HỒI ỨC VÀ NHỮNG CHỦ ĐỀ CHÍNH TRONG TRUYỆN NGUYỄN NHẬT ÁNH
2.3.2. Hồi ức – Suy tư về những số phận bất hạnh, éo le
Hiện thực trong truyện Nguyễn Nhật Ánh không được tô hồng mà như từ đời thực đi vào trang văn, đôi khi vẫn lưu lại vị mặn của mồ hôi và nước mắt. Nhà văn không ngần ngại điểm xuyết những gam màu xám buồn với những mảnh đời éo le, bất hạnh vào thế giới hồn nhiên, trong sáng của các em. Hiện diện trong nhiều tác phầm là hình ảnh những đứa trẻ sinh trưởng trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu thốn, chịu nhiều thiệt thòi (Bong bóng lên trời, Bàn có năm chỗ ngồi, Thiên thần nhỏ của tôi, Lá nằm
trong lá, Còn chút gì để nhớ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh...).
Hồi ức trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh tái hiện một tuổi thơ lấp lánh sắc màu dí dỏm, vui tươi nhưng cũng đầy xót xa tưởng đã chìm sâu khuất lấp vào lãng quên. Qua đó, bức tranh về kiếp sống con người được nhìn bằng lăng kính tuổi thơ như hiện hữu trước mắt. Đó là câu chuyện về gia đình nhân vật “tôi” nhọc nhằn mưu sinh, người bố phải xa gia đình, lên thành phố kiếm việc, người mẹ theo xe tải đi buôn củi, cốt chỉ để cho mâm cơm trong nhà có thêm phần thịt cho các con. Đó là tình cảnh nhà con Mận: cha nghi bị bệnh phong phải lén mọi người chữa bệnh ở trên gác, mẹ mở tiệm tạp hóa nhưng rồi căn nhà bị cháy rụi... Những kiếp đời nghèo khó, nhọc nhằn kiếm sống qua ngày len cả vào cảm nhận của lứa tuổi vốn không phải lo cơm gáo gạo tiền, vì vậy càng trở nên xót xa, trĩu nặng.
Vì hoàn cảnh khó khăn của gia đình, những đứa trẻ hồn nhiên, vô tư cũng phải chịu nhiều thiệt thòi về vật chất. Tí Hoa chẳng bao giờ được cho tiền tiêu vặt nên ước mơ giản đơn về một cái bánh mì thịt cũng trở nên xa vời (Buổi sáng) hay chiếc áo vàng vào dịp tết lẽ ra may cho em nay phải nhường cho thằng em bé hơn (Bướm vàng bướm đỏ). Không chỉ về vật chất,
các em còn chịu nhiều thiệt thòi về tinh thần, nhất là những đứa trẻ thôn quê. Với chị em Út Thêm và Du, trường học là một ước mơ xa vời. Mùa hè có những bông hoa phượng học trò thật xa lạ. Với chúng, “đó chỉ là mùa nắng cháy trên những cánh đồng khô nẻ chân chim” [26; 132].
Trong Thiên thần nhỏ của tôi, Hồng Hoa – “ngôi sao bé bỏng và bất hạnh của cuộc đời” lại có hoàn cảnh khác. Trước kia, ông ngoại Hoa bị đánh là tư sản nên gia đình bị tịch thu nhà cửa. Dù sau này được minh oan nhưng căn nhà mãi vẫn chưa được trả lại. Hồng Hoa phải sống nhờ bà con, bị anh họ bắt nạt. Với Hồng Hoa, những thiệt thòi về vật chất không xót xa bằng nỗi đau phải xa cách với khu vườn nơi em đã sống những ngày hồn nhiên và vô tư. Cô bé thường lén lút quay về “để say sưa và hồn nhiên đắm mình trong kỉ niệm ấu thơ” [23; 129]: “Nỗi khao khát nhỏ nhoi của em chỉ là được chạy chân trần trên cỏ, được âu yếm vuốt ve một thân cây hay thẫn thờ nhặt trên tay một bông hoa khế rụng” [23; 129]. Nhưng niềm mơ ước nhỏ nhoi ấy chỉ như làn gió thoảng qua rồi biến mất khi chủ mới của ngôi nhà quyết định chặt khu vườn. Và Hồng Hoa trong ngày cuối cùng lén vào vườn đã bị chó béc-giê cắn nát một bên vai. Trong mắt nhân vật “tôi”, hình ảnh Hồng Hoa bị băng bó nằm trên giường bệnh giống như một thiên thần “dẫu là một thiên thần vừa gãy cánh chính trong vườn địa đàng của tuổi thơ em” [23; 130].
Nỗi lo về cuộc sống mưu sinh đôi khi trực tiếp đè nặng lên vai tuổi nhỏ. Các em phải trang trải, phụ giúp gia đình như Hiền (Bàn có năm chỗ
ngồi), Lợi (Lá nằm trong lá), Tài Khôn, Thường (Bong bóng lên trời) hay
tự lập nuôi sống bản thân như Chương (Còn chút gì để nhớ)... Nhân vật đặt trong trong những trải nghiệm, va chạm với cuộc đời. Nỗi nhọc nhằn mưu sinh để lại dấu ấn đậm sâu với nhân vật, tạo nên những cảm thức buồn về thân phận trẻ thơ. Tác phẩm Thằng quỷ nhỏ kết lại trong nỗi băn khoăn về số phận của nhân vật Quỳnh. Cậu bé bất hạnh trong hoàn cảnh gia đình, lạc loài bởi hình dáng dị dạng nghỉ học về quê chăm sóc người mẹ liệt hoàn
toàn. Không ai có thể dám chắc cuộc đời Quỳnh rồi sẽ đi về đâu. Trang sách khép lại, nhưng dư âm của nỗi buồn về số phận một con người thì vẫn vang vọng.
Viết cho thiếu nhi, Nguyễn Nhật Ánh không né tránh hiện thực để tô hồng cuộc đời mà giúp các em có cái nhìn chân thực hơn về cuộc sống từ nhiều góc độ khác nhau thông qua những mảnh đời éo le, vất vả. Ngòi bút trĩu nặng yêu thương của nhà văn giúp độc giả đến gần hơn với những góc khuất của cuộc sống, nơi ánh sáng hạnh phúc chưa chiếu rọi đến những số phận ngây thơ, vô tội. Quan trọng hơn, nhà văn không từ những nỗi bất hạnh của trẻ thơ làm sáng lên vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật. Những đứa trẻ dù khó khăn đến đâu vẫn không đánh mất nhân cách, tâm hồn sáng trong và tấm lòng nhân ái. Triết lí sống vì nhau trở thành chìa khóa tâm hồn giúp con người đến với nhau, vượt trên nỗi gian khổ để sống, tin tưởng, không thôi hi vọng vào tương lai. Và Bong bóng lên trời, Thiên thần nhỏ của tôi, Lá nằm
trong lá, Ngồi khóc trên cây, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh... đã trở thành những câu chuyện về tình bạn, tình anh em... với nhiều cung bậc, sắc thái mà ở cung bậc nào cũng khiến độc giả ấm lòng. Và trên tất cả, đó là bài ca về TÌNH NGƯỜI, về niềm tin vào nội lực của con người mang đạm tính nhân văn.
Lấy điểm tựa là hồi ức để ngược dòng về quá khứ, Nguyễn Nhật Ánh đã tạo dựng một thế giới đa thanh với nhiều cung bậc tình cảm. Đó có thể là thế giới nghịch ngợm, hồn nhiên, trong trẻo qua những trò chơi tuổi nhỏ nhưng cũng đong đầy khát vọng và yêu thương. Đó còn là thế giới giao thời của tuổi ấu thơ và trưởng thành với sự lỡ nhịp của trái tim lần đầu yêu. Những thước phim quay chậm về quá khứ không chỉ là sự đắm say trong những rung cảm, khoảnh khắc của tuổi thơ và tuổi mới lớn mà còn lắng sâu những nghĩ suy về con người, cuộc sống. Nó đồng thời là cuộc hành trình chiêm nghiệm cái “tôi” từ sự gián cách về thời gian bằng đôi mắt của người trưởng thành trải qua những thăng trầm của cuộc sống. Tất cả tổng hòa trong tính nhân văn sâu sắc của một trái tim hết lòng vì con trẻ.
Chương 3