Thế giới của những trò chơi tuổi nhỏ

Một phần của tài liệu HỒI ỨC TRONG TRUYỆN CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH (Trang 46 - 51)

HỒI ỨC VÀ NHỮNG CHỦ ĐỀ CHÍNH TRONG TRUYỆN NGUYỄN NHẬT ÁNH

2.1.1. Thế giới của những trò chơi tuổi nhỏ

Trò chơi là một phần không thể thiếu tạo dựng nên thế giới ngộ nghĩnh, hồn nhiên. Trẻ thơ học, chơi và kết bạn qua những trò chơi tuổi nhỏ. Nguyễn Nhật Ánh xây nên thế giới vi diệu của trẻ thơ từ những trò chơi tinh nghịch như thế. Điểm qua các tác phẩm như Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Hạ đỏ, Mắt biếc, Cô gái đến từ hôm qua,… đều có sự xuất hiện

của những trò chơi thơ trẻ đầy thú vị, tinh nghịch, hồn nhiên. Hồi ức về trò chơi trong hoài niệm là những chương thi ca tuôn dài với những khuôn vần nhịp gấp. Những trò chơi dân gian, hay những cuộc chơi của lũ trẻ thôn quê đều được tái hiện trong kí ức về những năm tháng đã xa.

Cô gái đến từ hôm qua có muôn vàn những trò chơi gắn với những

ngày tháng kỉ niệm vui tươi của nhân vật xưng “tôi” và Tiểu Li. Lần đầu nhân vật “tôi” – Thư làm quen với Tiểu Li cũng chỉ đơn giản từ việc muốn chơi chung: "Mày cho tao chơi chung với nghen?" rồi lúi húi đào đường hầm thật dài xuyên qua đống cát mà Tiểu Li đang chơi trò xây nhà. Trẻ thơ kết bạn một cách đáng yêu nhờ những trò chơi như vậy. Tình bạn của hai đứa trẻ bắt đầu và cứ thế lớn dần lên cùng những trò chơi ấu thơ. Quãng thời gian chúng được học và chơi cùng nhau là quãng thời gian pha lẫn niềm vui và hờn giận. Nhân vật tôi đôi khi chơi ăn gian, bắt nạt Tiểu Li nhưng cũng có khi lại thương yêu và bảo vệ cô bé. Có đôi lần, nhân vật tôi giả vờ ngã giữa nhà để Tiểu Li chạy ra khỏi chỗ trốn, hay rủ Tiểu Li xem mình chơi tạt lon mà bị mẹ phạt vì không làm toán. Nhân vật tôi cũng bao lần đáng trách vì hết bi chơi mà lấy lại những viên bi đã tặng cô bé. Đôi bạn hờn giận nhau nhưng chúng hàn gắn lại tình bạn một cách đáng yêu qua những trò chơi. Cậu bé đứng ở cột nhà trông sang Tiểu Li đang chơi ô quan một mình. Kẻ nhìn trộm bị bắt gặp muốn bỏ đi nhưng “chân tôi lại không chịu tuân theo ý nghĩ của tôi, nó nhúc nhích mấy cái rồi đứng yên tại chỗ" [14; 93]. Cậu bé ấy muốn làm hòa, song vẫn còn ngại ngùng, chút giận dỗi trẻ con nên chỉ cần cô bé nhìn sang cười tươi và hỏi "Anh có biết chơi ô quan không?... Qua đây chơi với em" là bao nhiêu hờn giận tan biến hết: "Không đợi nó mời đến lần thứ hai, tôi chạy vụt qua, lòng sung sướng vô cùng… tôi cảm thấy lòng mình vô cùng nhẹ nhõm hệt như tôi với Tiểu Li chưa hề giận nhau bao giờ" [14; 94]. Trò chơi đã trở thành một chiếc cầu kết nối tình bạn của trẻ thơ. Với trẻ thơ, trò chơi không chỉ đơn thuần là sự

vui vẻ, hay giận hờn, đó còn là sự học hỏi, nối kết và hàn gắn của tình cảm ngây thơ và sáng trong. Thông qua những trò chơi, chúng học được cách yêu thương nhiều hơn.

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là hồi ức về năm tám tuổi của cu Mùi. Năm tám tuổi ấy được kể với mười hai chương, trừ chương mở đầu, chương năm “Khi người ta lớn” và chương kết thúc, các chương còn lại, mỗi chương đều là những trò chơi thú vị của nhóm bạn. Một thế giới riêng được mở ra từ những trò chơi trẻ thơ. Trò chơi được yêu thích nhất có lẽ là trò chơi đóng vai. Trẻ con đóng vai người lớn như một sự bắt chước, học hỏi từ người lớn, cũng là bước đầu tiên của bọn trẻ nhìn nhận về thế giới xung quanh. Nhưng trên trang văn Nguyễn Nhật Ánh, chúng không chỉ bắt chước người lớn một cách đơn thuần. Các nhân vật nhỏ tuổi đã khiến cuộc sống gia đình với bố mẹ và con cái trở nên thú vị. Trong trò chơi đóng vai những ông bố bà mẹ tuyệt vời, một gia đình nhỏ được tạo nên với cu Mùi trong vai trò là bố, Tí sún là mẹ, hai con là Hải cò và Tủn. Mọi khái niệm cũ bị phá bỏ và tạo dựng nên những giá trị mới dưới đôi mắt trẻ thơ. Bố mẹ tuyệt vời là bố mẹ hài lòng khi con đánh lộn, ăn cơm không đúng giờ hay sách vở nhàu nát… Đó là những ước muốn của trẻ thơ về những việc chúng muốn được làm mà không bị trách mắng. Hải cò sau ngày đầu tiên chơi với sự ngỡ ngàng đã háo hức đến lượt đóng vai ba đến độ: "Tối hôm trước Hải cò chắc thao thức suốt đêm, chờ trời sáng. Sáng ra tôi thấy mắt nó đỏ kè" [13; 37] để quát nạt “cậu con trai” cu Mùi vì giữ gìn sách vở sạch đẹp, và “cô con gái Tủn” vì dọn cơm đúng giờ. Ngay cả Tí sún vốn hiền lành và chậm chạp cũng kịp thích ứng với trò chơi thú vị này để buông giọng thở dài thiểu não, dạy “con mình” – Hải cò đóng vai: "Mày là con vẹt hả? Bảng cửu chương bảo gì mày nghe nấy là sao? Thế mày không có cái đầu à?" [13; 43] và sau đó cả nhóm tuyên bố sẽ kết thúc cuộc sống chỉ sống dưới sự bảo ban của người khác. Lũ trẻ muốn được sống như trong ước muốn

của chúng, với những ý thích của riêng mình. Thế giới của trẻ thơ qua những trò chơi là thế giới của những ước muốn được sống tự do như thế.

Những trò chơi con trẻ còn là sự hắt bóng của suy nghĩ thơ trẻ về người lớn. Phiên tòa đặc biệt trẻ con xử người lớn là trò chơi thú vị, đầy hài hước song cũng để lại nhiều suy ngẫm. Trong phiên tòa "vô tiền khoáng

hậu" ấy, Hải cò và Tủn được đóng vai quan tòa, còn cu Mùi và Tí sún đành

đóng vai bị cáo – cha mẹ. Sự đảo ngược vai trò chỉ có thể diễn ra trong trò chơi nơi những đứa trẻ có cơ hội để tìm lại công bằng, người lớn nhận ra lỗi lầm mà họ không bao giờ thừa nhận với những đứa con. Tất cả khuyết điểm đều được chỉ ra, từ việc uống rượu say xỉn của ba Hải cò, đến chuyện mua chiếc áo xanh của mẹ con Tủn, và đặc biệt là tật nói dai mà hầu như các bà mẹ đều mắc phải. Qua phiên tòa đặc biệt này, có thể thấy được cả giận và thương của các em dành cho cha mẹ. Hải cò có thể giận ba vì uống rượu say, nhưng trong đó chất chứa cả tình thương cha: "Rủi ba có mệnh hệ gì thì vợ con bỏ cho ai nuôi? – Hải cò quát lớn nhưng giọng nó chuyển qua nghèn nghẹn như bị ai bóp mũi, chắc nó chợt hình dung đến cảnh chẳng may nó mồ côi cha" [13; 160]. Những đứa trẻ ngây thơ, tinh nghịch ấy sâu sắc và biết yêu thương nhiều hơn chúng ta tưởng và đôi khi chính người lớn chúng ta lại vô tình bỏ qua suy nghĩ của các em.

Trẻ thơ gửi gắm trong trò chơi những ước muốn, hành động mà chúng không thể hay không được phép làm trong thực tại. Vì thế, qua những trò chơi, có thể thấy được thế giới của người lớn trong suy nghĩ của trẻ thơ. Nhưng khi bước ra đời thực, mọi ước muốn thực hiện được trong thế giới ấy đều tan biến. Nhóm bạn đã gặp phải rắc rối vì đem cả trò chơi ra ngoài đời thực: bị đánh đòn vì không thừa nhận bảng cửu chương đằng sau cuốn tập, ý nghĩ những đứa trẻ chăm học là "những đứa trẻ hư hỏng" bị người lớn gạt bỏ. Nhưng trò chơi này bị dẹp bỏ, chúng lại nghĩ ra những trò chơi khác thú vị hơn, để cuộc sống luôn tươi mới và giàu có, như ước ao của mọi trẻ em.

Đối với những đứa trẻ, mọi thứ trong cuộc sống đều trở thành một trò chơi đầy thú vị. Trong Mắt biếc, hai nhân vật Ngạn và Hà Lan đã từng vô cùng hào hứng với những trò bắt nhái hay bưng nước cho thầy cô. Dưới đôi mắt của chúng, những việc làm ấy trở nên thật thú vị, và chúng làm với tất cả lòng nhiệt thành, say mê. Những ngày được đi bắt nhái cho thầy Cải là "những ngày hội thực sự" với lũ trẻ: "Từng đám học trò chạy túa ra đồng, vừa chạy vừa hò hét inh tai, và sau một hồi bì bõm sục sạo dưới ruộng nước, quần áo và mặt mày chúng tôi nhem nhuốc còn hơn cả những thợ cấy trong làng" [7; 37]. Lấy nước cho cô Thung cũng là một niềm vui lạ kì: "Bao giờ đi lấy nước cho cô Thung, chúng tôi cũng chạy vắt giò lên cổ, không làm sao kềm lại được. Bởi vì, với một niềm vui rộng lớn trong lòng, làm sao tôi và Hà Lan hoặc một đứa trẻ nào khác có thể đi khoan thai, chậm rãi, làm ra vẻ không có chuyện gì xảy ra" [7; 39]. Với những đứa trẻ, đôi khi những việc làm thường nhật lại được chúng đón nhận với tất cả niềm vui sướng, sự háo hức và sự hãnh diện vô cùng.

Trẻ thơ biến tất cả trở thành trò chơi, kể cả việc học. Cu Mùi trong

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ đã từng chơi trò trở thành trò ngoan để chứng

minh cho ba mẹ thấy "làm ba mẹ hài lòng là việc vô cùng đơn giản mà bất cứ đứa trẻ nào nếu muốn cũng đều làm được" [13; 121]. Cậu bé cu Mùi bỗng nhiên trở nên chăm chỉ lạ thường, liên tục được điểm mười trong sự thán phục của bạn bè, sự ngỡ ngàng của cô giáo và vui mừng của ba mẹ. Nhưng sự vui thích với việc học của cậu không kéo dài được lâu vì "Nếu ngày nào tôi cũng thuộc bài vanh vách, cũng kiếm được những điểm mười một cách dễ dàng thì cuộc đời tôi lại rơi vào một sự đơn điệu mới" [13; 128]. Việc trở thành trò ngoan đối với cu Mùi là một trò chơi nên nó không còn thú vị khi chỉ còn là sự lặp lại tẻ nhạt. Như thế, mọi thứ dưới con mắt trẻ thơ đều có thể trở thành những trò chơi vô cùng thú vị đối với chúng.

Theo dòng chảy hồi ức, những trò chơi của trẻ thơ được thể hiện dưới nhiều góc cạnh, lung linh, dí dỏm nhưng cũng hòa trộn nhiều khoảnh khắc lắng sâu. Trong niềm vui của con trẻ có thể tìm thấy bài học dành cho cả người trưởng thành. Trẻ thơ đã tạo dựng nên một thế giới diệu kì, chất chứa biết bao niềm vui, giận hờn, bao mong muốn, ý thích mà chúng không thể thực hiện ở thế giới của người lớn. Với những trò chơi ấy, chúng cùng nhau sẻ chia và cùng nhau lớn lên với tấm lòng yêu thương và trách nhiệm.

Một phần của tài liệu HỒI ỨC TRONG TRUYỆN CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH (Trang 46 - 51)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(103 trang)
w