thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật. Thông qua hoạt động hòa giải, các hòa giải viên của Tổ hòa giải, các thành viên của Hội đồng hòa giải có cơ hội trau dồi kiến thức, trình độ hiểu biết pháp luật, tích lũy kinh nghiệm cũng như trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân chấp hành pháp luật.
1.2.6. Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hòa giải tranh chấp đất đai đất đai
Hòa giải là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp đất đai được pháp luật ghi nhận và được ưu tiên áp dụng trong thực tế. Một vụ tranh chấp đất đai được hòa giải thành sẽ giúp các bên giải quyết được triệt để mâu thuẫn, bất đồng, duy trì được mối quan hệ, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền của khi theo đuổi các vụ kiện. Do vậy, hòa giải thành đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, kết quả hoà giải tranh chấp đất đai trong thực tế bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố.
1.2.6.1. Yếu tố pháp luật về hòa giải
Hòa giải là phương thức được Nhà nước khuyến khích các bên áp dụng để giải quyết hầu hết các tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội, để hoạt động hòa giải tranh chấp đạt kết quả đòi hỏi phải có cơ sở pháp lý ghi nhận và đảm bảo cho hoạt động đó được thực hiện trong thực tế.
Tại Điều 4, Hiến pháp năm 2013 có quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân…”. Nhà nước pháp quyền là nhà nước đề cao vai trò của Hiến pháp và pháp luật với hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi và là công cụ sắc bén để Nhà nước quản lý xã hội.
Trong những năm qua, hệ thống pháp luật về hòa giải ngày càng được hoàn thiện làm cơ sở pháp lý cho hoạt động hòa giải và được tập trung vào các nhóm nội dung sau:
- Hệ thống pháp luật quy định về cơ cấu, tổ chức và hoạt động của chủ thể tiến hành hòa giải như: Tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của hòa giải viên, tổ hòa giải; thành phần, nhiệm vụ của Hội đồng hòa giải thuộc UBND cấp xã; nguyên tắc, thủ tục hòa giải của Tòa án…
- Hệ thống pháp luật quy định về cơ chế, chính sách đảm bảo cho hoạt động hòa giải như: Quy định về thù lao cho hòa giải viên tổ hòa giải; chính sách khen thưởng, kỷ luật đối với các hòa giải viên; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý và đảm bảo hoạt động của tổ hòa giải…
- Hệ thống pháp luật nội dung làm căn cứ để các chủ thể tiến hành hòa giải vận dụng tuyên truyền, vận động, giải thích hướng các bên tới sự thỏa thuận, thống nhất như các quy định của Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật đất đai, Luật hôn nhân và gia đình…
1.2.6.2. Yếu tố chủ thể tranh chấp đất đai
Bản chất của tranh chấp đất đai là những bất đồng, mâu thuẫn về lợi ích giữa các chủ thể phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng đất. Khi tham gia quan hệ pháp luật đất đai, các chủ thể thường hướng tới những lợi ích nhất định. Tranh chấp đất đai chỉ có thể được giải quyết khi lợi ích của các bên đều được thỏa mãn. Do vậy, chất lượng, hiệu quả của hoạt động hòa giải tranh chấp đất đai phụ thuộc rất lớn vào các chủ thể tranh chấp. Điều này được thể hiện:
- Một hội nghị hòa giải chỉ đạt được kết quả khi các bên tranh chấp đều có thiện chí và mong muốn những bất đồng, mâu thuẫn của mình được giải quyết. Buổi hòa giải được coi là thành công khi các bên tranh chấp thỏa thuận, thống nhất được hướng giải quyết vụ việc, tức là lợi ích của các bên đều được đảm bảo, cả hai cùng thắng, không bên nào thua và ngược lại.
- Kết quả hòa giải tranh chấp đất đai phụ thuộc rất lớn vào trình độ, sự hiểu biết của các bên tranh chấp, nếu các bên tranh chấp có những kiến thức, những hiểu biết nhất định về pháp luật có liên quan thì đó là điều kiện thuận lợi hướng tới một buổi hòa giải thành công và ngược lại.
1.2.6.3. Yếu tố chủ thể tiến hành hòa giải
Thực tế cho thấy: Một buổi hòa giải có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào chủ thể tiến hành hòa giải (người hòa giải). Để đảm bảo chất lượng và hiệu quả của hoạt động hòa giải đòi hỏi người hòa giải phải đáp ứng các yêu cầu sau:
Một là: Phải có kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải.
Hòa giải được coi là khoa học, đồng thời cũng là nghệ thuật. Những người hòa giải là các nhà khoa học và các nghệ sỹ. Một người tham gia hòa giải được coi là có kỹ năng khi:
Khi được phân công hòa giải, người hòa giải phải xây dựng được kế hoạch, lựa chọn thời gian, địa điểm hòa giải thích hợp. Trong quá trình xác minh vụ việc phải tìm hiểu nguyên nhân, xác định được nguyên nhân chính, nguyên nhân sâu xa dẫn tới mâu thuẫn, bất đồng; xác định được lợi ích của các bên bị ảnh hưởng khi tranh chấp. Khi hòa giải tranh chấp biết vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật, phong tục tập quán địa phương; phải kiên trì tuyên truyền, vận động thuyết phục các bên đi đến sự thỏa thuận thống nhất.
Kỹ năng của người hòa giải còn được thể hiện ở kỹ năng điều hành hội nghị, kỹ năng đặt câu hỏi đối với các bên tranh chấp, kỹ năng thiết lập các loại văn bản theo quy định...
Hai là: Người hòa giải phải có kinh nghiệm, năng lực, trình độ hiểu biết pháp luật nói chung và pháp luật đất đai nói riêng. Trong hòa giải, người hòa giải đóng vai trò trung gian, tham mưu, tư vấn, giúp đỡ các bên tranh chấp về mặt pháp lý, tình cảm, giúp các bên đi đến sự thỏa thuận, thống nhất. Do vậy, để hòa giải thành công người hòa giải phải có kinh nghiệm, có năng lực, có hiểu biết pháp luật.
Ba là: Người hòa giải cần có thái độ khách quan, công bằng và công tâm trong quá trình hòa giải, hòa giải là phương thức đảm bảo tối đa quyền tự định đoạt của các bên tranh chấp. Trong hòa giải, người hòa giải đóng vai trò trung gian nên phải có thái độ công tâm, khách quan, công bằng, không được thiên vị bên này làm
ảnh hưởng đến lợi ích của bên kia, không được áp đặt ý chí của mình lên các bên tranh chấp hoặc bắt họ phải thực hiện theo ý kiến của mình.
1.2.6.4. Yếu tố nhận thức của hệ thống chính trị về vị trí, vai trò của hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai
Trong thực tế cho thấy, ở nơi nào, địa phương nào Cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân nhận thức đúng đắn vai trò, tầm quan trọng của hòa giải trong việc giải quyết tranh chấp cũng như tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất cho hoạt động hòa giải thì nơi đó hoạt động hòa giải được đề cao, các tổ hòa giải được đảm bảo hoạt động và phát huy hiệu quả của mình trong việc giải quyết các tranh chấp phát sinh và ngược lại.
Như vậy, Chương 1 của Luận văn đã đi sâu nghiên cứu các vấn đề pháp lý về hòa giải tranh chấp đất đai như: Tranh chấp đất đai, giải quyết tranh chấp đất đai, hòa giải tranh chấp đất đai, tính ưu việt của hòa giải so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác, làm rõ những vấn đề pháp lý cơ bản này là rất cần thiết và quan trọng. Bởi vì, chỉ khi nào hiểu rõ được ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của hòa giải tranh chấp đất đai thì khi đó mới có thể đưa ra được những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hòa giải tranh chấp đất đai trong thực tế.
Chƣơng 2