Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hòa giải tranh chấp đất đai của Tòa án nhân dân

Một phần của tài liệu Hòa giải tranh chấp đất đai theo luật đất đai năm 2013 từ thực tiễn hòa giải tranh chấp đất đai trên địa bàn huyện đông anh (Trang 93 - 96)

của Tòa án nhân dân

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của xã hội, số vụ án tranh chấp về đất đai do Tòa án thụ lý ngày càng tăng, nội dung vụ án ngày càng phức tạp. Theo quy định, sau khi thụ lý vụ án, trước khi mở phiên tòa sơ thẩm TAND sẽ hòa giải theo quy định. Tuy nhiên trong thực tế cho thấy: Hoạt động hòa giải của Tòa kết quả đạt được không cao, số vụ hòa giải thành đạt tỷ lệ thấp. Do vậy, để nâng cao chất lượng hòa giải của TAND đối với các tranh chấp đất đai cần phải thực hiện các giải pháp sau:

Một là: Đối tượng của tranh chấp đất đai là QSD đất chứ không phải là quyền sở hữu vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện nên cần có cơ chế hòa giải tranh chấp đất đai phù hợp.

Hai là: Thường xuyên củng cố đội ngũ cán bộ, công chức TAND các cấp, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải cho đội ngũ Thẩm phán được phân công phụ trách vụ án. Nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ cho đội ngũ Thẩm phán trong hòa giải các vụ án tranh chấp đất đai. Cần đưa tiêu chí tỷ lệ số vụ việc hòa giải thành trong năm để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ Thẩm phán các Tòa án.

Ba là: Cần thành lập một bộ phận với các Thẩm phán chuyên làm công tác hòa giải các vụ án tranh chấp đất đai tại các TAND, hướng tới đảm bảo tính chuyên nghiệp trong hoạt động hòa giải của Tòa án.

Bốn là: Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác hòa giải của Tòa án cũng như đảm bảo cơ chế, chính sách cho những người tham gia hòa giải.

Năm là: Cần thiết phải có sự kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp đối với hoạt động hòa giải của TAND trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm.

Hòa giải là phương thức đã đem lại hiệu quả khi giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội. Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội, các tranh chấp đất đai nảy sinh ngày càng nhiều đã tác động và ảnh hưởng không nhỏ tới mọi mặt của đời sống xã hội. Để hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả do tranh chấp đất đai gây ra, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về hòa giải tranh chấp đất đai cũng như việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải là vô cùng cần thiết. Nó được coi là giải pháp quan trọng góp phần giữ vững ổn định an ninh trật tự, tạo nền tảng cho sự phát triển của đất nước.

KẾT LUẬN

Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu sử dụng đất làm nguồn lực cho sự phát triển kinh tế của tổ chức, cá nhân ngày càng tăng. Tỷ lệ thuận với nhu cầu sử dụng đất của tổ chức, cá nhân là những bất đồng, mâu thuẫn về lợi ích sẽ phát sinh. Để giảm tải những bất đồng, mâu thuẫn phát sinh trong quá trình quản lý, khai thác, sử dụng đất, giữ vững ổn định chính trị - trật tự xã hội, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích cá nhân, lợi ích Nhà nước, lợi ích cộng đồng, đồng thời góp phần giải tải những thiệt hại về tinh thần, vật chất của các chủ thể tranh chấp đất đai, giảm tải lượng công việc của các cơ quan nhà nước, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức tự quản, cộng đồng dân cư thì việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải là nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi có sự tham gia tích cực, đông đảo của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Với một hệ thống các giải pháp như: Từ việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo cơ chế chính sách đến việc phát huy và phát triển nguồn lực con người, chúng tôi muốn đóng góp một phần công sức vào việc nâng cao nhận thức của mỗi người dân, của toàn xã hội về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của hòa giải trong giải quyết tranh chấp nói chung, giải quyết tranh chấp đất đai nói riêng để từ đó hướng tới việc xây dựng một chuẩn mực, một mô hình hòa giải hoạt động hiệu quả trong việc giải quyết các tranh chấp đất đai phát sinh từ thực tế, phong phú của cuộc sống xã hội Việt Nam.

Một phần của tài liệu Hòa giải tranh chấp đất đai theo luật đất đai năm 2013 từ thực tiễn hòa giải tranh chấp đất đai trên địa bàn huyện đông anh (Trang 93 - 96)