Đo Đo đã nhận xét: “Nguyễn Nhật Ánh – dù mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” nhưng anh lại

là người có đầu óc thực tế” [72; 57]. Nguyễn Nhật Ánh luôn có ý thức tiếp cận với cái mới, để qua đó tự làm mới mình và làm mới những trang văn. Từ đầu thập niên 90 của thế kỉ XX, anh là một trong những nhà văn đi tiên phong trong việc tiếp cận với máy vi tính. Kỉ niệm về những ngày đầu làm quen với máy tính giúp anh có chất liệu để sáng tác truyện dài Buổi chiều Window. Sự tiện ích của máy vi tính tạo nên vai trò kép: “Nguyễn Nhật Ánh

vừa là một nhà văn, nhà văn và gần như một nhà xuất bản” [] khi tác giả có thể tự thực hiện các khâu viết, sửa chữa, in ấn, thiết kế trang bìa, vẽ tranh minh họa... Anh khai thác internet như một công cụ hỗ trợ cho nghề nghiệp. Trong quá trình sáng tác Chuyện xứ Lang Biang, bên cạnh việc học hỏi kiến thức từ sách vở, Nguyễn Nhật Ánh còn kiếm tìm thông tin qua các trang web. Anh mất tới sáu tháng để hoàn tất công việc chuẩn bị cho sự ra đời của cuốn sách. Internet cũng là cầu nối giúp nhà văn gần gũi với độc giả. Thông qua các buổi giao lưu trực tuyến, email, tác giả lắng nghe suy nghĩ, tìm hiểu mong muốn, nhu cầu của độc giả nhỏ tuổi. Nhà văn nắm bắt nhanh nhạy những vẫn đề bức xúc trong cuộc sống hiện tại, nhất là những vấn đề liên quan đến thế giới trẻ thơ như trò chơi điện tử, chat, âm nhạc, việc học hành. Nguyễn Nhật Ánh từng đọc các bộ sách giáo khoa, đến các buổi học ban đêm dành cho các em cơ nhỡ, các lớp học tiếng Anh... để tiếp cận đối tượng sáng tác là các em nhỏ. Điều này không chỉ thể hiện thái độ nghiêm túc mà còn thể hiện cái Tâm của tác giả trên hành trình thực hiện sứ mệnh của người cầm bút viết cho trẻ thơ.

Một phần của tài liệu HỒI ỨC TRONG TRUYỆN CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH (Trang 34 - 39)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(103 trang)
w