Giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật về hòa giải tranh chấp đất đa

Một phần của tài liệu Hòa giải tranh chấp đất đai theo luật đất đai năm 2013 từ thực tiễn hòa giải tranh chấp đất đai trên địa bàn huyện đông anh (Trang 82 - 88)

Tranh chấp đất đai là loại tranh chấp có tính chất phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Để giải quyết dứt điểm các tranh chấp phát sinh đòi hỏi phải có sự lãnh đạo sát sao của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương và sự tham gia tích cực, hiệu quả của MTTQ và các tổ chức thành viên trong việc củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải.

Thứ ba: Hoàn thiện hệ thống pháp luật hòa giải tranh chấp đất đai phải gắn liền với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai

Hòa giải tranh chấp đất đai là nội dung, là nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Thông qua hoạt động hòa giải giúp Nhà nước phát hiện những bất cập, mâu thuẫn trong hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai để từ đó có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.

Thứ tư: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật hòa giải tranh chấp đất đai phải gắn liền với xây dựng, hoàn thiện bộ máy nhà nước, thực hiện cải cách hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

3.3. Giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật về hòa giải tranh chấp đất đai đai

Hệ thống pháp luật về hòa giải tranh chấp đất đai ngày càng được phát triển về số lượng và đảm bảo về chất lượng góp phần giải quyết có hiệu quả các tranh chấp phát sinh trong thực tế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện và áp dụng pháp luật có thể thấy một số vướng mắc, bất cập như:

Thứ nhất: Biên bản hòa giải là kết quả của quá trình hòa giải, nó có tác dụng ghi lại diễn biến quá trình hòa giải, ghi nhận ý kiến của các bên tranh chấp và ghi nhận sự thỏa thuận hay những vấn đề mà các bên chưa thống nhất được. Nếu hòa giải thành, biên bản là chứng cứ quan trọng để các bên thực hiện theo đúng nội

dung đã thỏa thuận. Đồng thời nó là tài liệu quan trọng làm căn cứ để Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án nếu một hoặc các bên yêu cầu Tòa án công nhận. Nếu hòa giải không thành, biên bản là căn cứ để giúp cơ quan có thẩm quyền nắm rõ được bản chất vụ việc, nắm được ý kiến, tâm tư của các bên tranh chấp để phục vụ cho quá trình giải quyết tiếp theo, tuy nhiên hòa giải ở cơ sở, biên bản hòa giải thành hoặc không thành chỉ được lập nếu được các bên đồng ý và không phải là thủ tục bắt buộc. Do vậy, pháp luật cần có quy định: Trong quá trình hòa giải dù thành hay không thành, dù có được sự đồng ý của các bên tranh chấp hay không thì các hòa giải viên vẫn phải lập biên bản hòa giải.

Thứ hai: Đối với những tranh chấp liên quan đến giải phóng mặt bằng để

thực hiện các dự án về kinh tế như: Tranh chấp phát sinh liên quan đến việc thực hiện giá bồi thường hỗ trợ, chính sách hỗ trợ việc làm... Trong quá trình giải quyết tranh chấp, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tổ chức đối thoại với những người có đất bị thu hồi. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhà nước, của người sử dụng đất, cần có một tổ chức hoạt động mang tính chất chuyên nghiệp đứng ra làm nhiệm vụ trung gian giữa người dân, Nhà nước và các tổ chức được

giao đất để tham mưu, tư vấn và hòa giải giữa các bên. Do vậy, pháp luật cần có

quy định tạo điều kiện cho các mô hình hòa giải tranh chấp đất đai khác được thành lập, hoạt động theo đúng tinh thần cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước.

Thứ ba: Theo quy định, nếu các bên tranh chấp thỏa thuận, thống nhất về hướng giải quyết vụ việc mà sự thỏa thuận thống nhất đó làm thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì UBND cấp xã gửi biên bản hòa giải thành tới phòng TN và MT, sở TN và MT. Phòng TN và MT, sở TN và MT sẽ trình UBND cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới GCN QSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, dể đảm bảo cho việc thay đổi ranh giới, chủ sử dụng đất thì biên bản hòa giải thành cần phải đảm bảo về thể thức, nội dung thỏa thuận phải phù hợp với quy định của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Do vậy, cần quy định trước khi trình UBND cấp huyện, cấp tỉnh quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới và cấp mới GCN QSD đất… phòng

TN và MT, sở TN và MT phải kiểm tra tính hợp pháp, phù hợp với đạo đức xã hội của nội dung thỏa thuận được ghi trong biên bản. Nếu sự thỏa thuận phù hợp với pháp luật, với đạo đức xã hội thì sẽ trình UBND ra quyết định công nhận, còn nếu sự thỏa thuận đó trái pháp luật, trái đạo đức xã hội thì không công nhận nội dung thỏa thuận đó.

Thứ tư: Từ Luật đất đai năm 2003 đến Luật đất đai năm 2013 chưa có quy định thời hạn có giá trị của biên bản hòa giải. Thực tế cho thấy, sau khi UBND xã hòa giải không thành, các bên tranh chấp có thể gửi đơn tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết tiếp theo nhưng vì một vài lý do như chưa có điều kiện về thời gian, sức khỏe, kinh phí ... nên một hoặc các bên tranh chấp một thời gian sau (6 tháng, 01 năm) mới gửi đơn đề nghị UBND huyện hoặc TAND huyện để giải quyết tranh chấp. Trong những trường hợp này, UBND huyện, TAND huyện không chấp nhận biên bản hòa giải mà UBND xã lập với lý do biên bản đã được lập với thời gian quá lâu và yêu cầu một hoặc các bên tranh chấp quay về đề nghị UBND xã tổ chức buổi hòa giải mới, hoặc trong trường hợp, vụ việc tranh chấp đã được UBND xã hòa giải không thành, các bên tranh chấp đã gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, vụ việc tranh chấp của các đương sự hết chuyển sang cơ quan hành chính giải quyết rồi lại chuyển sang Tòa án, vụ việc kéo dài. Khi chuyển từ cơ quan này sang cơ quan khác, các cơ quan lại yêu cầu công dân về đề nghị UBND cấp xã tổ chức hòa giải lại, với cùng một vụ việc, ý kiến của các bên tranh chấp vẫn giữ nguyên, việc tổ chức lại hội nghị hòa giải chỉ mang tính hình thức, tốn kém thời gian của UBND cấp xã. Do vậy, pháp luật cần có quy định cụ thể về thời hạn có giá trị của biên bản hòa giải do UBND cấp xã lập trong quá trình hòa giải.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thoa và gia đình ông Nguyễn Văn Biên là 2 hộ liền kề cùng sử dụng một lối đi chung. Năm 2003, trong quá trình sử dụng lối đi chung, 2 hộ gia đình phát sinh mâu thuẫn. Ngày 08/01/2003, gia đình bà Nguyễn Thị Thoa đã gửi đơn đến UBND xã Z đề nghị được giải quyết theo quy định, UBND xã đã tổ chức hội nghị hòa giải giữa 2 gia đình. Căn cứ vào hiện trạng sử dụng ngõ đi của 2 hộ và hồ sơ quản lý đất đai được lưu trữ, UBND xã đã kết luận: Phần ngõ đi 2 hộ

gia đình tranh chấp là ngõ đi chung của tập thể, các hộ gia đình đều có quyền sử dụng phần ngõ đi đó, sau hội nghị hòa giải của UBND xã, hai gia đình tiếp tục có mâu thuẫn. Ngày 07/11/2003 UBND xã tiếp tục nhận được đơn đề nghị của bà Nguyễn Thị Thoa về việc đòi đất đã cho hộ gia đình ông Nguyễn Văn Biên ở nhờ từ năm 1984.

Để giải quyết đơn đề nghị của bà Thoa, UBND xã đã tiến hành xác minh vụ việc, kiểm tra hồ sơ địa chính, kiểm tra hiện trạng sử dụng đất của các hộ gia đình và tổ chức hội nghị hòa giải tranh chấp giữa các hộ gia đình vào ngày 22/11/2003, tuy nhiên buổi hòa giải không thành. Ngày 25/11/2003, UBND xã đã có Kết luận số 09/KL-UBND về việc giải quyết đơn thư của bà Nguyễn Thị Thoa.

Ngày 03/9/2004 bà Nguyễn Thị Thoa đã khởi kiện ra TAND huyện Đông Anh để đòi đất của gia đình ông Nguyễn Văn Biên, TAND huyện yêu cầu bà Thoa về đề nghị UBND xã tiến hành hòa giải lại. Ngày 09/9/2004, UBND xã đã tổ chức hòa giải giữa hai gia đình nhưng không thành. Ngày 12/9/2004, bà Thoa đã nộp đơn khởi kiện tại TAND. Ngày 02/11/2004 TAND huyện Đông Anh thụ lý đơn. Ngày 21/02/2005 TAND huyện Đông Anh ra Quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án do bà Thoa rút đơn khởi kiện.

Ngày 20/3/2005, bà Nguyễn Thị Thoa tiếp tục có đơn đề nghị UBND xã giải quyết vụ việc giữa hai gia đình, UBND xã tiếp tục tiến hành hòa giải nhưng không thành và có văn bản trả lời bà Thoa. Không đồng ý với nội dung giải quyết của UBND xã, bà Thoa có đơn đề nghị UBND huyện Đông Anh xem xét giải quyết. Ngày 19/9/2005, UBND huyện Đông Anh, trực tiếp là phòng TN và MT đã có Văn bản số 546/CV-TNMT trả lời đơn đề nghị của bà Thoa, xác định việc tranh chấp giữa gia đình bà Thoa và gia đình ông Biên không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện mà thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND.

Ngày 13/8/2006, bà Thoa lại có đơn đề nghị UBND xã Z tổ chức hội nghị hòa giải tranh chấp đòi QSD đất giữa gia đình bà với gia đình ông Biên. Ngày 23/8/2006, UBND xã tổ chức hội nghị hòa giải theo quy định. Buổi hòa giải không thành, UBND xã lập biên bản hòa giải không thành theo quy định. Ngày

06/11/2006, bà Thoa có đơn khởi kiện ra TAND huyện Đông Anh để đòi đất cho ở nhờ, yêu cầu hủy văn tự bán đất. Ngày 01/6/2007, TAND huyện Đông Anh đã có Bản án số 10/2007/DSST với nội dung: Chấp nhận một phần yêu cầu của bà Thoa, tuyên hợp đồng chuyển nhượng QSD đất giữa bà Thoa với ông Biên là vô hiệu, giao cho gia đình ông Biên tiếp tục sử dụng 284 m2 đất ở và sở hữu toàn bộ tài sản gia đình ông Biên xây dựng trên đất.

Không đồng ý với Bản án của TAND huyện Đông Anh, bà Thoa có đơn kháng cáo lên TAND thành phố Hà Nội. Tại Tòa án thành phố, bà Thoa rút đơn kháng cáo. TAND thành phố ra Quyết định hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án số 178 ngày 20/8/2007.

Ngày 19/12/2009, bà Thoa tiếp tục có đơn đề nghị UBND xã hòa giải tranh chấp QSD đất giữa gia đình bà với gia đình ông Biên, ngày 13/01/2010 UBND xã đã tiến hành hòa giải nhưng không thành. UBND xã lập biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn công dân liên hệ với TAND huyện Đông Anh để được giải quyết theo quy định.

Ngày 15/8/2010, bà Thoa có đơn khởi kiện yêu cầu TAND huyện Đông Anh giải quyết tranh chấp QSD đất và tài sản trên đất giữa gia đình bà và gia đình ông Biên. Ngày 17/12/2010, TAND huyện Đông Anh đã ra Bản án số 27/2010/DSST xử bác đơn khởi kiện của bà Thoa. Không đồng ý với Bản án của TAND huyện Đông Anh, bà Thoa kháng cáo sang TAND thành phố Hà Nội. Ngày 29/3/2011, TAND thành phố có Bản án số 56/2011/DSST hủy Bản án số 27/2010/DSST của TAND huyện Đông Anh, đình chỉ giải quyết vụ án và nhận định đất tranh chấp không có các giấy tờ được quy định tại khoản 1, 2, 5 Điều 50 Luật đất đai nên thẩm quyền giải quyết thuộc về UBND huyện Đông Anh.

Ngày 23/10/2011, bà Thoa có đơn gửi đến UBND huyện Đông Anh đề nghị giải quyết vụ việc. Để giải quyết vụ việc của bà Thoa, UBND huyện đã có văn bản đề nghị UBND xã Z thành lập Hội đồng tư vấn xác định nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của gia đình bà Thoa. UBND xã đã thành lập Hội đồng theo quy định, có kết quả xác minh và báo cáo về UBND huyện, ngày 08/11/2011 UBND huyện

Đông Anh đã có Văn bản số 183/CV-TNMT trả lời bà Thoa, không đồng ý với nội dung văn bản trên, bà Thoa khiếu nại đến Chủ tịch UBND huyện. Ngày 14/5/2012, UBND huyện đã có Quyết định số 1079/QĐ-UBND về việc giải quyết tranh chấp đất đai của bà Nguyễn Thị Thoa, không đồng ý với quyết định của UBND huyện, bà Thoa đã khiếu nại đến UBND thành phố Hà Nội. UBND thành phố đã có Quyết định giải quyết khiếu nại với nội dung: Bác đơn của bà Thoa đòi quyền sử dụng đất do ông Biên đang quản lý, sử dụng do không có cơ sở; hủy bỏ Quyết định số 1079/QĐ-UBND ngày 14/5/2012 của UBND huyện Đông Anh; giao UBND huyện, UBND xã Đông Hội hướng dẫn hộ gia đình bà Thoa và ông Biên lập hồ sơ cấp GCN QSD đất theo quy định.

Qua vụ việc có thể thấy: Từ năm 2003, vụ việc tranh chấp giữa gia đình bà Thoa và ông Biên đã được rất nhiều cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Mỗi lần các cơ quan đó giải quyết là một lần UBND xã lại tổ chức hòa giải theo quy định mặc dù kết quả vẫn giữ nguyên là hòa giải không thành.

Thứ năm: Hệ thống pháp luật hiện hành không quy định cụ thể những tranh chấp đất đai phải hòa giải và những tranh chấp đất đai không phải hòa giải. Việc không quy định cụ thể, rõ ràng sẽ gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp đất đai của các chủ thể có trách nhiệm và thẩm quyền bởi vì trình độ chuyên môn và sự hiểu biết về pháp luật của các hòa giải viên cũng như các cán bộ, công chức là khác nhau và không đồng đều. Do vậy pháp luật cần có quy định cụ thể những tranh chấp nào phải hòa giải, những tranh chấp nào không phải hòa giải.

Thứ sáu: Pháp luật nên có quy định trong trường hợp hòa giải thành mà có ít nhất một trong các bên có ý kiến thay đổi khác với biên bản hòa giải thành thì bên còn lại có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết việc bên kia vi phạm nội dung đã thỏa thuận mà không cần UBND cấp xã lập biên bản hòa giải không thành, hướng dẫn tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết tiếp theo theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 và Điều 88 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, như vậy sẽ giảm tải được khối lượng công việc cho UBND cấp xã vì sự thỏa thuận của các đương sự về bản chất là một loại hợp đồng.

Một phần của tài liệu Hòa giải tranh chấp đất đai theo luật đất đai năm 2013 từ thực tiễn hòa giải tranh chấp đất đai trên địa bàn huyện đông anh (Trang 82 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)