Hồi ức về những năm tháng ấu thơ không thể thiếu vắng kỉ niệm về ngôi trường. Sau gia đình, trường học là ngôi nhà thứ hai nơi trẻ em gắn bó nhiều nhất, là nơi hình thành các mối quan hệ xã hội đầu tiên của cuộc đời. Theo dòng chảy hoài niệm của người kể, hình ảnh ngôi trường được khắc tạc chân thực, gần gũi, giản dị và đơn sơ. Đó có thể là ngôi trường nằm bên con đường nhựa, đối diện với trường dạy nghề dệt của Minh trong Dòng
sông thơ ấu; là ngôi trường có vách đất, mái lợp lá gồi mà thầy trò phải đổ
gian không thể xóa đi mọi ấn tượng về ngôi trường mà các em từng gắn bó, quen thuộc.
Trong kí ức xưa cũ của Bê (Hành trình ngày thơ ấu), ngôi trường luôn rực rỡ sắc màu: sắc xanh của cỏ, sắc vàng hoa kim phượng và sắc đỏ phượng vĩ, những con chuồn chuồn óng ánh lượn trên khung trời lơ và những váy áo lụa xanh, lụa hồng, những chiếc mũ dán giấy tráng kim lấp lánh dưới ánh đèn liên hoan... Đó là cả thế giới mà dưới cái nhìn trẻ thơ, cái bàn bóng một bên vênh, một bên có khe nứt hay phòng thí nghiệm với dãy chai lọ hình thù lạ lẫm cũng trở thành thế giới kì thú, hấp dẫn. Hồi ức chảy trôi từ quá khứ đến hiện tại, để sau bao năm trở về thăm trường, Bê - cô gái đã trưởng thành vẫn thấy: “Những tán kim phượng hoe vàng cũng như những bông phượng vĩ đỏ có nhụy mà chúng tôi thường chơi chọi gà nở rung rinh trên đầu tôi. Chúng là bông hoa của dĩ vãng. Một dĩ vãng không thể nào phai nhạt”. Tình cảm gắn bó với ngôi trường là tình cảm nguyên sơ đẹp của tuổi học trò. Kỉ niệm cùng niềm mến yêu đan cài nhau khiến hình ảnh ngôi trường bỗng lung linh tươi sáng trong kí ức.
Theo quy luật của trí nhớ, những gì gần gũi hoặc ấn tượng với chủ thể sẽ in sâu vào tâm trí. Với ý nghĩa là không gian nghệ thuật, ngôi trường là nơi chốn quen thuộc, gần gũi để tác giả đặt vào đó các kỉ niệm của tuổi thơ. Ngôi trường, ngoài ý nghĩa là nơi để học tập kiến thức, đối với các tác giả, còn là nơi chốn bình yên để kiếm tìm khát vọng và những tình cảm cao quý, thiêng liêng.
Trong Dòng sông thơ ấu, kí ức về trường học rất ngắn ngủi so với những dằng dặc hoài nhớ về đất và người Nam Bộ nhưng lại là những trang văn xúc động về những người thầy thắp sáng ngọn lửa yêu nước, truyền thống cách mạng kiên cường. Giáo dục không đến từ những triết lí khô khan mà từ tấm lòng của những người thầy tâm huyết. Những lời dạy ngoài sách vở của thầy Hưng, những bài hát dạy cho học trò của thầy Ngọc đã nhen lên tinh thần yêu nước trong tâm hồn non nớt của các em. Nó “như một hạt giống gieo
xuống, nảy mầm, thành gốc, thành rễ sâu xa trong trí não”, để thế hệ trẻ vùng sông nước lựa chọn tiếp nước con đường cách mạng.
Ngôi trường còn là nơi chốn bình yên bao bọc trẻ thơ trong bầu khí quyển của tình yêu thương. Dù vất vả, gian khổ nhưng những ngày tháng sống dưới mái trường đã xóa đi mặc cảm gánh nặng trong tâm hồn non nớt của Thiện: “Ăn uống kham khổ, ở chật chội, đèn đóm tù mù, nói chung mọi thứ đều kém xa Hà Nội nhưng tôi thấy thanh thản vô cùng”. Mái trường thành ngôi nhà thứ hai và những người thầy, người bạn là những người thân thiết ruột thịt. Các nhân vật đều mang một trái tim yêu thương với bạn bè, thầy cô, sống với nhau bằng tấm chân tình giản dị, sẻ chia, không có sự dối trá, lọc lừa. Anh Nhu giống như người anh cả luôn chăm lo cho Thiện từ chuyện học hành, ăn uống đến ngủ nghỉ... Bảo vừa là người bạn, vừa là người anh luôn bênh vực cậu học trò nghèo (Dòng sông thơ ấu). Thầy Thế không chỉ là giáo viên chủ nhiệm mà còn là người bố hiền hậu, công bằng. Cậu bé Ly ốm yếu sẵn sàng nhận lỗi để Bê được tiếp tục đi học... (Hành trình ngày thơ ấu). Dưới mái trường thân yêu, các em lớn lên trong sự đùm
bọc, sẻ chia và cũng là người trao đi yêu thương, kính trọng thầy cô, yêu mến bạn bè. Thế giới ấy không có những toan tính phức tạp của người lớn mà sâu đậm tình người.
Hồi ức về những ngày đến trường có khi được đong đếm bằng nỗi vất vả, cực nhọc vốn không có đáng có ở lứa tuổi hồn nhiên. Thấm đượm màu sắc, âm điệu vùng cao, tác phẩm Đường về với mẹ chữ được nhà văn Vi Hồng kể từ kí ức sâu thẳm về những ngày gian nan, vất vả đến trường. Trong nếp nghĩ của người Tày, những gì quý giá, sinh sôi nẩy nở được gọi là mẹ (mẹ đá, mẹ nước). Nhà trường, nơi sinh nở chữ nghĩa kiến thức cũng là mẹ. “Mẹ chữ” Lương Ngọc Quyến - trường cấp ba đầu tiên của Thái Nguyên đã nuôi dưỡng khát vọng tri thức, hiểu biết cháy bỏng của những học sinh vùng núi rừng Cao Bằng: “Nghèo chữ hồn lắt lay như đèn trước
gió/ Người giỏi chữ rộng đường suy nghĩ”. Nhờ khát vọng ấy, các em có thể vượt qua chặng đường gian khổ đi bộ mấy ngày đêm xuyên những cánh rừng rậm hoang sơ với bao hiểm nguy rình rập. Những lần đối đầu với hổ dữ, rắn rết hay quãng đường xa xôi ngủ đêm ngoài rừng trong miền kí ức giờ đã xa xôi, được kể từ điểm nhìn trẻ thơ vừa chân thực, sinh động, vừa kì lạ như những câu chuyện bí ẩn của núi rừng.
Miền xanh thẳm được xem như hành trình vượt khó vươn lên để đến
trường của nhân vật Thiện cùng bạn bè. Hoàn cảnh nghèo khó khiến con đường học hành để đến với chân trời mơ ước của các em trở thành con đường đầy gian truân, khổ ải. Nhóm học trò nghèo Nhu, Hoàng, Bảo, Thiện đã chung sức làm đủ nghề để kiếm sống, để có tiền theo học tới cùng, từ việc phụ bếp, phụ hồ đến chuyển gạch ngói, tre nứa, xi măng. Thời niên thiếu trong hồi ức thấm nước mắt và ứa máu qua nhiều trang văn. Nhân vật được đặt trong những thử thách, những gian truân của cuộc đời trở thành con người “nếm trải”. Những vất vả từ tuổi ấu thơ, tuổi niên thiếu không thể xóa mờ mà càng làm lấp lánh khát khao học tập chiếm lĩnh tri thức. Trẻ thơ trong hoàn cảnh nào cũng thể hiện nội lực tiềm tàng, khát vọng sống mãnh liệt ẩn chứa tinh thần nhân văn sâu sắc.
Trong sự phức tạp, biến động của cuộc sống, mái trường cũng tồn tại những phân rẽ đối lập giữa tốt – xấu. Hành trình ngày thơ ấu hiện hữu những bóng dáng của người thầy trung thực như thầy Thế nhưng cũng tồn tại những con người mất nhân phẩm, bỉ ổi như thầy Gia, cứng nhắc và bất công như bà hiệu trưởng; có những người bạn trung thực như Bê, Loan, Ly nhưng cũng có người vì sợ hãi mà lừa dối, phản bội niềm tin của bạn bè như Bội. Hiện thực bộn bề từ cuộc đời bước vào trang văn với góc nhìn đa diện, có cả mặt tốt và mặt trái tạo nên những nghĩ suy trong lòng độc giả. Quan niệm truyền thống luôn coi trọng và đòi hỏi sự mực thước tuyệt đối của người thầy. Dương Thu Hương trong Hành trình ngày thơ ấu đã phản
ánh sự thay đổi về quan niệm đạo đức của những người đứng trên bục giảng khi hiện thực cuộc sống đã khác xưa. Điều này được phản ánh rõ nét trong chương 2 khi tác giả có sự phân biệt giữa “người thầy” và “ông thầy”, giữa sự tôn trọng, kính mến những con người hiền hậu với sự khinh ghét thầy giáo mất nhân cách.
Hồi ức trong truyện viết cho thiếu nhi sau năm 1975 có sự hòa trộn giữa hư cấu và phi hư cấu, giữa sự kiện có thật trong cuộc đời tác giả với những chi tiết tưởng tượng tạo nên những trang văn đa sắc, đa âm, vừa trữ tình hoài niệm, vừa triết lí suy tư. Từ những cảm hứng về đất nước, quê hương, gia đình và mái trường, hồi ức mở rộng hơn theo trường liên tưởng của người kể. Nó đánh dấu sự biến đổi đáng kể của tư duy văn học trở về con người cá nhân với những bình diện mới mẻ.