trên địa bàn huyện Đông Anh
2.2.4.1. Những thành tựu đạt được thông qua hòa giải tranh chấp đất đai
Một là: Các xã trên địa bàn huyện đều phân công một công chức Tư pháp đảm đương nhiệm vụ tiếp công dân, phối hợp với cán bộ Địa chính xác minh, tìm hiểu vụ việc để tham mưu với Chủ tịch UBND xã tổ chức hội nghị hòa giải tranh chấp đất đai xảy ra trên địa bàn xã. Hầu hết các công chức Tư pháp và công chức Địa chính của 24 xã, thị trấn đều có trình độ chuyên môn là Đại học có chuyên ngành phù hợp với công việc đảm nhiệm.
Hai là: Hàng năm phòng Tư pháp, phòng Thanh tra nhà nước, phòng TN và MT đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức các hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm cung cấp kịp thời các quy định mới của pháp luật như: Luật đất đai, Luật hòa giải ở cơ sở, Luật khiếu nại, Luật tố cáo... cho đội ngũ cán bộ, công chức chuyên môn và các hòa giải viên, tuyên truyền viên các xã, thị trấn.
Ba là: 195/195 thôn, làng, tổ dân phố đều có các tổ hòa giải. Các hòa giải viên ở cơ sở thường là Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Hội viên các chi hội. Đa số họ là những cán bộ, công nhân viên chức tại các cơ quan, xí nghiệp về nghỉ chế độ theo quy định của Nhà nước, họ có nhiệt huyết, tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, có tinh thần trách nhiệm, trình độ học vấn và kinh nghiệm sống phong phú, đây là yếu tố quan trọng hỗ trợ họ khi hòa giải các tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội.
Bốn là: Để làm căn cứ cho hoạt động giải quyết tranh chấp đất đai, trên cơ sở các quy định của pháp luật, UBND huyện Đông Anh đã ban hành quy định về tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của cơ quan, tổ chức công dân liên quan đến đất đai để áp dụng trên địa bàn huyện, trong đó quy định cụ thể về trách nhiệm của UBND huyện, UBND xã, Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND xã, phòng TN và MT, công chức Địa chính trong việc tham mưu, giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng đất.
2.2.4.2. Những tồn tại, hạn chế trong hòa giải tranh chấp đất đai
Bên cạnh những thành tựu đạt được, hoạt động hòa giải tranh chấp đất đai trên địa bàn huyện Đông Anh còn một số tồn tại, hạn chế, đó là:
Thứ nhất: Vai trò đại diện của MTTQ tham gia vào hoạt động hòa giải của Hội đồng hòa giải cũng như trong việc giới thiệu người có đủ tiêu chuẩn bầu làm hòa giải viên còn mờ nhạt. Trong một số phiên hòa giải của Hội đồng hòa giải, đại diện MTTQ chỉ được mời tham gia khi vụ việc tranh chấp có tính chất phức tạp, việc hòa giải tranh chấp có khả năng sẽ không thành và có thể các bên đương sự sẽ tiếp tục đề nghị cấp có thẩm quyền tiếp theo xem xét giải quyết vụ việc.
Thứ hai: Hoạt động hòa giải của một số hòa giải viên tổ hòa giải còn hạn chế, các hòa giải viên chưa chủ động hòa giải các tranh chấp phát sinh, nghiệp vụ của một số hòa giải viên còn yếu; một số vụ việc tranh chấp các hòa giải viên thực hiện việc hòa giải còn mang tính hình thức, làm qua loa, làm cho xong việc, nhiều vụ việc còn đùn đẩy trách nhiệm giải quyết lên UBND cấp xã vì pháp luật quy định việc hòa giải của các hòa giải viên chỉ mang tính chất khuyến khích chứ không phải là bắt buộc.
Thứ ba: Trong hòa giải tranh chấp đất đai, một số xã vẫn làm theo quy định cũ, không thành lập Hội đồng hòa giải theo quy định của Luật đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành; việc hòa giải một số vụ tranh chấp còn kéo dài so với thời gian quy định; một số vụ việc tranh chấp phức tạp, việc hòa giải còn qua loa, không kiên trì vận động, tuyên truyền và thuyết phục các bên tranh chấp dẫn tới hoà giải không đạt kết quả như mong muốn.
Thứ tư: Ở một số xã, việc thường xuyên củng cố kiện toàn về tổ chức, đảm bảo kinh phí hoạt động cũng như hướng dẫn nghiệp vụ cho các hòa giải viên tổ hòa giải chưa được quan tâm nên chưa khuyến khích được sự tham gia tích cực của các hòa giải viên trong công tác hòa giải.
Thứ năm: Việc phân định giữa đơn thư có nội dung tranh chấp đất đai với đơn thư có nội dung liên quan đến đất đai còn gặp nhiều khó khăn gây ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả của hoạt động hòa giải.
Thứ sáu: Hoạt động hòa giải của một số UBND xã, Hội đồng hòa giải kết quả đạt được chưa cao. Có một số vụ việc trong quá trình giải quyết do xác định chưa đúng nguyên nhân cũng như dạng tranh chấp, loại quan hệ tranh chấp nên việc hòa giải không đi đúng hướng dẫn tới hòa giải không thành, không hóa giải được mâu thuẫn, bất đồng giữa các bên mà còn làm thay đổi bản chất, nội dung vụ việc tranh chấp.
Ngôi nhà từ đường của dòng họ Hoàng được tọa lạc trên thửa đất với diện tích là 1.432 m2 có khoảng 300 năm trước, được sửa chữa, trùng tu vào năm 1975 bằng tiền đóng góp của các thành viên trong dòng họ. Trước khi UBND huyện Đông Anh cấp GCN QSD đất cho bà Hoàng Thị Hồng, khu đất 1.432 m2 do ông Hoàng Văn Phát (bố bà Hồng) là trưởng chi 1 đồng thời cũng là Trưởng họ quản lý, sử dụng, trông coi. Sau khi ông Hoàng Văn Phát qua đời năm 1975, vợ và những người con gái của ông Phát tiếp tục được giao quản lý và sử dụng ngôi nhà thờ họ. Năm 2004, đại diện dòng họ Hoàng đồng ý để bà Hồng thay mặt dòng họ làm các thủ tục xin cấp GCN QSD đất đối với diện tích 1.432 m2 nêu trên.
Trước khi lập hồ sơ xin cấp GCN QSD đất, bà Hồng và các chị em gái đã cam kết với dòng họ Hoàng là làm GCN QSD đất thay dòng họ, khi hoàn thành thủ tục xong sẽ chuyển giao lại cho dòng họ quản lý hương khói lâu dài. Năm 2011, phát hiện bà Hồng được cấp GCN QSD đất mang tên hộ gia đình, đại diện dòng họ Hoàng đã nhiều lần có ý kiến yêu cầu bà Hồng trả lại cho dòng họ khu nhà thờ họ, các công trình trên đất và một phần diện tích khuôn viên làm nơi thờ cúng, giỗ, tết nhưng bà Hồng không trả vì cho rằng đây là tài sản hợp pháp của gia đình bà đã
được Nhà nước công nhận. Đại diện dòng họ Hoàng đã làm đơn gửi đến UBND xã đề nghị giải quyết tranh chấp giữa dòng họ và gia đình bà Hồng.
Để giải quyết tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình bà Hồng với dòng họ, UBND xã X đã tổ chức hòa giải bằng việc hợp thức hóa hợp đồng mua bán (bà Hồng bán lại phần đất có nhà thờ họ cho dòng họ Hoàng), buổi hòa giải không thành. Đại diện dòng họ đã gửi đơn đến UBND huyện. Để giải quyết đơn của dòng họ, UBND huyện chỉ đạo UBND xã X tổ chức xác minh nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của các bên. UBND xã đã tiến hành xác minh vụ việc theo quy định, tuy nhiên UBND huyện không giải quyết dứt điểm vụ việc nên dòng họ đã khiếu nại đến UBND thành phố Hà Nội.
Tại Thông báo số 133/TB-UBND ngày 18/11/2015 của UBND thành phố Hà Nội đã khẳng định việc UBND huyện Đông Anh cấp GCN QSD đất cho hộ gia đình bà Hoàng Thị Hồng không đúng với hồ sơ xin cấp và không đúng quy định tại Thông tư 346 của Tổng cục địa chính hướng dẫn thủ tục đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận. Trong quy trình triển khai các bước cấp giấy chứng nhận cũng chưa đảm bảo theo quy định tại Quyết định số 65 của UBND thành phố Hà Nội về cấp GCN QSD đất. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giao Chủ tịch UBND huyện thu hồi sổ đỏ cấp sai kể trên; rút kinh nghiệm trong việc chậm xử lý đơn thư…
Như vậy, có thể khẳng định bản chất của vụ việc trên là tranh chấp đòi nhà thờ họ hiện đang do người khác quản lý, sử dụng xuất phát từ nguyên nhân do người đang quản lý, sử dụng đã kê khai sai hồ sơ nhằm mục đích hợp thức hóa nhà thờ của dòng họ thành tài sản của hộ gia đình, cá nhân và do sự tắc trách của chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, lập hồ sơ cấp GCN QSD đất cho công dân. Tuy nhiên, UBND xã đã không giải quyết theo đúng bản chất của vụ việc mà lại động viên các bên tranh chấp giải quyết mâu thuẫn bằng việc hợp thức hóa hợp đồng chuyển nhượng QSD đất giữa các bên tranh chấp nên không hóa giải được triệt để mâu thuẫn.
Thứ bảy: Trong hoạt động hòa giải của Tòa án ở giai đoạn chuẩn bị xét xử, một số Thẩm phán còn giao phóng cho Thư ký Tòa án thực hiện việc hòa giải. Việc giao phóng này vừa vi phạm thủ tục tố tụng vừa ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động hòa giải.
Thứ tám: Hoạt động hòa giải tranh chấp đất đai của cơ quan tham mưu thuộc UBND huyện chưa được chú trọng và quan tâm. Việc tham mưu giải quyết tranh chấp đất đai của phòng TN và MT được giao phóng cho một chuyên viên từ việc xác minh đơn thư đến tổ chức hòa giải và tham mưu ra quyết định giải quyết. Trong khi đó, chuyên viên phòng TN và MT đảm nhiệm rất nhiều công việc. Do vậy, chất lượng, hiệu quả hòa giải của UBND huyện đạt được chưa cao.
2.2.4.3. Những nguyên nhân của tồn tại và hạn chế
Còn một số tồn tại, hạn chế trong hòa giải tranh chấp đất đai như đã nêu ở trên do rất nhiều nguyên nhân, cụ thể:
Thứ nhất: Một số địa phương chưa nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác hòa giải nên thiếu sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác hòa giải, chưa thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở.
Thứ hai: Việc tập huấn nghiệp vụ cho hòa giải viên các tổ hòa giải, các cán bộ, công chức làm nhiệm vụ giải quyết đơn thư mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp các thông tin có liên quan đến các quy định của pháp luật chứ chưa đi sâu vào việc tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải như: Kỹ năng truyền đạt, vận động, thuyết phục; kỹ năng tổ chức hội nghị hòa giải; kỹ năng viết biên bản hòa giải; kỹ năng xác minh vụ việc …Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, Luật đất đai nói riêng chưa đi sâu vào đời sống nhân dân.
Thứ ba: Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một số cán bộ, công chức, hòa giải viên còn hạn chế, không đồng đều, thiếu gương mẫu, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Thứ tư: Do ảnh hưởng của phong tục tập quán lạc hậu đã tác động đến nhận thức của người dân, trở thành rào cản tâm lý chi phối đến quyền tự định đoạt, thỏa thuận của các bên tranh chấp đất đai khi giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn.
Có thể khẳng định: Xuất phát từ nhu cầu và đòi hỏi của thực tiễn, hệ thống chính sách, pháp luật cũng như cơ cấu, tổ chức bộ máy đảm bảo cho hoạt động hòa giải tranh chấp đất đai của nước ta ngày càng hoàn thiện. Đây là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo cho hoạt động hòa giải tranh chấp đất đai trong cả nước nói chung, hoạt động hòa giải tranh chấp đất đai trên địa bàn Đông Anh nói riêng phát huy được vai trò trong việc đảm bảo quyền tự định đoạt của công dân, duy trì các mối quan hệ, góp phần ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của địa phương và đất nước.
Chƣơng 3