Phân loại về hòa giải tranh chấp đất đa

Một phần của tài liệu Hòa giải tranh chấp đất đai theo luật đất đai năm 2013 từ thực tiễn hòa giải tranh chấp đất đai trên địa bàn huyện đông anh (Trang 25 - 32)

Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp không chỉ được các bên tranh chấp ưu tiên lựa chọn mà còn được Nhà nước khuyến khích áp dụng. Hòa giải tranh chấp đất đai có hai hình thức là hoà giải ngoài tố tụng và hòa giải trong tố tụng.

1.2.3.1. Hòa giải tranh chấp đất đai ngoài tố tụng

Hòa giải ngoài tố tụng là hình thức hòa giải qua một bên trung gian, được các bên lựa chọn tiến hành trước khi đưa tranh chấp ra khởi kiện tại Tòa án [19, tr85].

Theo quy định của pháp luật hiện hành, hòa giải tranh chấp đất đai ngoài tố tụng được thực hiện bởi chủ thể gồm: Hòa giải viên thuộc tổ hòa giải hoạt động theo Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013, Hội đồng hòa giải thuộc UBND cấp xã, cơ quan tham mưu của UBND cấp huyện, cấp tỉnh, Bộ TN và MT hoạt động theo quy định của Luật đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn. Đây là hình thức hòa giải mà chủ thể tiến hành hòa giải là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư và các cơ quan hành chính nhà nước. Trong đó, hòa giải được thực hiện bởi các hòa giải viên là biện pháp được Nhà nước khuyến khích thực hiện, không mang tính bắt buộc. Hòa giải được thực hiện bởi Hội đồng hòa giải thuộc UBND cấp xã là biện pháp tiền tố tụng, mang tính chất bắt buộc phải thực hiện đối với một số tranh chấp trước khi khởi kiện ra Tòa. Hòa giải được thực hiện bởi cơ quan tham mưu của UBND cấp huyện, cấp tỉnh, Bộ TN và MT được ghi nhận trong các văn bản pháp luật nhưng lại không quy định cụ thể có mang tính bắt buộc hay chỉ mang tính chất khuyến khích. Kết quả hòa giải do các hòa giải viên tiến hành không lập biên bản hoặc sẽ được lập biên bản nếu các bên đồng ý. Kết quả hòa giải do Hội đồng hòa

giải tiến hành là biên bản hòa giải thành hay không thành. Kết quả hòa giải do cơ quan tham mưu của UBND cấp huyện, cấp tỉnh, Bộ TN và MT thực hiện là quyết định công nhận hòa giải thành hoặc quyết định giải quyết tranh chấp nếu hòa giải không thành.

Với hòa giải ngoài tố tụng, nếu các hòa giải viên hoặc Hội đồng hòa giải tiến hành hòa giải thành thì sự thỏa thuận, thống nhất về việc giải quyết tranh chấp sẽ có hiệu lực đối với các bên và nó được thực hiện trên cơ sở tự nguyện. Tuy nhiên, trong buổi hòa giải các bên đã thống nhất đưa ra phương án giải quyết vụ việc nhưng sau đó lại thay đổi ý kiến của mình thì các hòa giải viên hay Hội đồng hòa giải không thể cưỡng chế họ thực hiện nội dung đã thỏa thuận mà chỉ được phép hướng dẫn họ gửi đơn đến UBND cấp xã hoặc lập biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến TAND hoặc UBND cấp huyện để được tiếp tục giải quyết theo quy định. Đối với hòa giải của cơ quan tham mưu thuộc UBND cấp huyện, cấp tỉnh, Bộ TN và MT, nếu hòa giải thành thì Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh, Bộ trưởng ra quyết định công nhận hòa giải thành, còn nếu hòa giải không thành thì Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh, Bộ trưởng ra quyết định giải quyết tranh chấp theo quy định. Quyết định công nhận hòa giải thành được đảm bảo thực hiện bằng biện pháp cưỡng chế.

Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 đã có một điểm mới vô cùng quan trọng, đó là quy định thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Theo Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được Tòa án xem xét, ra quyết định công nhận là kết quả hòa giải thành vụ việc xảy ra giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân, do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền có nhiệm vụ hòa giải đã hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải. Với quy định trên có thể thấy: Kết quả hòa giải thành có thể được Tòa án công nhận rất rộng, trong mọi lĩnh vực, có thể là kết quả hòa giải thành tranh chấp đất đai, có thể là kết quả hòa giải thành tranh chấp về lao động…

Có thể khẳng định: Đây là điểm mới thể hiện rõ nét nhất sự tôn trọng quyền tự định đoạt của công dân. Tòa án chỉ nhận, thụ lý và xét đơn yêu cầu công nhận kết

quả hòa giải thành ngoài Tòa án trên cơ sở đơn yêu cầu của một hoặc các bên và kết quả hòa giải thành chỉ được công nhận khi các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, phải là người có quyền và nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải (trong trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến người thứ ba thì phải được họ đồng ý), nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên phải hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba [30, Điều 417]. Như vậy, việc yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án không phải là thủ tục bắt buộc mà do một hoặc các bên có quyền lựa chọn và quyết định có hay không yêu cầu Tòa án công nhận. Khi kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án đáp ứng đủ các điều kiện theo luật định, Tòa án sẽ ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án và sẽ ra quyết định không công nhận nếu kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án không đảm bảo điều kiện. Quyết định công nhận hoặc không công nhận có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự.

Như trên đã phân tích, hòa giải tranh chấp đất đai ngoài tố tụng là hoạt động của hòa giải viên tổ hòa giải, hòa giải của Hội đồng hòa giải thuộc UBND cấp xã, hòa giải của cơ quan tham mưu thuộc UBND cấp huyện, cấp tỉnh, Bộ TN và MT. Việc hòa giải của cơ quan tham mưu thuộc UBND cấp huyện, cấp tỉnh, Bộ TN và MT nếu thành sẽ được thể hiện bằng quyết định công nhận hòa giải thành, quyết định này được đảm bảo bằng biện pháp cưỡng chế trên cơ sở quyết định ban hành quy định của UBND cấp tỉnh, do vậy sẽ không thuộc đối tượng để Tòa án xem xét công nhận hòa giải thành ngoài Tòa án. Như vậy, đối tượng để Tòa án xem xét công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án có thể suy luận chỉ có thể là kết quả hòa giải thành của hòa giải viên tổ hòa giải, hòa giải của Hội đồng hòa giải thuộc UBND cấp xã. Đây không chỉ là quy định đề cao quyền tự định đoạt của đương sự khi yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành mà còn là quy định đảm bảo hoạt động hòa giải của hòa giải viên tổ hòa giải, của Hội đồng hòa giải trong thực

tế, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ hòa giải viên và đội ngũ cán bộ, công chức tham gia hòa giải, góp phần nâng cao ý nghĩa của hoạt động hòa giải khi vụ việc đã được hòa giải thành, đồng thời cũng là hướng làm giảm việc tranh chấp phải giải quyết tại Tòa án.

1.2.3.2. Hòa giải tranh chấp đất đai trong tố tụng

Hòa giải tranh chấp đất đai trong tố tụng là hình thức hòa giải được tiến hành khi cơ quan này giải quyết tranh chấp theo yêu cầu của một hoặc các bên. Người làm trung gian hòa giải là Tòa án [19, tr 85].

Hòa giải trong tố tụng đối với các tranh chấp đất đai được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, được sửa đổi, bổ sung năm 2011, trên cơ sở đơn khởi kiện của đương sự, Tòa án tiến hành thụ lý vụ án. Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải tranh chấp, cụ thể:

Trong giai đoạn chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, hòa giải tranh chấp là thủ tục bắt buộc. Trước khi đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán được phân công phụ trách vụ án sẽ tiến hành hòa giải tranh chấp giữa các bên. Tham gia hòa giải có Thẩm phán, Thư ký tòa án, nguyên đơn, bị đơn và các thành phần khác theo quy định. Nếu hòa giải thành, sau 7 ngày kể từ ngày hòa giải, các đương sự không có ý kiến khác thì Thẩm phán sẽ ra quyết định công nhận hòa giải thành. Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo và chỉ bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng. Trong trường hợp hòa giải không thành, Thẩm phán lập biên bản hòa giải không thành và quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm và phúc thẩm: Hòa giải không phải là thủ tục bắt buộc, việc hòa giải được thực hiện bởi Hội đồng xét xử. Trước khi tranh tụng và nghị án, nếu các bên tranh chấp thỏa thuận được cách giải quyết vụ việc: HĐXX sơ thẩm sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; HĐXX phúc thẩm sẽ ra bản án phúc thẩm để sửa bản án sơ thẩm đồng ý sự thỏa thuận của các đương

sự. Nếu hòa giải không thành, HĐXX sơ thẩm và phúc thẩm ra bản án theo quy định.

Đến Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, trên cơ sở đơn khởi kiện của đương sự, Tòa án tiến hành thụ lý vụ án. Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật [30, Điều 10]. Việc hòa giải phải tuân theo nguyên tắc luật định như: Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận giữa các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình; nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Việc hòa giải của Tòa án được thể hiện cụ thể:

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục sơ thẩm, hòa giải tranh chấp là thủ tục bắt buộc. Tuy nhiên, để hạn chế thêm việc phát sinh thủ tục không cần thiết, Luật đã có quy định cho ghép phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ với phiên hòa giải, cụ thể: Trước khi đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án sẽ tiến hành hòa giải tranh chấp giữa các bên. Tham gia hòa giải có Thẩm phán, Thư ký tòa án, các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của các đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (nếu có), người phiên dịch (nếu có) và trong trường hợp cần thiết Thẩm phán yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan tham gia. Nếu hòa giải thành, Tòa án lập biên bản hòa giải thành và sau 7 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành, các đương sự không có ý kiến khác thì Thẩm phán sẽ ra quyết định công nhận hòa giải thành. Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và chỉ bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội [30, Điều 213]. Trong trường hợp hòa giải không thành, Thẩm phán lập biên bản hòa giải không thành và quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm và phúc thẩm: Hòa giải được thực hiện bởi Hội đồng xét xử và không phải là thủ tục bắt buộc. Trong phần xét hỏi, trước khi tranh tụng và nghị án, Chủ tọa phiên tòa sẽ hỏi các đương sự có thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án hay không; nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và thỏa thuận của họ là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội: HĐXX sơ thẩm sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; HĐXX phúc thẩm sẽ ra bản án phúc thẩm để sửa bản án sơ thẩm, công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Nếu hòa giải không thành, HĐXX sơ thẩm và phúc thẩm ra bản án theo quy định.

Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn, Tòa án sẽ không tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai và hòa giải riêng mà Thẩm phán tiến hành hòa giải, công khai chứng cứ ngay sau khi khai mạc phiên tòa, cụ thể: Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định sau khi khai mạc phiên tòa, Thẩm phán tiến hành hòa giải, trừ trường hợp không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được theo quy định của luật. Trường hợp các đương sự thỏa thuận với nhau về vấn đề phải giải quyết thì Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận theo quy định của pháp luật, nếu các đương sự không thỏa thuận được với nhau thì Thẩm phán tiến hành xét xử [30, Điều 320]. Có thể khẳng định: Đây là điểm mới trong Bộ luật tố tụng dân sự, thể hiện một cách rõ nét nhất tinh thần cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta trong việc đề cao vai trò của hòa giải khi giải quyết các vụ án dân sự trong đó có tranh chấp đất đai.

Từ sự phân tích trên có thể thấy hòa giải tranh chấp đất đai trong tố tụng và hòa giải tranh chấp đất đai ngoài tố tụng có sự khác nhau, điều này được thể hiện:

Các tiêu chí phân loại Hòa giải trong tố tụng Hòa giải ngoài tố tụng Cơ sở pháp lý Luất đất đai năm 2013; Bộ

luật tố tụng dân sự năm 2015.

Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013; Luật đất đai năm 2013.

Chủ thể thực hiện hòa giải

Tòa án nhân dân Hòa giải viên thuộc tổ hòa giải; Hội đồng hòa giải

thuộc UBND cấp xã; Bộ phận giúp việc, cơ quan tham mưu thuộc UBND cấp huyện, tỉnh, Bộ TN – MT

Quy trình hòa giải thực hiện

Quy trình hòa giải được thực hiện theo trình tự, thủ tục tố tụng

Không có quy trình cụ thể, mang tính chất tùy nghi

Hậu quả pháp lý Hòa giải thành: Tùy từng giai đoạn TAND ban hành những quyết định tương ứng.

Hòa giải không thành: Quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Hòa giải thành: Lập biên bản hòa giải thành hoặc không (Hòa giải cơ sở); Biên bản hoà giải thành (Hội đồng hòa giải); Quyết định công nhận hòa giải thành (UBND cấp huyện, cấp tỉnh, Bộ TN-MT). Hòa giải không thành: Lập biên bản hòa giải không thành hoặc không (Hòa giải cơ sở), Biên bản hòa giải không thành (Hội đồng hòa giải), Quyết định giải quyết tranh chấp (UBND cấp huyện, tỉnh, Bộ TN-MT).

Biện pháp bảo đảm kết quả hòa giải

Kết quả hòa giải được đảm bảo thi hành bởi cơ quan thi hành án theo pháp luật về thi hành án dân sự.

Kết quả hòa giải được đảm bảo thi hành bởi sự tự nguyện của các bên (Hòa giải cơ sở, hòa giải của Hội

đồng hòa giải), bởi quyết định thi hành của cơ quan hành chính đối với hòa giải của UBND cấp huyện, tỉnh, Bộ TN-MT.

Một phần của tài liệu Hòa giải tranh chấp đất đai theo luật đất đai năm 2013 từ thực tiễn hòa giải tranh chấp đất đai trên địa bàn huyện đông anh (Trang 25 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)