Quan niệm sáng tác cho thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh

Một phần của tài liệu HỒI ỨC TRONG TRUYỆN CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH (Trang 39)

Nguyễn Nhật Ánh bắt đầu cầm bút khi nền văn học nước nhà đang trên đà đổi mới cả về tư duy sáng tác cũng như phương thức thể hiện. Các tác phẩm từ cảm hứng lịch sử dần chuyển sang cái nhìn thế sự, đời tư. Văn học thiếu nhi cũng không nằm ngoài quỹ đạo ấy. Trước yêu cầu của thời đại, Nguyễn Nhật Ánh cũng như các nhà văn viết cho thiếu nhi khác đều trăn trở đi tìm cho mình một nguyên lý sáng tác, một quan niệm về sáng tạovăn chương. Quan niệm ấy sẽ chi phối mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống tác

phẩm, làm nên một Nguyễn Nhật Ánh – “hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ” (Lê Minh Quốc).

Mỗi nhà văn chuyên nghiệp đều gắn lấy một sứ mệnh riêng của mình. Viết cho độc giả nhỏ tuổi, Nguyễn Nhật Ánh quan niệm nhà văn “là

trụ đỡ tinh thần cho các em”. Những năm 80 của thế kỉ XX, sách khiêu

dâm chép tay như nạn dịch lây lan đe dọa những tâm hồn trong trẻo của trẻ thơ và cho đến nay, những nguy hại của “văn hóa đen” vẫn đang rình rập ở lứa tuổi học đường. Trong bối cảnh đó, truyện nguyễn Nhật Ánh đã kéo người đọc đến với văn chương đích thực, lành mạnh và trong sáng đúng với lứa tuổi hồn nhiên. Nhà văn “trở thành lá chắn cho tâm hồn học trò” (Đỗ Trung Quân) [91], đưa đến tiếng cười dí dỏm, nghịch ngợm để các em yên tâm mà vui sống. Thiên chức của nhà văn gắn bó chặt chẽ với chức năng của văn học: “Tôi tin điểm mạnh của văn chương nằm ở khả năng thẩm thấu. Bằng hình thức đặc thù của mình, văn chương góp phần mài sắc các ý niệm đạo đức nơi người đọc một cách vô hình. Được nuôi dưỡng bởi văn chương chân chính, trẻ em lớn lên sẽ biết yêu thương đồng bào, đồng loại, biết dị ứng và chống lại cái xấu, cái ác, biết yêu tự do... Bồi đắp tâm hồn và nhân cách một cách âm thầm và bền bỉ là chức năng gốc rễ của văn chương, đặc biệt là văn chương viết cho thanh thiếu niên” [dẫn theo 72].

Thực chất của quan niệm này hướng đến chức năng giáo dục của văn học thiếu nhi: “Người viết cho thiếu nhi cũng đồng thời là một nhà giáo muốn các em trở nên tốt đẹp. Quan điểm sư phạm và văn học thiếu nhi là hai anh em sinh đôi”. Tác phẩm văn học viết cho trẻ thơ “bao giờ cũng quán triệt vấn đề xây dựng đức tính con người... một tác phẩm chân chính có giá trị đối với tuổi thơ là một tác phẩm tham dự mạnh mẽ vào sự nghiệp nên người của bạn đọc ấy” [60; 331]. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã viết: “Văn học thiếu nhi rất quan trọng và không thể thiếu. Mỗi tác phẩm có giá trị được ví như một người thầy không những bồi dưỡng tâm hồn mà còn định hướng

cho các em”. Thống nhất với những ý kiến trên, Nguyễn Nhật Ánh cho rằng: “Là một nhà văn chuyên tâm viết cho thanh thiếu niên, tôi nghĩ công việc của tôi là giúp cho các bạn đọc trẻ giàu có cảm xúc hơn, qua đó sống tốt hơn” [dẫn theo Hiện tượng NNA]. Tác giả đưa trẻ thơ vào thế giới kì diệu của chứ nghĩa và sự tưởng tượng, bồi đắp tâm hồn thơ ngây, thuần phác của các em để khi lớn lên, giã từ sân ga tuổi nhỏ, các em sẽ có cái nhìn điềm tĩnh hơn vào cuộc sống, nuôi dưỡng những tình cảm thiêng liêng, cao quý của con người.

“Nhà văn viết cho thiếu nhi bao giờ cũng đồng thời là một nhà giáo dục” nhưng làm thế nào để thực hiện vai trò giáo dục ấy thì không đơn giản. Để thành công, “nhà văn viết cho thiếu nhi phải là nhà giáo dục bẩm sinh. Tính giáo dục trong tác phẩm nếu được thấm nhuần bởi trái tim thì sẽ tránh được sự gượng gạo so với khi nó bị áp đặt bởi lí trí” [40; 10]. Trong suốt hành trình sáng tác cho thiếu nhi, Nguyễn Nhật Ánh “viết hồn nhiên như cậu học trò ngồi viết truyện đời mình”. Không định trở thành người hướng dẫn, dạy dỗ tuổi nhỏ bằng những lời giáo huấn nặng nề, anh là người bạn tâm tình của trẻ thơ, kể cho các em nghe những câu chuyện của tâm hồn. Xuất phát từ tính cách hóm hỉnh và quan niệm về cuộc đời, trong các tác phẩm, Nguyễn Nhật Ánh không nhấn mạnh đến bi kịch tâm hồn hay quan niệm Thiện – Ác mà đưa tiếng cười trong trẻo, dí dỏm, hồn nhiên vào mỗi trang sách, giúp các em yên tâm vui sống bởi “cành đắng không nhất thiết phải ra trái đắng”. Nhà văn “luôn muốn truyền cho các em lòng tin vào cuộc sống và nghị lực vượt mọi khó khăn” [Vân Thanh].

Truyện của Nguyễn Nhật Ánh luôn là “những phản quang của kỉ niệm”. Theo tác giả, tác phẩm “được hình thành từ ba nguồn: kí ức, sự quan

sát và óc tưởng tượng. Tuy nhiên, với một nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi, sự huy động kí ức được xem là chủ yếu” [40; 8]. Chất liệu trong sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống nhưng là hiện

thực đã đi vào kí ức, trở thành những trải nghiệm khó quên trong cuộc đời tác giả: “Tôi biến hóa những kỉ niệm vào trang viết. Mỗi người trong cuộ đời đều có những vui buồn sướng khổ. Sống tận cùng đến tất cả những cảm xúc của mình là chất liệu cho nhà văn” [27]. Anh viết về thiếu nhi như lật giở kí ức của chính mình. Với ý nghĩa đó, hồi ức tuổi thơ và tuổi mới lớn có vai trò như cánh cửa mở ra thế giới truyện Nguyễn Nhật Ánh.

Nhiều tác phẩm của nhà văn đất Quảng có cốt truyện hoàn toàn hư cấu, nhân vật đa phần là sản phẩm của tưởng tượng như: Thằng quỷ nhỏ,

Nữ sinh, Bồ câu không đưa thư, Buổi chiều Windows, Phòng trọ ba người, Chú bé rắc rối, Bàn có năm chỗ ngồi, Thiên thần nhỏ của tôi, Bong bóng lên trời... Dù mang tính hư cấu nhưng những tác phẩm này không phải không chứa đựng những kỉ niệm của tác giả. Quỳnh trong Thằng quỷ nhỏ phảng phất bóng hình tác giả trong những ngày tháng vất vả của cuộc đời có lúc phải đi đẩy xe. Khu vườn với chiếc giếng phủ rêu trong Thiên thần

nhỏ của tôi như bước ra từ tuổi thơ người viết. Rồi Buổi chiều Windows

chứa đựng kỉ niệm của nhà văn về ngày đầu làm quen với máy tính... “Ở đây, không thiếu những tình tiết, những mẩu đối thọai được "bóc ra" từ cuộc đời thực. Nếu không có những điểm xuyết quan trọng này, sức tưởng tượng của người viết dù có phong phú đến đâu, những trang sách cũng dễ dàng rơi vào chỗ gượng ép, giả tạo và những độc giả hồn nhiên sẽ nhanh chóng phát hiện ra ngay” [2; 179-180].

Nhiều tác phẩm như Mắt biếc, Hoa hồng xứ khác, Còn chút gì để

nhớ, Hạ đỏ, Đi qua hoa cúc... là những ngọn nến được thắp lên từ hồi ức

xưa cũ, tái hiện một đoạn đời của tác giả. Mắt biếc tái hiện những kỉ niệm của Nguyễn Nhật Ánh về làng Đo Đo. Còn chút gì để nhớ viết về thời kỳ nhà văn khăn gói vào Sài Gòn thi đại học... “Bao giờ đọc lại những tác phẩm này, lòng tôi (Nguyễn Nhật Ánh) cũng bùi ngùi vô hạn. Nỗi bâng khuân này cũng giống hệt như một sớm mai nào nắng mới, mẹ ta sọan hòm

quần áo cũ đem phơi, ta chợt bắt gặp chiếc áo mặc cách đây năm, bảy năm về trước. Chiếc áo bây giờ không mặc được nữa, vải đã cũ sờn mà sao chỉ vừa nghe thoang thỏang mùi long não, lòng ta đã vội rưng rưng!” [2; 180]. Lấy hồi ức làm điểm tựa, xuyên suốt nhiều thiên truyện là hình ảnh nhân vật “tôi” mang bóng hình tác giả. “Đó là chú bé đa cảm, mơ mộng, thiên về sách vở hơn hoạt động thực tiễn, rất nghịch ngợm giữa bạn bè cùng giới mà lại nhút nhát trước bạn gái và thường cam chịu những thiệt thòi ... Nhân vật này được Nguyễn Nhật Ánh huy động cả kí ức, tình yêu quê hương và cả sức ám ảnh của kỉ niệm để thể hiện” [102; 28].

Hình ảnh làng quê trong các tác phẩm được tái hiện từ nỗi hoài nhớ cố hương. Tác giả đã từng trải lòng: “Tôi nhớ ngôi chợ đêm lấp lánh ánh đèn, nhớ những đoàn xiếc lưu diễn thỉnh thoảng vẫn đến làng tôi và làm bọn trẻ con chúng tôi kiếp vía với những con trăn lớn quấn quanh cổ bọn người bán dạo. Tôi nhớ những cái giếng trên con đường cuối chợ ba tôi vẫn dẫn tôi đi tắm vào những đêm trăng sáng trên đường làng” [22; 22-23]. Quê nhà đã xa luôn trở đi trở lại như nỗi niềm day dứt, trăn trở khôn nguôi. Nhà văn “thỏa nỗi nhớ quê của mình theo cách của những người hành nghề bằng con chữ. Những kỉ niệm, những vùng đất, những gương mặt bạn bè ấu thơ thi nhau hiện lên trong hết cuốn sách này đến cuốn sách khác” [22; 24]. Nguyễn Nhật Ánh “viết về Bình Quế trong Mắt biếc, Bình Tú trong Đi qua hoa cúc, Bình Trung trong Hạ đỏ và... Tam Kỳ trong Hoa hồng xứ khác” [2; 180].

Những nhân vật trong truyện Nguyễn Nhật Ánh như bước ra từ kỉ niệm của nhà văn. Con người trong tác phẩm được tái hiện qua lăng kính của người nghệ sĩ nên không hoàn toàn trùng khít với ngoài đời. Nhân vật Ngữ, Nghị, Hòa lé, "giáo sư" Bá và Khoa mang dáng dấp của bạn bè Nguyễn Nhật Ánh cùng học 11C Trần Cao Vân niên khóa 1971-1972: Tôn Thất Cẩm, Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Văn Dũng, Lâm Hòa và dĩ nhiên cả nhà văn. Ngôi nhà trong truyện đúng như ngôi nhà của Tôn Thất Cẩm mà

tác giả còn nhớ được về thời kì học trọ. Tuy nhiên, khi bước vào tác phẩm, những nhân vật đó đã được “định dạng” lại để phù hợp với ý đồ sáng tạo của nhà văn. Lâm Hòa không biết hát, cũng không lé. Nhưng nhân vật Hòa lé trong truyện lại hát rất hay. Nguyễn Thanh Hải khi biến thành "giáo sư" Bá đã bị buộc mang thêm một đôi kiếng cận mà thực ra hắn không có. Nguyễn Văn Dũng hồi đó đã làm thơ hay, khi bị bắt lính ký bút hiệu Ngữ Luân đăng thơ ở Văn và Tuổi Ngọc nhưng chưa bao giờ vứt bài của Nguyễn Nhật Ánh như tay chủ bút Ngữ hắc ám trong Hoa hồng xứ khác...

Quan niệm hồi ức là chất liệu sáng tác văn học khiến tác phẩm trở nên gần gũi với bạn đọc. Viết cho độc giả từ chính câu chuyện tuổi thơ, nhà văn không phải là người đứng ngoài xa lạ mà trở thành người “nhập cuộc”, hòa trong thế giới kì diệu của trẻ thơ. Nhưng bên cạnh đó, viết cho tuổi mới lớn, trong khi “trạng thái tinh thần ở lứa tuổi thiếu niên đòi hỏi được thể hiện ở nhiều cung bậc, sắc thái, mà Nguyễn Nhật Ánh thì còn tựa quá nhiều vào quá khứ. Qua màn sương hoài niệm, những mối tình mới chớm đều buồn, dở dang và gắn liền với một nhân dáng” [102; 28].

Với quan niệm về thiên chức của nhà văn và chất liệu hồi ức trong sáng tạo nghệ thuật, Nguyễn Nhật Ánh đã sáng tạo nên cả một thế giới ngập tràn thanh âm và màu sắc, với nhiều cung bậc tình cảm của tuổi hồn nhiên và tuổi mới lớn. Quan niệm sáng tác của nhà văn không hẳn là mới mẻ song phù hợp đối tượng cảm thụ là độc giả nhỏ tuổi và cả những người đã trưởng thành mong muốn có “một chiếc vé” trở về với sân ga tuổi thơ.

Hồi ức – sự trở về với quá khứ trong hoài nhớ trở thành chất liệu cho sáng tạo văn học. Hồi ức trong truyện viết cho thiếu nhi sau năm 1975 đã thể hiện bước ngoặt chuyển mình của văn học thiếu nhi nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Các tác giả lùi dần khỏi từ trường của sử thi chiến tranh để quay về với đời tư trong những mối quan hệ đa chiều. Hồi ức như sự ngược dòng trở về quá khứ, qua đó mọi khía cạnh muôn mặt của cuộc

sống hiện lên sắc nét, chân thực. Nhân vật được đặt trong những mối quan hệ đa dạng, phức tạp của cuộc sống đời thường khiến chân dung con người được nhìn nhận, soi chiếu từ nhiều góc độ, làm phong phú đời sống nội tâm, tính cách trẻ thơ. Mục đích của hồi ức không chỉ làm sống dậy quá khứ đã xa xôi mà quan trọng hơn, là cuộc hành trình tìm về bản thể, chiêm nghiệm, suy tư về con người và cuộc đời. Thuộc dòng chảy của văn học thiếu nhi sau năm 1975, những sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh cũng chất chứa những hồi ức về những năm tháng đã xa. Tìm hiểu truyện Nguyễn Nhật Ánh, chúng tôi xuất phát từ yếu tố tiểu sử và quan niệm văn chương như một trong những căn cứ để lí giải cho những hồi ức trong tác phẩm viết về tuổi thơ và tuổi mới lớn của nhà văn.

Chương 2

Một phần của tài liệu HỒI ỨC TRONG TRUYỆN CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH (Trang 39)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(103 trang)
w