- Chia theo hiện trạng sử dụng đất lâm nghiệp
2.3.2. Mối liên hệ giữa quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Tỉnh với các vấn đề kinh tế xã hội nông thôn
nghiệp của Tỉnh với các vấn đề kinh tế - xã hội nông thôn
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015 không chỉ tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển mà còn góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, hoàn thiện dần kết cấu hạ tầng và từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần của cư dân nông thôn.
Cơ sở hạ tầng nông thôn đã được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Đến hết năm 2015, có gần 90% tuyến đường huyện được nhựa hóa, bê tông hóa. Cơ bản hoàn chỉnh hệ thống các trục đường chính của huyện nối với đường tỉnh và các đầu mối giao thông của vùng, tạo hệ thống giao thông thuận lợi, thúc đẩy phát triển khu vực nông thôn.
Các công trình thủy lợi được đầu tư theo quy hoạch, góp phần nâng cao năng lực tưới tiêu chủ động cho các loại cây trồng. Trên địa bàn tỉnh có 43 công trình thủy lợi vừa và nhỏ với tổng năng lực thiết kế tưới 6.592 ha, tiêu 10.063 ha làm nhiệm vụ tưới, tiêu và chống lũ phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu thoát nước vùng hạ lưu các khu công nghiệp, khu dân cư của tỉnh.
Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 98%. Hệ thống điện tiếp tục được cải tạo, đầu tư và phát triển đồng bộ, đảm bảo điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Đến cuối năm 2015, có 99,97% hộ ở nông thôn có điện.
Hệ thống mạng bưu chính, viễn thông ở khu vực nông thôn được đầu tư cải thiện, nâng cao chất lượng và mở rộng đến các thôn, ấp. Hiện 100% số xã ở nông thôn đều sử dụng điện thoại di động, điện thoại cố định không dây và truy cập internet với nhiều hình thức.
Mạng lưới bán lẻ, chợ nông thôn, trung tâm thương mại, siêu thị,… được đầu tư và mở rộng. Tổng số chợ trên địa bàn nông thôn là 58 chợ, đạt 46,7%. số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế là 100%. số xã có thiết chế văn hóa đạt 37,36%.
Công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, xã hội luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trợ giúp về y tế, giáo dục, vay vốn tín dụng, dạy nghề, tạo việc làm, xây dựng, sửa chữa nhà…. Đến nay, 100% người nghèo trên địa bàn tỉnh được cấp thẻ bảo hiểm y tế, hàng ngàn người nghèo được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm dần qua các năm và thoát nghèo bền vững.
Bình Dương là một trong những địa phương nâng mức chuẩn nghèo cao hơn so với chuẩn nghèo do Chính phủ quy định. Giai đoạn 2011- 2013 chuẩn nghèo địa phương (nông thôn: 800.000 đồng/người/tháng- thành thị: 1.000.000 đồng/người/tháng), tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 là 2,58% đến năm 2013 giảm còn 0,69%. Đến giai đoạn 2014- 2015, tỉnh tiếp tục nâng chuẩn nghèo mới (nông thôn: 1.000.000 đồng/người/tháng- thành thị: 1.100.000 đồng/người/tháng), tỷ lệ hộ nghèo năm 2013 là 1,52% đến năm 2015 giảm còn 0,5%. Tiếp tục duy trì thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, gia đình thương binh, liệt sĩ, các đối tượng bảo trợ xã hội… Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng có thu nhập thấp đã hoàn thành 18/76 dự án nhà ở xã hội với 10.495 căn hộ, đáp ứng cho 36.938 người. Hệ thống an sinh xã hội ở nông thôn được quan tâm và thực hiện có hiệu quả.
Thu nhập của người dân nông thôn liên tục tăng. Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đạt 1.988.000 đồng/tháng, bằng 62% thu nhập bình quân của tỉnh. Năm 2015 tăng lên trên 4.500.000 đồng/tháng bằng 73,96% thu nhập bình quân toàn tỉnh. Nhìn chung, thu nhập của người dân nông thôn dần được cải thiện nhưng với tình hình giá cả, lạm phát cao như hiện nay thì mức tăng này vẫn chưa bền vững.
Đại bộ phận dân cư nông thôn sống phân tán theo khu, ấp truyền thống Đông Nam Bộ gắn với sản xuất nông nghiệp, theo các tuyến đường giao thông, ven sông, ven rạch,... Nhìn chung, đời sống vật chất tinh thần của dân cư nông thôn các vùng sâu của tỉnh còn thấp do điều kiện kinh tế - xã hội chưa phát triển. Phần lớn các xã chưa xây dựng quy hoạch cấp xã, qui hoạch điểm dân cư theo quy định.
Đầu tư y tế ở nông thôn được chú trọng, hệ thống mạng lưới y tế cơ sở hiện đã đáp ứng được yêu cầu sơ cấp cứu tại cơ sở, điều trị được những ca bệnh thông thường. Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe ở nông thôn vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể như ở tuyến xã, huyện, trang thiết bị, các phương tiện cấp cứu còn thiếu, chưa thu hút được người bệnh dẫn đến tình trạng quá tải ở tuyến tỉnh; nguồn nhân lực y tế còn thiếu, số lượng các phòng khám đa khoa phân bổ chưa đều trên địa bàn.
Các chợ hiện có đã đáp ứng được nhu cầu mua bán của người dân khu vực nông thôn. Tuy nhiên vẫn còn 33 xã chưa có chợ (bao gồm 25 xã vùng giáp ranh thị trấn và vùng xa, 8 xã mới được tách ra), một số chợ hình thành tự phát gần khu, cụm công nghiệp làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, cảnh quan và vệ sinh môi trường.
Hoạt động phát thanh truyền hình đã phủ sóng 75/75 xã của tỉnh, 7/9 huyện có đài truyền thanh, 02 huyện mới tách đang tiến hành xây dựng đài truyền thanh, 88% ấp có loa huyền thanh để truyền tải các thông tin, chủ trương, chính sách của Đảng đến với nhân dân. Nhìn chung, thiết chế văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, cơ sở vật chất chưa được đầu tư
đồng bộ, chất lượng phục vụ chưa cao, đọc sách báo ở xã chưa phát triển, nội dung và chất lượng thông tin phục vụ nhân dân còn hạn chế.
Tóm lại, với những phân tích nêu trên, mối quan hệ giữa chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp với các yếu tố xã hội chưa phải hoàn toàn là quan hệ “tỷ lệ thuận”. Nông nghiệp phát triển nhưng khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn vẫn còn cách biệt, trình độ dân trí vẫn còn thấp, mức sống của người dân chưa được nâng cao, cơ sở hạ tầng nông thôn còn nghèo nàn lạc hậu. Do đó, mục tiêu bền vững về mặt xã hội trong quá trình hội nhập quốc tế vẫn chưa đạt kết quả cao.