Ở Cộng hoà Pháp, xuất phát từ quan điểm độc lập về phân chia quyền lực và sự phát triển của xu hướng phân quyền, các cộng đồng lãnh thổ địa phương được phân quyền tự quản trong nhiều lĩnh vực. Nhà nước Trung ương không trực tiếp can thiếp vào mọi công việc của cộng đồng lãnh thổ đó, mà chỉ giám sát, đảm bảo cho mọi hoạt động của nó tuân theo pháp luật.
Ở Pháp không tồn tại cơ quan Thanh tra của Chính phủ mà có các cơ quan Tổng Thanh tra được thành lập ở các Bộ, chịu sự quản lý điều hành trực tiếp của Bộ trưởng.
Cơ quan Tổng Thanh tra Tài chính nước Cộng hoà Pháp bao gồm các Tổng thanh tra và các thanh tra viên chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Kinh tế- Tài chính. Tổng Thanh tra Tài chính thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của mình đối với các kế toán viên Nhà nước và phần lớn các cơ quan Tài chính, các cơ quan có nhiệm vụ thu, phát tiền của Nhà nước, trước hết là các tổ chức thu thuế và kho bạc.
* Tổ chức cơ quan Tổng Thanh tra Tài chính gồm có:
- Trưởng Ban Tổng Thanh tra và các Phó Trưởng Ban Tổng Thanh tra. - 32 Tổng Thanh tra phân công theo vùng hay công tác đặc biệt.
- 38 thanh tra viên chính thuộc mọi ngạch. - 34 cán bộ hành chính.
Phân chia công việc theo loại hình công tác như sau: - Công tác kiểm toán chiếm 18% khối lượng công việc.
- Công tác điều tra chiếm 22% khối lượng công việc. - Công tác kiểm tra chiếm 39% khối lượng công việc. - Những công việc khác chiếm 21% khối lượng công việc.
* Chức trách nhiệm vụ:
- Cơ quan Tổng Thanh tra Tài chính:
+ Tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, ban, ngành chịu sự kiểm tra của Tổng Thanh tra Tài chính như: Các cấp địa phương trực thuộc Bộ, các kế toán viên Nhà nước, các nhà chuẩn chi và các tổ chức đã nhận sự trợ giúp của Nhà nước.
+ Tiến hành công tác kiểm toán hay đánh giá về một tổ chức hay các thủ tục, các chính sách của Nhà nước khi Bộ trưởng Kinh tế- Tài chính yêu cầu.
+ Thực hiện nhiệm vụ điều tra trọng điểm hoặc tư vấn theo đề nghị của các cấp chính quyền nhân dân đối với những vấn đề cần thiết.
+ Đảm trách chức thư ký thường trực cho Ủy ban chiến lược với trách nhiệm tư vấn cho tương lai và kiểm tra của Bộ Kinh tế- tài chính.
- Các Tổng Thanh tra Tài chính:
+ Theo dõi hoạt động của các cơ quan, Chi cục của Bộ trong phạm vi vùng phụ trách.
+ Cố vấn cho Bộ trưởng Kinh tế- Tài chính trong phạm vi những nhiệm vụ khác nhau mà Bộ trưởng giao phó.
+ Là đại diện của Bộ tham gia trong các Uỷ ban, Hội đồng hay các Uỷ ban hành chính khác nhau.
Tổng Thanh tra Tài chính là đại diện quyền lực của Bộ trưởng Kinh tế- Tài chính trong phạm vi công việc được phân công phụ trách theo vùng lãnh thổ hoặc các công tác đặc biệt. Các Tổng Thanh tra chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng trên cơ sở những ý kiến của Trưởng ban Thanh tra đề xuất, Bộ
trưởng quyết định giao nhiệm vụ cho các Tổng Thanh tra, nhất là bổ nhiệm họ phụ trách các khu vực hay công tác đặc biệt. Với chức danh Tổng Thanh tra, đảm nhận hai nhiệm vụ chính là giám sát và thông tin.
- Trưởng Ban Tổng Thanh tra:
Trưởng Ban Tổng Thanh tra do Tổng thống bổ nhiệm, được lựa chọn trong số các Tổng Thanh tra Tài chính. Trưởng ban quyết định cơ cấu tổ chức của cơ quan Tổng Thanh tra và đảm bảo cho việc sử dụng yếu tố con người và vật chất (ngân quỹ) một cách có hiệu quả nhất. Trưởng Ban thông báo và nhận thông tin của các Tổng Thanh tra tại các địa phương mà họ phụ trách. Trưởng Ban giao nhiệm vụ cho các thanh tra viên.
* Ở các địa phương thuộc nước Công hoà Pháp không có Sở Tài chính nên không có Thanh tra cấp Sở. Mọi hoạt động thanh tra, kiểm tra thông thường do Thanh tra Kho bạc, Thanh tra thuế, Kiểm toán vùng tiến hành. Trường hợp đặc biệt do cơ quan Tổng Thanh tra Tài chính trực tiếp tiến hành. Thanh tra Kho bạc và Thanh tra thuế tại địa phương chịu sự kiểm tra, hướng dẫn của Tổng Thanh tra phụ trách vùng đó. Quan hệ giữa Tổng Thanh tra vùng với Giám đốc Kho bạch vùng, hàng tháng đến làm việc, nắm tình hình và hướng dẫn, chỉ đạo công tác thanh tra tài chính tại vùng.
* Đối tượng, phạm vi hoạt động của Thanh tra Tài chính:
- Tất cả các công ty, nghiệp đoàn, hiệp hội hoặc doanh nghiệp đã và đang đề nghị xin trợ giúp của Nhà nước, của chính quyền địa phương, hoặc của một cơ quan Nhà nước dưới dạng trợ giúp về vốn, cho vay ứng tiền trước hoặc đảm bảo lợi nhuận đều phải chịu sự kiểm tra xác minh của cơ quan Tổng Thanh tra Tài chính.
- Các doanh nghiệp Nhà nước có mục đích là hoạt động thuộc lĩnh vực thương mại, công nghiệp hoặc nông nghiệp chịu sự quản lý của Nhà nước.
- Các công ty hoặc tập đoàn có lợi nhuận kinh tế và Nhà nước giữ 50% vốn của các công ty này.
- Các tập đoàn có lợi ích kinh tế được thành lập không có sự góp vốn của Nhà nước nhưng hợp đồng của tập đoàn được Nhà nước trợ giúp hơn một nữa các khoản chi phí điều hành, hay giành cho Nhà nước đa số phiếu trong đại hội các thành viên của tập đoàn.
- Các cơ quan Trung ương hay Quốc gia với nhiều dạng chương trình trợ giúp với bảo hiểm xã hội, với trợ cấp gia đình và tương hỗ nông nghiệp.
- Tất cả các loại hình tổ chức và doanh nghiệp khác tiến hành các hoạt động kinh tế theo sự chỉ đạo và đã gọi thầu dưới hình thức góp vốn, cho vay, ứng tiền trước cho sự trợ giúp các doanh nghiệp.
- Các tổ chức chịu sự quản lý đặc biệt theo các văn bản quy định như: + Các Ngân hàng và Công ty Bảo hiểm Nhà nước.
+ Uỷ ban năng lượng nguyên tử. + Công ty Đường sắt quốc gia Pháp. + Cơ quan quản lý giao thông của Paris.
* Từ việc nghiên cứu kinh nghiệm về cơ chế Thanh tra Tài chính của Cộng hoà Pháp:
Có một vấn đề đặc biệt trong hệ thống Thanh tra Tài chính của Pháp là ở các địa phương không có Thanh tra Sở Tài chính, hoạt động thanh tra, kiểm tra tài chính do Thanh tra Kho bạc, Thanh tra thuế, Kiểm toán vùng tiến hành, trường hợp đặc biệt do cơ quan Tổng Thanh tra Tài chính trực tiếp tiến hành. Cơ quan Tổng Thanh tra Tài chính được thành lập theo các vùng (khu vực) mà không nhất thiết tại từng địa phương đều phải có cơ quan Tổng Thanh tra Tài chính.