Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hòa giải tranh chấp đất đai của tổ hòa giả

Một phần của tài liệu Hòa giải tranh chấp đất đai theo luật đất đai năm 2013 từ thực tiễn hòa giải tranh chấp đất đai trên địa bàn huyện đông anh (Trang 88 - 90)

của tổ hòa giải

Hoạt động hòa giải của Tổ hòa giải được thực hiện bởi các hòa giải viên. Đây là những người được nhân dân bầu trên cơ sở đề xuất của Ban công tác mặt trận thôn, tổ dân phố. Trong những năm qua, hoạt động hòa giải của hòa giải viên đã góp phần giải quyết thành công những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, trong đó có tranh chấp đất đai. Tuy nhiên, tranh chấp đất đai trong thực tế nảy sinh ngày càng nhiều với tính chất ngày càng phức tạp. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hòa giải viên cần thực hiện một số các giải pháp sau:

Một là: Phát huy vai trò của Ban công tác mặt trận các thôn, làng, bản… trong việc lựa chọn, giới thiệu những người có uy tín, trình độ, kinh nghiệm, nhiệt tình, trách nhiệm để nhân dân bầu làm hòa giải viên tổ hòa giải.

Hai là: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hòa giải cơ sở trong việc giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội. UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân trong xã bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Củng cố hoạt động của Tổ dân vận các thôn, các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, xây dựng tủ sách pháp luật, tổ chức các hội nghị, tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh xã, hệ thống truyền thanh các thôn các văn bản pháp luật để nâng cao sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.

Ba là: Tăng cường sự lãnh đạo của Cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và sự phối hợp tham gia của MTTQ cùng các tổ chức thành viên trong việc quản lý, duy trì hoạt động của các hòa giải viên, các tổ hòa giải; thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn về tổ chức góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hòa giải viên và Tổ hòa giải. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của UBND huyện đối với hoạt động của các tổ hòa giải cơ sở; hoạt động quản lý nhà nước về công tác hòa giải của UBND các xã, thị trấn.

Bốn là: Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải cho các hòa giải viên, trong đó chú trọng đến việc bồi dưỡng về nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho các hòa giải viên như: Kỹ năng lập biên bản, kỹ năng tuyên truyền, vận động thuyết phục các bên tranh chấp. Thường xuyên cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật cho các hòa giải viên nhằm nâng cao trình độ, kiến thức pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ cho các hòa giải viên thuộc các tổ hòa giải cơ sở.

Năm là: Tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết, đồng thời có chính sách khen thưởng, động viên kịp thời các hòa giải viên, các tổ hòa giải thực hiện tốt công tác hòa giải.

Sáu là: Thường xuyên tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hòa giải viên giỏi, tuyên truyền viên pháp luật giỏi dưới các hình thức phong phú, đa dạng, trong đó có hình thức thi sân khấu hóa.

Bảy là: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ các hòa giải viên được trả thù lao theo vụ việc, được hưởng chế độ khi thực hiện nhiệm vụ gặp tai nạn… Tuy nhiên thực tế việc áp dụng chế độ, chính sách này cho các hòa giải viên còn gặp nhiều khó khăn, việc cấp phát tài liệu, bút, giấy cho các tổ hòa giải ở một số địa phương chưa được thực hiện vì không bố trí được nguồn ngân sách, việc thanh toán thù lao cho các hòa giải viên còn phức tạp, thủ tục rườm rà. Do vậy cần huy động và đảm bảo các nguồn lực đầu tư về kinh phí và vật chất cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Tám là: Thực hiện tốt công tác tổng hợp, thống kê, báo cáo kết quả hoạt động các tổ hòa giải của UBND cấp xã làm cơ sở cho cơ quan nhà nước phân tích, đánh giá kết quả hoạt động của tổ hòa giải để từ đó có sự điều chỉnh, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật cho phù hợp.

Chín là: Phát huy vai trò của cán bộ, công chức phòng Tư pháp huyện, cán bộ, công chức Tư pháp xã trong việc tham mưu, đề xuất với UBND huyện, UBND xã quản lý, bồi dưỡng, cung cấp tài liệu nghiệp vụ cho hòa giải viên tổ hòa giải.

Một phần của tài liệu Hòa giải tranh chấp đất đai theo luật đất đai năm 2013 từ thực tiễn hòa giải tranh chấp đất đai trên địa bàn huyện đông anh (Trang 88 - 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)