MÔ TUYẾN TỤY LẠC CHỖ Ở THÀNH DẠ DÀY (Choristôm)

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG ATLAS THỰC TẬP GIẢI PHẪU BỆNH (Trang 47 - 50)

Mô tuyến tuỵ lạc chỗ ở dạ dày hay gặp ở vùng hang vị, đa số nằm trong lớp dưới niêm mạc nhưng cũng có thể thấy trong lớp niêm mạc và lớp cơ. Mô tuyến tụy lạc chỗ thường không gây triệu chứng, nhưng cũng có thể tạo thành một tổn thương giả u gọi là choristôm; gây lầm lẫn với một ung thư.

Đại thể:

Tổn thương nằm trong lớp dưới niêm mạc dạ dày, đường kính 2-3 cm, giới hạn không rõ, mật độ chắc, mặt cắt trắng xám; có thể đội lên trên làm biến dạng các nếp gấp niêm mạc và chui vào lớp cơ bên dưới.(Hình 1)

Hình 1: Mô tuyến tụy lạc chỗ đội lên lớp niêm mạc làm biến dạng các nếp gấp (A); tổn thương có giới hạn không rõ, mặt cắt trắng xám (B).

Vi thể:

Mục tiêu cần tìm:

1. Nang tuỵ ngoại tiết và ống bài xuất 2. Đảo tụy nội tiết Langerhans

3. Các lớp thành dạ dày

4. Hiện tượng chuyển sản ruột niêm mạc dạ dày

Lưu ý: Học viên cần ôn lại cấu tạo mô học của dạ dày và tuyến tụy.

Quan sát tiêu bản với VK4, phân biệt các lớp niêm mạc, dưới niêm mạc và lớp cơ của thành dạ dày để thấy ngay sự hiện diện của các các đám mô tuyến tụy mầu tím nằm lạc chỗ trong đó.(Hình 2)

Hình 2: 1- Lớp niêm mạc; 2- Lớp dưới niêm mạc; 3- Mô tuyến tụy lạc chỗ.

Chuyển sang VK10 và VK40, niêm mạc vùng hang vị được phủ bên trên bởi biểu mô tuyến trụ đơn, bên dưới là mô đệm niêm mạc chứa các tuyến hang vị. Sự hiện diện của các tế bào trụ có vi nhung mao và tế bào hình đài tiết nhầy trong biểu mô tuyến hang vị cùng với sự thấm nhập của các limphô bào trong mô đệm chứng tỏ vùng niêm mạc này đã bị chuyển sản ruột do viêm mãn tính. (Hình 3)

Hình 3: 1- Tuyến hang vị chứa các tế bào hình đài tiết nhầy ( chuyển sản ruột); 2- Mô đệm niêm mạc thấm nhập limphô bào; 3- Lớp cơ niêm; 4- Mô tuyến tụy lạc chỗ.

42

Di chuyển xuống lớp cơ, giữa các bó cơ trơn có các đám nang tuyến tuỵ ngoại tiết cùng với các ống bài xuất (ống nhỏ được lót bởi biểu mô vuông đơn; ống lớn bởi biểu mô trụ đơn tiết nhầy). (Hình 4)

Hình 4: 1- Các bó cơ trơn của lớp cơ; 2- Các đám nang tụy ngoại tiết; 3- Các ống bài xuất. Các nang tuỵ ngoại tiết tạo bởi tế bào trụ thấp, nhân tròn lệch về cực đáy, cực đỉnh chứa các hạt tiền enzym (zymogen granules) bắt mầu ái toan. Sản phẩm chế tiết được đổ vào các ống bài xuất có đường kính lớn dần. Giữa các các nang tụy ngoại tiết , có các đảo tụy nội tiết Langerhans, tạo bởi các tế bào có nhân tròn, bào tuơng nhạt mầu. (Hình 5)

Hình 5: 1- Nang tụy ngoại tiết, tế bào hình trụ thấp, cực đỉnh chứa các hạt tiền enzym ái toan (mũi tên); 2- Ống bài xuất nhỏ; 3- Đảo Langerhans.

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG ATLAS THỰC TẬP GIẢI PHẪU BỆNH (Trang 47 - 50)