Thứ nhất, tạm dừng việc hạn chế việc các ngân hàng mở rộng mạng lưới
Cuối năm 2009, NHNN đã gửi dự thảo Thông tư quy định mạng lưới ngân hàng TM đến các ngân hàng TMCP về việc phát triển mạng lưới hoạt động trong nước của các ngân hàng. Theo nội dung dự thảo, về số lượng các chi nhánh, PGD được phép mở mới của các ngân hàng TMCP phải dựa trên cơ sở phân loại địa bàn tỉnh, thành phố. Sẽ có những hạn chế nhất định đối với việc mở chi nhánh, chỉ cho phép mở tối đa 2 chi nhánh tại các tỉnh, thành phố thuộc địa bàn nhóm 2 và 3, trong đó ưu tiên trước đối với địa bàn nhóm 3; đối với các ngân hàng TMCP đã được NHNN chấp thuận mở 15 - 30 chi nhánh và đã có chi nhánh tại địa thành tỉnh, thành phố thuộc nhóm 1(trong đó có Hà Nội), trước mắt cũng sẽ tạm dừng việc cho phép mở chi nhánh…
Về số lượng PGD cũng có những hạn chế tương tự, theo nội dung dự thảo sẽ tạm dừng việc xem xét mở PGD trực thuộc các chi nhánh, sở giao dịch của ngân hàng TMCP hiện có trụ sở tại tỉnh, thành phố thuộc địa bàn nhóm 1 và chỉ cho phép một ngân hàng được mở tối đa 5 PGD tại các địa bàn nhóm 2 và 3…
Mặc dù những quy định trên mới nằm trong dự thảo để xin ý kiến, nhưng theo phản ánh của các ngân hàng, việc hạn chế mở rộng mạng lưới của các ngân hàng đã được NHNN thực thi ngay trong năm 2009 qua hình thức xem xét kỹ hơn trong cấp phép thành lập chi nhánh mới.
Điều này sẽ ảnh hưởng tới những chiến lược, dự định của các ngân hàng TMCP nói chung và ABBANK nói riêng, từ đó ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của ABBANK Hà Nội.
Thứ hai, thực hiện thông tư của NHNN về việc thành lập ngân hàng mới phải có vốn điều lệ tối thiểu là 3.000 tỷ đồng.
Cuối năm 2009, dự thảo thông tư của Ngân hàng Nhà nước đưa ra quy định: Để thành lập ngân hàng thương mại cổ phần trước hết cần có vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định của pháp luật tại thời điểm thành lập. Như vậy, theo quy định hiện hành, đến năm 2010, mức vốn này tối thiểu phải là 3.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hết năm 2009, mới chỉ có 11 ngân hàng TMCP đạt vốn điều lệ lớn hơn 3.000 tỷ đồng. Nếu dự thảo trên được thông qua thì việc thành lập thêm ngân hàng mới ở Việt Nam sẽ rất khó khăn, hạn chế một lượng đối thủ cạnh tranh đối với các ngân hàng hiện tại. Việc có quá nhiều ngân hàng sẽ làm giảm thị phần, chia sẻ lợi nhuận giữa các ngân hàng. Những ngân hàng nhỏ nếu muốn tồn tại thì phải bán lại hoặc sáp nhập với nhau tạo thành những ngân hàng lớn hơn. Tuy việc có thêm các ngân hàng mới lớn mạnh sẽ là những đối thủ cạnh tranh “đáng gờm”, ảnh hưởng không nhỏ tới các ngân hàng khác nói chung và với ABBANK nói riêng nhưng cũng là cơ hội để các ngân hàng bình đẳng với nhau, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Thứ ba, NHNN & Trung tâm Thông tin tín dụng –NHNN Việt Nam (CIC) cần cung cấp các thông tin chính xác, đầy đủ về những chính sách của Nhà Nước, cũng như thông tin thị trường quốc tế đến với các ngân hàng, tạo một môi
trường thông tin chính thống, giúp các ngân hàng trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh so với các ngân hàng quốc tế tại Việt Nam.
Một môi trường cạnh tranh lành mạnh trước hết cần có một hệ thống thông tin chính xác, tin cậy, cập nhật. Do đó, để có thể giúp các ngân hàng trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh nói chung và trong dịch vụ ngân hàng cho các doanh nghiệp nói riêng thì trước hết NHNN cần cung cấp các thông tin chính sách, thị trường,…tạo lập một hệ thống thông tin hữu ích.
Tóm lại, sau khi đã tìm hiều thực trạng năng lực cạnh tranh, những ưu điểm, tồn tại, nguyên nhân của những tồn tại trong cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các doanh nghiệp tại ABBANK Hà Nội giai đoạn 2006 – 2009 ở chương 2 thì chương 3 tiếp tục tìm hiểu về những cam kết của Việt Nam đối với vWTO về dịch vụ nói chung, dịch vụ ngân hàng nói riêng; những cơ hội, thách thức trong quá trình hội nhập của ABBANK Hà Nội. Từ đó đưa ra những giải pháp thực tiễn đối với chi nhánh ABBANK Hà Nội và đề xuất các kiến nghị đối với chính phủ, Bộ, ngành liên quan và Ngân hàng Nhà nước nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng nói chung và
dịch vụ ngân hàng cho các doanh nghiệp nói riêng.
KẾT LUẬN
Hiện nay, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng phổ biến trên thế giới, Việt Nam nói chung và ngành Tài chính ngân hàng nói riêng cũng không phải là ngoại lệ. Hội nhập đã đem lại nhiều cơ hội và không ít thách thức, đòi hỏi các ngân hàng Việt Nam luôn có ý thức nâng cao năng lực cạnh tranh. Và trong chuyên đề này của mình, em đã chọn năng lực cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các doanh nghiệp tại ngân hàng TMCP An Bình – Chi nhánh Hà Nội giai đoạn 2006 – 2009 làm đối tượng nghiên cứu.
Chuyên đề đã chỉ ra và phân tích được những vấn đề căn bản nhất liên quan tới năng lực cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các doanh nghiệp tại ngân hàng TMCP An Bình – Chi nhánh Hà Nội giai đoạn 2006 – 2009, tuy nhiên cũng không tránh khỏi những hạn chế. Bài viết đã giới thiệu tổng quan về Ngân hàng An Bình – Chi nhánh Hà Nội, phân tích các nhân tố ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các doanh nghiệp tại đây giai đoạn 2006 – 2009 và đánh giá năng lực cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các doanh nghiệp tại Ngân hàng An Bình – Chi nhánh Hà Nội giai đoạn 2006 – 2009. Ngoài ra, bài viết chỉ ra cơ hội, thách thức đối với chi nhánh ABBANK Hà Nội trong điều kiện hội nhập WTO mặc dù còn dựa nhiều vào ý kiến chủ quan; đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh dịch vụ ngân hàng cho các doanh nghiệp tại chi nhánh ABBANK Hà Nội đến năm 2015 tuy nhiên vẫn chưa đưa được hết các giải pháp do khả năng giải quyết vấn đề còn hạn chế.
Cuối cùng là lời cảm ơn chân thành của em đến giảng viên hướng dẫn PGS.TS Nguyễn Thị Hường trong thời gian qua đã tận tình giúp đỡ em hoàn thiện bài viết cùng các anh, chị trong Phòng Quan hệ Khách hàng doanh nghiệp
Ngân hàng An Bình – Chi nhánh Hà Nội đã nhiệt tình hướng dẫn và cung cấp tài liệu cho em hoàn thành chuyên đề.