Carcinôm một khi đã tiến triển qua giai đoạn xâm nhập thường cho di căn trước tiên theo đường bạch huyết đến các hạch vùng; nhưng cũng có thể cho di căn theo đường máu nhờ vào các thông nối tự nhiên giữa hệ thống mạch bạch huyết và hệ thống mạch máu, hoặc do bản thân tế bào ung thư xâm nhập trực tiếp vào các tĩnh mạch. Có khoảng 75-77% các trường hợp carcinôm tuyến đại tràng cho di căn đến gan, chủ yếu theo đường tĩnh mạch cửa; tỉ lệ sống thêm 5 năm của những bệnh nhân này (Dukes D) chỉ còn dưới 10%.
Đại thể: Carcinôm đại tràng di căn gan thường tạo thành nhiều ổ ung thư thứ phát; các ổ có kích thước không đều, mặt cắt không đồng nhất, mật độ bở; các ổ lớn có hoại tử trung tâm (hình 1).
Hình 1: Carcinôm đại tràng di căn gan, tạo ra nhiều ổ thứ phát; 2 ổ lớn có hoại tử trung tâm (mũi tên).
Vi thể:
Quan sát tiêu bản với VK4, trong mô gan có các ổ di căn được tạo bởi các đám tuyến ung thư dị dạng; vùng tế bào gan ngoài rìa ổ di căn bị chèn ép và có sự thấm nhập nhiều limphô bào (hình 2).
Với VK 10, các đám tuyến ung thư phần lớn có lòng ống rõ rệt, vì vậy đây là một carcinôm tuyến biệt hóa tốt di căn gan. Ở các đám tuyến lớn, có hiện tượng hoại tử trung tâm (hình 3).
Với VK 40, các tuyến ung thư được lót bởi các tế bào có nhân tăng sắc, dị dạng; xếp chồng lên nhau thành nhiều tầng; tỉ lệ phân bào tăng và có hình ảnh phân bào bất thường. Lòng ống tuyến chứa chất nhầy do tế bào ung thư sản xuất. Giữa các ống tuyến có phản ứng tăng sinh mô sợi (hình 4).
Mục tiêu cần tìm:
1. Đám tế bào tuyến ung thư xâm nhập mô gan. 2. Hoại tử trung tâm.
3. Tiểu thùy gan bình thường.
Mô gan xung quanh các ổ di căn có cấu tạo bình thường, gồm các tiểu thùy gan với tĩnh mạch trung tâm và khoảng cửa; trong khoảng cửa có nhánh của động mạch gan, nhánh của tĩnh mạch cửa và tiểu quản mật (hình 5).
Hình 2: 1- Các đám tuyến ung thư; 2- Mô gan quanh ổ di căn; 3- Limphô bào.
63
Hình 4: 1- Các đám tuyến ung thư; 2- Lòng ống chứa chất nhầy; 3- Phân bào bất thường; 4- Mô sợi tăng sinh.