CARCINÔM TẾ BÀO GAI KHÔNG SỪNG HÓA CỔ TỬ CUNG

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG ATLAS THỰC TẬP GIẢI PHẪU BỆNH (Trang 58 - 60)

Ung thư cổ tử cung vẫn còn là một trong những loại ung thư hàng đầu thường thấy ở phụ nữ Việt nam và khi được phát hiện thì đa số đã vào giai đoạn xâm nhập, điều này chứng tỏ việc tầm soát ung thư bằng phết mỏng Papanicolaou vẫn chưa thực sự hiệu quả. Về mô học, hơn 3/4 trường hợp ung thư cổ tử cung là carcinôm tế bào gai, trong đó carcinôm tế bào gai không sừng hóa là loại thường gặp nhất, chiếm tỉ lệ khoảng 68%.

Đại thể: Ung thư cổ tử cung thường có vị trí ở vùng chuyển dạng; u dạng chồi sùi, loét hoặc thâm nhiễm, kích thước từ 0,5 đến 4cm (hình 1).

Hình 1: Ung thư xâm nhiễm dạng chồi sùi ở vùng chuyển dạng của cổ tử cung.

Vi thể:

Quan sát tiêu bản với VK4, sự hiện diện của các tuyến cổ trong bình thường trong mô đệm chứng tỏ u nằm trong vùng chuyển dạng của cổ tử cung. Tổn thương trên bề mặt có chỗ vẫn còn trong giai đoạn nghịch sản nặng hoặc carcinôm tại chỗ (CIN 3); nhưng ở nơi khác, các đám tế bào ung thư đã phá vỡ màng đáy và xâm nhập xuống mô đệm bên dưới (hình 2).

Với VK 10 và VK 40, các đám tế bào ung thư xâm nhập là các tế bào gai dị dạng, nhân tăng sắc, hạch nhân rõ, bào tương ái toan. Tỉ lệ phân bào cao. Các tế bào ung thư liên kết nhau bằng cầu liên bào nhưng không thấy có cầu sừng; chứng tỏ ung thư thuộc loại carcinôm tế bào gai không sừng hóa, biệt hóa vừa (hình 3).

Mục tiêu cần tìm:

1. Các đám tế bào gai dị dạng xâm nhập mô đệm. 2. Cầu liên bào.

52

Hình 2: 1- Carcinôm tại chỗ ; 2- Các đám tế bào gai ung thư xâm nhập vào mô đệm; 3- Tuyến cổ trong bình thường; 4- Mô đệm.

Hình 3: 1-Các đám tế bào gai ung thư xâm nhập vào mô đệm; 2- Phân bào; 3- Cầu liên bào; 4- Mô đệm thấm nhập limphô bào.

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG ATLAS THỰC TẬP GIẢI PHẪU BỆNH (Trang 58 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)