Thế giới của yêu thương

Một phần của tài liệu HỒI ỨC TRONG TRUYỆN CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH (Trang 54 - 58)

HỒI ỨC VÀ NHỮNG CHỦ ĐỀ CHÍNH TRONG TRUYỆN NGUYỄN NHẬT ÁNH

2.1.3. Thế giới của yêu thương

Được viết nên bởi tấm lòng của một nhà văn hết mình với cuộc đời và nhiệt thành với tuổi thơ, những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh luôn thấm đượm sự bao dung và tình yêu thương. Thế giới tuổi thơ mà nhà văn tạo dựng luôn lung linh ánh sáng diệu kì – "thế giới ấy là hồn nhiên, tươi đẹp và bao dung". Cùng nảy nở từ một tâm hồn, văn xuôi hay thơ ca của Nguyễn Nhật Ánh là dòng chảy của tình yêu không bến dừng: "Anh sẽ viết tình yêu lên cỏ biếc/ Màu xanh kia năm tháng chẳng phai mờ" (Hơi thở đất đai).

Tiếng cười và yêu thương luôn đong đầy trong những tác phẩm dành cho thiếu nhi của nhà văn. Trong thế giới trẻ thơ, tiếng cười, tình yêu

thương chính là nguồn sống, là đất mẹ nuôi dưỡng những mầm cây đâm chồi. Nguyễn Nhật Ánh trong vai trò của một người cầm bút chưa bao giờ quên vai trò của một nhà giáo dục. Bởi thế, nhân vật trẻ thơ trong truyện luôn là những đứa trẻ được yêu và biết yêu. Những đứa trẻ dù hoàn cảnh ra sao, thiếu hụt về tình cảm thế nào vẫn mang một trái tim yêu thương đối với cuộc đời. Những cô bé như Tiểu Li trong Cô gái đến từ hôm qua, Tí sún trong Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ... thiếu vắng bóng dáng người cha, hay người mẹ vẫn luôn nở nụ cười, ngây thơ, đáng yêu trước cuộc đời.

Tình yêu thương trong thế giới trẻ thơ luôn được đong đầy dưới nhiều dạng thức, từ tình yêu gia đình, yêu quê hương, tình bạn bè, hay cả tình yêu đối với những con vật. Trong đó, nhân vật không chỉ là khách thể nhận được tình yêu mà còn là chủ thể biết cho đi tình yêu. Thấp thoáng trong những câu chuyện luôn có bóng dáng của một người bà dịu hiền, một người cha nghiêm khắc nhưng cũng vô cùng bao dung, những người chị chở che, bao bọc em thơ. Trong Mắt biếc hay Đi qua hoa cúc hiện hữu hình ảnh của người ông, người bà yêu chiều cháu trong kí ức tuổi thơ. Những ngày Trường sống với ông ngoại là bao kỉ niệm vui buồn với những trò nghịch ngợm tinh quái cùng anh em Chửng. Cũng có lần Trường dại dột bày trò thay lông mèo cho tóc bạc ông để lấy tiền. Ông là thầy thuốc, nghiêm khắc với những học trò của mình nhưng bao dung trước hành động đáng trách của cháu. Người bà trong Mắt biếc cũng yêu thương cháu vô cùng. Bà là người chở che cho Ngạn mỗi khi bị ba đánh đòn, người thủ thỉ kể chuyện cho cháu nghe - những câu chuyện đời xưa của bà, rồi cậu thiếp đi lúc nào không hay với một trái tim thổn thức: "… có lẽ do giọng kể dịu dàng và âu yếm của bà, bao giờ nó cũng toát ra một tình cảm trìu mến đặc biệt dành cho tôi, khiến trái tim tôi run lên trong nỗi xúc động hân hoan khó tả" [7; 7]. Hình ảnh của những người ông, người bà trìu mến luôn xuất hiện trong những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, bao bọc, yêu thương những

đứa cháu nghịch ngợm. Tình người tỏa hơi ấm trên mỗi trang viết cho trẻ thơ của nhà văn. Các em có thể được dạy một cách nghiêm khắc trong Trại

hoa vàng, Mắt biếc, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ nhưng vẫn luôn được yêu

thương bởi một người cha nghiêm khắc và bao dung. Sự hiện hữu của những người chị lớn lại đóng vai trò như những người hướng dẫn gần gũi, vừa như những người bạn sẻ chia. Chị Thịnh, chị Quyên trong Mắt biếc, chị

Miên, chị Ngà trong Đi qua hoa cúc, giữ một vị trí quan trọng trong tuổi thơ của nhân vật "tôi". Những người chị lớn là nguồn an ủi, sẻ chia, xoa dịu những nỗi buồn. Chị Thịnh luôn là người vỗ về Ngạn sau những trận đòn của ba, cùng chơi chợ Đo Đo, ngắm những tiệm tạp hóa lung linh sắc màu. Đi cùng tuổi thơ của các em luôn có những bóng hình với nhiều cung bậc tính cách từ nghiêm khắc, bao dung của cha, trìu mến của bà, dịu dàng của chị. Tuổi thơ ấy dù khuyết thiếu tình cảm của cha hay mẹ (Cô gái đến từ

hôm qua, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ), vẫn luôn được đong đầy bằng yêu

thương. Bao quanh những đứa trẻ là một bầukhí quyển của tình bạn bè, tình gia đình. Sự thiếu hụt đôi khi không làm ảnh hưởng nhiều đến tuổi thơ của chúng bởi yêu thương được đến từ muôn vàn dòng chảy khác. Cuộc đời luôn dành cho trẻ thơ những món quà đặc biệt từ tình yêu. Cô bé Tí sún

(Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ) vắng mẹ vẫn hiền ngoan, học cách nấu ăn

dở tệ từ ba và tham gia những trò chơi nghịch ngợm cùng nhóm bạn cu Mùi, Hải cò, con Tủn. Những đứa trẻ được yêu thương luôn là hình ảnh thường trực trong thế giới tuổi thơ được xây nên từ hồi ức diệu kì.

Trẻ thơ trong tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh không chỉ được yêu thương mà còn biết yêu thương. Đó là sự trao và nhận có tính chất hai chiều. Chúng được sống trong sự yêu thương và che chở nhưng cũng là những đứa trẻ biết yêu thương những người xung quanh, hay học được cách mến yêu cuộc đời từ những trò chơi tuổi thơ. Trẻ thơ dưới ngòi bút của nhà văn có thể nghịch ngợm, hay làm những điều dại khờ song không phải

những đứa trẻ hư. Các em có thể còn nhiều khiếm khuyết, song chúng luôn học cách để trở nên hoàn thiện hơn và biết yêu thương nhiều hơn. Cậu bé Thư có thể bắt nạt Tiểu Li trong Cô gái đến từ hôm qua cũng có lúc hối hận vì những việc mình làm. Cậu bé ấy vô tâm lấy lại những viên bi đã tặng mà cô bé vô cùng trân trọng: "Mặc cho nó la, tôi thản nhiên dốc ngược cái ly đổ nước ra và tóm lấy viên bi bỏ vào túi quần. Tiểu Li theo dõi hành động côn đồ của tôi bằng ánh mắt bất lực và tuyệt vọng. Nó ngồi bệt xuống đất khóc thút thít." (chương 7) Hành động ấy thật đáng trách, nhưng có thể cảm thông bởi sự mải chơi và sự vô ý của trẻ thơ. Nhưng cậu bé ấy đã nhịn ăn sáng để lấy tiền mua bi tặng lại Tiểu Li khi cô bé bị ốm. Cảm xúc của đứa trẻ khi nhận ra lỗi lầm và sửa lỗi được thể hiện tinh tế bằng sự lan tỏa của niềm vui khi nhận ra vẻ đẹp của những viên bi. Chúng đẹp hơn khi ở trong li nước chứ không phải trên những bãi đất trống trong trò chơi bắn bi: "Những viên bi khi ở trong nước trông khác hẳn. Chúng trở nên lấp lánh và trong suốt" (chương 7). Đó là vẻ đẹp của niềm vui khi nhận ra giá trị của tình bạn. Nhân vật cậu bé Thư đã học được bài học về sự trao và nhận qua những viên bi, để sau đó biết yêu thương người bạn nhỏ của mình nhiều hơn. Trẻ thơ học hỏi qua những lỗi lầm thơ bé, để trưởng thành hơn và biết quý trọng những người bạn quanh mình.

Những đứa trẻ lớn lên trong sự yêu thương của gia đình, cũng là những người biết yêu nhiều nhất những người bà, hay cha mẹ của mình. Hải cò (Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ) có thể giận ba vì hay uống rượu, song cũng thương ba vô cùng, qua giọng nghèn nghẹn khi kể tội ba trong phiên tòa đặc biệt xét xử người lớn. Những đứa cháu được bà chiều chuộng vẫn luôn quan tâm đến bà, như hình ảnh của "cậu Tấm" trong Ngồi khóc trên cây vẫn lén bỏ tiền vào sạp gạo của bà.

Tình yêu thương có khi dành cho cả những loài vật. Nhóm bạn cu Mùi trong Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ đã từng hào hứng nuôi lũ chó

hoang trong nhà Tí sún với tất cả tình yêu thương. Nhưng cuối cùng chúng đành để lũ chó ra đi khi phát hiện lũ chó hoang đang bị ba Tí sún làm hại. Trang trại chó hoang giải tán cũng là lúc lũ trẻ nhận ra nỗi đau khi buộc phải để những người bạn của mình ra đi. Cảm giác đau khổ khi nhìn lũ chó sục sạo bên ngoài nhà Tí sún và lần lượt bỏ đi cho đến con cuối cùng, khiến bọn trẻ đổ bệnh. Tình yêu thương ấy cũng như Rùa (Ngồi khóc trên cây) dành cho những con thú rừng. Rùa vẫn thường phá bẫy hay giúp chúng bỏ trốn mặc cho sự đe nạt của những người thợ săn trong làng. Nghi trong truyện ngắn Trứng chim sẻ hiểu lầm dì Miên định lấy trứng chim đi luộc, vì lo bảo vệ những quả trứng mà bị ngã... Bài học về tình yêu của trẻ thơ không chỉ bắt đầu từ tình yêu gia đình mà còn bắt đầu từ tình yêu với thiên nhiên, muôn vật.

Thế giới của trẻ thơ là thế giới được bao quanh bởi bầu khí quyển của yêu thương. Sống trong đó, trẻ thơ được yêu thương và học bài học về yêu thương. Nguyễn Nhật Ánh đã tạo nên những tác phẩm mang giá trị giáo dục sâu sắc. Trẻ thơ được dạy về yêu thương một cách tự nhiên khi những cảm thức ban sơ về đạo đức nhẹ nhàng lắng sâu trong trái tim bạn đọc.

Một phần của tài liệu HỒI ỨC TRONG TRUYỆN CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH (Trang 54 - 58)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(103 trang)
w