Sự dung hòa điểm nhìn trẻ thơ – người lớn

Một phần của tài liệu HỒI ỨC TRONG TRUYỆN CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH (Trang 82)

NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN HỒI ỨC TRONG TRUYỆN NGUYỄN NHẬT ÁNH

3.1.3.Sự dung hòa điểm nhìn trẻ thơ – người lớn

Các sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh được cả độc giả nhỏ tuổi và lớn tuổi đón nhận. Mỗi lớp độc giả ở từng lứa tuổi lại tìm thấy cho mình một tầm đón nhận phù hợp. Đó là bởi sự hồn nhiên và sâu sắc cùng hòa quyện trong từng tác phẩm được tạo nên từ việc dung hòa giữa hai điểm nhìn trẻ thơ và người lớn. Sự dung hòa này trong một chừng mực nào đó, khiến cho truyện của Nguyễn Nhật Ánh vượt ra ngoài biên độ của văn học thiếu nhi.

Điểm nhìn trẻ thơ và điểm nhìn người lớn được đan cài một cách linh hoạt và hợp lí trong từng tác phẩm, đem lại những hiệu quả nhất định trong thể hiện ý đồ của tác giả. Lí do để nhà văn kết hợp hai điểm nhìn này xuất phát từ những khó khăn trong tâm thế của một nhà văn kể chuyện cho thiếu nhi. Khi so sánh những sáng tác cho thiếu nhi của những nhà văn thuộc thế

hệ lớn tuổi và những sáng tác thuần trẻ thơ của những nghệ sĩ – trẻ em như Trần Đăng Khoa, có thể thấy được những khoảng cách khá xa trong cảm nhận cuộc sống xung quanh của hai kiểu tác giả này. Dưới đôi mắt của trẻ thơ, sự việc trời sắp mưa (Mưa), cái chết của một con giun (Đám ma bác

giun)… bỗng trở nên thú vị, bất ngờ vừa sống động, có hồn, vừa thân

thương và trong sáng vô ngần. Nó khác với hình ảnh chú bò tìm bạn trong bài thơ của Phạm Hổ, hay về mầm non của Võ Quảng – những bài thơ tác giả đặt mình dưới góc nhìn của trẻ thơ. Trẻ thơ vẫn luôn có những lí giải riêng mà người lớn không thể ngờ tới, dù cố đặt mình vào vị trí của chúng. Tuổi nhỏ có thứ quan năng tuyệt diệu mà thượng đế ban tặng. Viết truyện cho thiếu nhi, nhà văn cần có quan năng ấy, thứ quan năng vô cùng mong manh nhưng rất đỗi diệu kì mà hầu hết người lớn thường đánh mất. Sự cố gắng hóa thân quá mức trở thành trẻ thơ đôi khi sẽ thiếu tự nhiên và trở thành gượng ép. Sáng tác cho thiếu nhi vẫn luôn là một vùng đất kén người gieo trồng, chỉ có những người thực sự có tấm lòng với nghề viết, với trẻ thơ mới có thể làm những loài hoa đẹp nở hoa. Nguyễn Nhật Ánh dường như hiểu được khó khăn giữa việc là trẻ thơ và cố gắng hóa thân thành trẻ thơ ấy. Bởi thế, nhà văn lựa chọn là người kể chuyện cho thiếu nhi theo cách riêng. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa điểm nhìn trẻ thơ và người lớn. Nhà văn vẫn nhìn thế giới dưới đôi mắt trẻ thơ nhưng không xóa mờ đi hình ảnh của người lớn trong các tác phẩm của ông. Người đọc thấy trong những câu chuyện một đôi mắt non xanh nhìn cuộc đời nhưng cũng thấy cả nụ cười trìu mến của một người lớn từng trải mang trái tim bao dung. Nguyễn Nhật Ánh chỉ đơn giản kể cho các em nghe những câu chuyện được viết nên từ kí ức và hoài nhớ.

Trong nhiều tác phẩm, người kể chuyện trong đó đồng thời cũng là nhân vật chính "tôi" kể lại thời nên thiếu của mình. Điểm nhìn về quá khứ có sự pha trộn, đan xen cả sự cảm nhận của "tôi" hiện tại. Trong nhiều

phẩm như: Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Mắt biếc, Lá nằm trong lá… nhà văn lựa chọn người kể chuyện đồng thời là nhân vật, ngược thời gian kể lại câu chuyện tuổi thơ của chính mình. Ở đây tồn tại hai thực thể "tôi" hiện tại và "tôi" quá khứ - một cái tôi hiện diện và một cái tôi được tạo dựng từ hồi ức. Thái Phan Vàng Anh cũng từng nhận xét về ngôi kể và tính chất hồi ức trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh qua người kể chuyện: "Trong truyện Nguyễn Nhật Ánh, người kể chuyện hoặc là tác giả ẩn tàng (kể chuyện từ ngôi thứ ba), hoặc là tác giả hiển thị (một người kể chuyện trong vai nhà văn, xưng tôi) – đều là hình tượng của chính tác giả Nguyễn Nhật Ánh. Đặc biệt, nhà văn thường chọn cách kể từ ngôi thứ nhất- người kể chuyện “tôi”, khiến cho truyện Nguyễn Nhật Ánh có tính chất hồi ức [1; 61]. Chủ thể của hồi ức là người đã đi qua quá khứ, giờ tìm lại hồi ức. Quá trình này là quá trình tạo dựng hồi ức thông qua chủ quan riêng của con người trong thực tại. Chủ thể của hồi ức – chủ thể hiện tại, trong vai trò kể lại đứng cao hơn, hay có cái nhìn rộng hơn so với chủ thể của quá khứ. Tất cả những gì xảy ra trong quá khứ, nhất là thuở ấu thơ ngây dại, được nhìn với một đôi mắt bao dung, hồn hậu của chính chủ thể hiện tại. Đó có thể là cách cảm nhận của một người đã trưởng thành (Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Mắt biếc…) hoặc của một cậu con trai mới lớn (Cô gái đến từ hôm qua, Lá nằm trong lá),… Dưới điểm nhìn dung hòa giữa trẻ thơ và người lớn, hồi ức về một thời thơ dại có sự đan cài của hiện tại tạo nên một chuỗi đối sánh không tách rời. gái đến từ hôm qua là cảm xúc của nhân vật tôi – cậu chàng đang ở tuổi

mới lớn, hoài nhớ về quá khứ bằng những "chiến công" với cô bé hàng xóm cùng tình cảm hiện tại với Việt An. Người đọc có thể thấy trong đó hình ảnh của tôi của quá khứ "oai hùng", "Hồi nhỏ tôi ngon lành hơn bây giờ

nhiều… Chính vì vậy mà thỉnh thoảng tôi ngồi mơ màng hồi tưởng lại cái thời huy hoàng xa xửa xa xưa với nỗi thèm muốn và ganh tị không giấu giếm"(Chương 1), và sự nhớ tiếc trong thực tại. Tôi trong quá khứ dại khờ,

tinh nghịch nhưng "ngon lành" hơn so với hiện tại. Hồi ức được tạo dựng lại có sự tự hào nhưng xen lẫn cả sự ganh tị một cách hồn nhiên, không có chút ác ý của tuổi nhỏ. Quá khứ và hiện tại liên tục được đan xen, soi chiếu từ nhiều góc cạnh tạo nên những so sánh hài hước, thú vị giữa tôi của quá khứ và hiện tại. Với Lá nằm trong lá, tuổi thơ đôi khi là sự ám ảnh trở đi trở lại như một nỗi hoài niệm miên man không dứt. Hồi ức đôi khi chỉ là một sự liên tưởng bắt đầu từ hiện tại như hình ảnh của người mẹ vào hồi năm lớp chín đi tìm nhân vật "tôi" giữa trưa nắng hè xuất hiện trong những giấc mơ về thời niên thiếu, nhưng lại là duyên cớ để thi sĩ Cỏ Phong Sương kể về bao mối tình cuối cấp và những thi sĩ của nhóm Mặt trời đêm.

Trẻ thơ luôn tạo dựng được thế giới riêng theo cách nhìn riêng của chúng. Thông qua điểm nhìn trẻ thơ Nguyễn Nhật Ánh đã cho thấy độ chênh đầy lí thú giữa suy nghĩ trẻ thơ và suy nghĩ của người lớn. Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là một hoài vọng về hồi ức - hoài vọng được tìm lại

tuổi thơ. Đây là câu chuyện của một người lớn kể về tuổi thơ của mình. Giữa người kể chuyện hôm nay đã là một nhà văn đứng tuổi và nhân vật tôi của thuở ấy tinh nghịch, dại khờ là một khoảng cách dài. Người kể chuyện đã đem về quả cầu pha lê tuổi thơ từ dòng sông kí ức, cho người đọc thấy cả thế giới diệu kì qua lăng kính trong veo của hoài niệm và nụ cười trìu mến của một người lớn bao dung. Ngược thời gian theo chuyến tàu tuổi thơ, cả thế giới của cu Mùi cùng chúng bạn hiện ra với bao trò tinh quái từ ăn trong thau, đặt lại tên cho thế giới, đi tìm kho báu… Cái nhìn trẻ thơ đã khiến kỉ niệm thuở nhỏ qua lời kể của một người lớn trở nên tinh nghịch và đáng yêu. Mọi điều trong cuộc sống đều trở nên thú vị vị hơn dưới đôi mắt của trẻ thơ hay nói đúng hơn là chúng luôn làm cho thế giới không còn nhàm chán. Chương đầu tiên với tên "tóm lại là đã hết một ngày" cùng bao sự đơn điệu tẻ nhạt với cậu bé tám tuổi, vì đã biết trước một ngày đó diễn ra như thế nào, từ việc uể oải ăn đồ ăn bổ dưỡng cho sức khỏe của mẹ, chạy tăng tốc đến trường hay là giấc ngủ trưa nhàm chán cùng ba. Các chương tiếp

theo là cả nỗ lực đổi thay thế giới của cu Mùi và các bạn, với trò đóng vai bố mẹ trong chương hai hay đặt tên cho thế giới ở chương ba. Tất cả mọi việc đều được đảo ngược, như thể quả táo Newton không rơi về phía mặt đất mà bay về phía những đám mây vậy. Phần đúng luôn thuộc về lũ trẻ trong thế giới riêng của chúng, khi là con ngoan thì phải đánh lộn, trèo cây, tắm sông, trong bảng cửu chương hai nhân bốn không phải là tám… Những điều thú vị ấy chỉ có thể trông thấy qua con mắt của trẻ thơ – người luôn muốn cuộc sống không đơn điệu và khuôn sáo. Tuổi thơ là một chuỗi của những niềm vui từ bao trò chơi thú vị. Ngược thời gian tìm về hồi ức tuổi thơ, người kể chuyện dẫn dắt người đọc qua thế giới lạ lùng, thú vị nhưng cũng rất có lí (theo kiểu con trẻ). Tuy kể chuyện với tâm thế của một người lớn, song câu chuyện hồn nhiên, vô tư trong sáng đến diệu kì. Nó như được tắm mát từ dòng sông của hoài niệm, lấp lánh những ước mơ và những khát vọng thơ ngây. Chỉ có thể thông qua điểm nhìn trẻ thơ, nhà văn mới có thể tạo dựng nên một hồi ức tuổi thơ đẹp diệu kì đến thế trên trang sách.

Tính chất dung hòa của hai điểm nhìn, đã tạo nên sự pha trộn trong hồi ức nét hồn nhiên của trẻ thơ và sự sâu sắc của trái tim bao dung. Dõi theo sau những hành động dại khờ và ngây thơ của nhân vật trong quá khứ là ánh nhìn của người lớn vị tha trong hiện tại. Hai tính chất hồn nhiên và sâu sắc đó đan quyện một cách tự nhiên và tạo nên một tổng thể hài hòa trong tác phẩm.

Sự trong trẻo và đẹp đẽ của tuổi thơ được soi chiếu từ lăng kính muôn màu của đôi mắt trẻ thơ và trái tim của một người lớn từng trải. Những câu chuyện được vẽ nên từ hồi ức như thế vẫn trong sáng lung linh song lại có được chiều sâu của xúc cảm. Nhà văn từ điểm nhìn có sự dung hòa ấy kể cho các em về thế giới được tắm mát trong thứ nước diệu kì của dòng sông tuổi thơ, thứ nước gột rửa cho con người hiện tại những bụi bặm đời thường, những ưu tư sầu não, để lại tìm thấy trong ta một con người trong thuở ngây thơ, thuần khiết.

Điểm nhìn có sự dung hòa giữa điểm nhìn trẻ thơ và người lớn đã tạo nên một hiệu ứng kép trong cái nhìn về sự việc. Đó là sự hồn nhiên ngây thơ của nhân vật trong quá khứ, trong tuổi thần tiên ngây dại một đi không trở lại và một cái nhìn sâu sắc và bao dung của cái tôi trong thực tại. Hồi ức tuổi thơ được hiện diện với sự đa sắc vừa trong trẻo hồn nhiên vừa đủ chín chắn và sâu sắc. Không phải ngẫu nhiên tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh chinh phục được cả độc giả trẻ em và người lớn. Người lớn tìm thấy tuổi thơ đã qua, còn trẻ em được thấy chính mình, bởi câu chuyện tuổi thơ hồn nhiên được nhìn bởi đôi mắt trong trẻo và trái tim yêu thương.

Một phần của tài liệu HỒI ỨC TRONG TRUYỆN CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH (Trang 82)