Ưu điểm, nhược điểm của hòa giải tranh chấp đất đa

Một phần của tài liệu Hòa giải tranh chấp đất đai theo luật đất đai năm 2013 từ thực tiễn hòa giải tranh chấp đất đai trên địa bàn huyện đông anh (Trang 32 - 36)

Cũng giống những phương thức hòa giải khác, hòa giải tranh chấp đất đai có những ưu điểm và nhược điểm nhất định.

1.2.4.1. Ưu điểm của hòa giải tranh chấp đất đai

Hòa giải tranh chấp đất đai có những ưu điểm sau:

Thứ nhất: Hòa giải tranh chấp đất đai linh hoạt về thủ tục

Hòa giải có thể được tiến hành ở nhiều địa điểm khác nhau, thủ tục có thể thường xuyên được điều chỉnh cho phù hợp. Tính linh hoạt trong hòa giải tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tranh chấp có thể tham gia buổi hòa giải đạt được kết quả. Trong trường hợp hòa giải tranh chấp thông qua hòa giải cơ sở thì khi có tranh chấp phát sinh, hòa giải viên tổ hòa giải có thể chủ động tiến hành hòa giải, hòa giải theo sự phân công của Tổ trưởng tổ hòa giải hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của tổ chức, cá nhân có liên quan [36, Điều 16]. Việc hòa giải được tiến hành vào thời gian, địa điểm các đương sự yêu cầu hoặc theo sáng kiến của hòa giải viên. Việc hòa giải có thể được thực hiện tại nhà riêng của một bên tranh chấp hoặc nhà của hòa giải viên, tại trụ sở UBND xã, tại nhà văn hóa, ngoài đồng ruộng hoặc khu đất đang có tranh chấp nhưng phải phù hợp với nguyện vọng của các bên tranh chấp [36, Điều 20].

Thứ hai: Hòa giải tranh chấp đất đai góp phần duy trì mối quan hệ

Bản chất của tranh chấp đất đai là những bất đồng, mâu thuẫn lợi ích giữa các chủ thể phát sinh trong quá trình quản lý và sử dụng đất. Các chủ thể tranh chấp có thể là hàng xóm, cũng có thể là anh chị em ruột trong một gia đình, hoặc cũng có thể là các thành viên trong một dòng họ, hoặc cũng có thể là các bên trong hợp đồng

chuyển nhượng QSD đất. Khi tranh chấp phát sinh, quan hệ tình cảm hàng xóm, láng giềng, gia đình, dòng tộc có thể bị ảnh hưởng. Trong quá trình hòa giải, các chủ thể tiến hành hòa giải áp dụng các biện pháp để nắm bắt tâm tư tình cảm, nguyện vọng của các bên tranh chấp, làm rõ nguyên nhân sâu xa dẫn đến tranh chấp để từ đó đưa ra những định hướng giúp các bên tranh chấp thỏa thuận với nhau về hướng giải quyết vụ việc, góp phần khôi phục, duy trì các mối quan hệ giữa các bên tranh chấp.

Thứ ba: Hòa giải tranh chấp thể hiện tính thân mật của các bên tranh chấp Tính thân mật trong hòa giải được thể hiện ở không gian, trang phục ăn mặc, địa điểm tổ chức hòa giải, phong thái, ngôn ngữ trong hòa giải, hành vi giao tiếp và ứng xử của những người tham gia hòa giải, những người tiến hành hòa giải. Tính thân mật có thể làm cho các chủ thể tiến hành hòa giải gần gũi và thân thiện với các bên tranh chấp, tạo ra cảm giác thoải mái cho những người tham gia hòa giải để các bên tranh chấp cởi mở với nhau, thông cảm cho nhau, bỏ qua những sai lầm của nhau và đi đến những quyết định chung để giải quyết tranh chấp.

Thứ tư: Hòa giải tranh chấp đất đai đảm bảo sự tham gia của các bên vào quá trình hòa giải

Tranh chấp đất đai xảy ra trong thực tế là tranh chấp giữa những người sử dụng đất với nhau hoặc giữa người sử dụng đất với các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Trong quá trình quản lý, sử dụng đất giữa các chủ thể đã nảy sinh những quan điểm trái ngược, mâu thuẫn với nhau. Do vậy, để giải quyết triệt để mâu thuẫn, bất đồng thì cần phải để chính các chủ thể tranh chấp đó gặp gỡ với nhau, qua buổi gặp gỡ các bên tranh chấp có thể trao đổi, đàm phán, thảo luận về các giải pháp để giải quyết mâu thuẫn.

Thứ năm: Hòa giải tranh chấp đất đai đặt con người ở vị trí trung tâm

Mục đích cuối cùng của hòa giải là hướng các bên tranh chấp đi đến một thỏa thuận chung để giải quyết mâu thuẫn, đảm bảo lợi ích của người sử dụng đất, lợi ích của Nhà nước và lợi ích của xã hội. Do vậy, hòa giải tranh chấp đất đai thường tập trung vào các chủ thể tranh chấp, xem xét đến nhu cầu hiện tại và mong

muốn của các bên. Xác định được nguyên nhân mâu thuẫn, nhu cầu, lợi ích các bên hướng tới là yếu tố đảm bảo sự thành công của hoạt động hòa giải.

Thứ sáu: Hòa giải tranh chấp đất đai đảm bảo sự kín đáo và tính bảo mật

Một trong những nguyên tắc của hòa giải tranh chấp đất đai là phải giữ bí mật thông tin đời tư của các bên tranh chấp và chỉ trong những trường hợp cần thiết, người tiến hành hòa giải sẽ mời một số người khác cùng tham gia buổi hòa giải. Sự kín đáo và tính bảo mật của hòa giải được thể hiện ở việc phiên hòa giải được tổ chức kín. Những người tham gia phiên hòa giải gồm các hòa giải viên hoặc thành viên của Hội đồng hòa giải và các bên tranh chấp. Những người không liên quan chỉ được tham dự buổi hòa giải nếu được các bên đồng ý và được mời cùng tham dự.

Thứ bảy: Hòa giải tranh chấp đất đai góp phần tạo lập các quy chuẩn

Các chủ thể khi nảy sinh tranh chấp đều mong muốn những bất đồng, mâu thuẫn của mình được giải quyết triệt để, không tốn kém về tiền của, lãng phí về thời gian, không bỏ lỡ các cơ hội trong sản xuất, kinh doanh nên họ thường lựa chọn hòa giải là phương thức để giải quyết tranh chấp giữa các bên. Để giải quyết được mâu thuẫn, các bên phải cùng ngồi lại với nhau để thương lượng, đàm phán và đưa ra được cách giải quyết tốt nhất đối với tranh chấp. Kết quả hòa giải thành giữa các bên được coi là quy chuẩn, quy phạm chung để điều chỉnh các bên, nó cần được coi như một bản hợp đồng có giá trị chung thẩm đòi hỏi các bên phải tự giác thực hiện và không được vi phạm. Do vậy có thể khẳng định: Hòa giải tranh chấp đất đai là một phương thức tối ưu nhất trong số những phương thức giải quyết tranh chấp trong thực tế.

Thứ tám: Hòa giải tranh chấp đất đai giúp các bên tiết kiệm được thời gian, chi phí. Tranh chấp đất đai được tiến hành thông qua hòa giải ở cơ sở hoặc hòa giải bởi Hội đồng hòa giải của UBND cấp xã, cơ quan tham mưu của UBND cấp huyện, cấp tỉnh và Bộ. Đối với hoạt động hoà giải của hòa giải viên Tổ hòa giải, thời hạn hòa giải rất linh hoạt. Còn đối với hòa giải của cơ quan hành chính thì thời hạn hòa giải tranh chấp không được quá 45 ngày kể từ ngày nhận đơn.

Hòa giải giúp các bên tranh chấp không tốn kém về chi phí. Khi đề nghị hòa giải viên hoặc UBND cấp xã giải quyết tranh chấp, các bên tranh chấp không phải chịu kinh phí vì các hòa giải viên được hỗ trợ kinh phí hoạt động từ Nhà nước, thành viên Hội đồng hòa giải là các cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Hơn thế, khi hòa giải thành, các bên không phải đề nghị Tòa án giải quyết tranh chấp, do vậy họ không phải nộp tiền tạm ứng án phí, tiền giám định, tiền định giá tài sản, tiền án phí, tiền phí thi hành án…

1.2.4.2. Nhược điểm của phương thức hòa giải tranh chấp đất đai

Bên cạnh những ưu điểm, hòa giải tranh chấp đất đai còn một số nhược điểm như:

Một là: Việc hòa giải tranh chấp đất đai nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ bị chi phối bởi yếu tố chủ quan của người thứ ba làm trung gian hòa giải. Về bản chất hòa giải là việc hóa giải những bất đồng, mâu thuẫn nảy sinh giữa các chủ thể thông qua người thứ ba. Người thứ ba có nhiệm vụ giải thích, động viên và hướng các bên tự thỏa thuận giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt thì trong nhiều trường hợp những người hòa giải sẽ lợi dụng việc hòa giải để thực hiện các mục đích của cá nhân, can thiệp vào kết quả hòa giải làm ảnh hưởng đến quyền tự định đoạt của các bên.

Hai là: Việc thực hiện kết quả hòa giải tranh chấp đất đai bị chi phối và ảnh hưởng bởi sự tự giác thực hiện của các bên tranh chấp. Nếu các bên tranh chấp thực hiện nội dung thỏa thuận một cách tự nguyện, tự giác thì giá trị của kết quả hòa giải được đảm bảo. Nếu các bên tranh chấp không tự nguyện, tự giác thực hiện thì không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế để buộc các bên phải thực hiện sự thỏa thuận vì pháp luật không có quy định, do vậy ảnh hưởng đến giá trị của kết quả hòa giải.

Ba là: Kết quả của hoạt động hòa giải tranh chấp đất đai phụ thuộc và bị chi phối bởi nhiều yếu tố như: Yếu tố chủ thể tranh chấp, chủ thể giải quyết tranh chấp, cơ sở pháp lý của việc giải quyết tranh chấp… do vậy việc hòa giải không đảm bảo

sẽ đi đến kết quả có nguy cơ tốn thời gian và có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của mâu thuẫn.

Bốn là: Mặc dù hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp linh hoạt về thủ tục nhưng quy trình hòa giải còn mang tính chất tùy nghi, chưa có quy trình hòa giải cụ thể.

Một phần của tài liệu Hòa giải tranh chấp đất đai theo luật đất đai năm 2013 từ thực tiễn hòa giải tranh chấp đất đai trên địa bàn huyện đông anh (Trang 32 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)