Quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế về nông nghiệp

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh bình dương trong bối cảnh hội nhập quốc tế (Trang 35 - 38)

1.3.1 Quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế về nông nghiệp

Việt Nam đã ngày càng tham gia tích cực và chủ động vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 đã đánh dấu sự khởi đầu của một quá trình tham gia vào nền kinh tế toàn cầu bình đẳng với tất cả các thành viên khác của tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh. Kể từ thời điểm đó, Việt Nam liên tục tham gia đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác đa phương, khu vực và song phương. Hiện, chúng ta đã tham gia đàm phán, ký kết và đang triển khai thực hiện 7 FTA, gồm: Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), FTA ASEAN - Trung Quốc, FTA ASEAN - Ấn Độ, FTA ASEAN - Australia/New Zealand, FTA ASEAN - Hàn Quốc, FTA ASEAN - Nhật Bản và FTA Việt Nam - Nhật Bản. Ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 nước Australia, Brunei, Canada, Chi-lê, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Pê-ru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam.

Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng đã đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội.

Thông qua mở rộng thị trường quốc tế và khu vực, những mặt hàng nông nghiệp có thế mạnh đã dần chiếm lĩnh thị trường thế giới, đem lại kim ngạch xuất khẩu cao cho đất nước. Việt Nam trở thành quốc gia có vị thế trên thế giới. Xuất siêu trong nông sản ngày càng tăng (kể cả trong những giai đoạn khó khăn), góp phần cân đối cán cân thương mại. Thực hiện nguyên tắc tự do hóa thương mại, Việt Nam chấp nhận mở cửa thị trường nhập khẩu các nông sản mà mình không có thế mạnh để cải thiện đời sống, tăng phúc lợi cho người tiêu dùng, tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận với hàng hóa chất

lượng và giá bán tốt hơn; đồng thời phát triển mối quan hệ đa phương công bằng, hiệu quả.

Chấp nhận cạnh tranh, mặc dù phải chịu nhiều rủi ro và các yếu tố bất định từ thương mại quốc tế, nhưng người sản xuất Việt Nam đã từng bước làm quen, từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản, không ỷ lại vào trợ cấp và hàng rào bảo vệ thương mại của Nhà nước. Chính sách thương mại nông sản Việt Nam có những tác động tích cực, thúc đẩy quá trình thích ứng với toàn cầu hóa sản xuất và kinh doanh nông nghiệp.

Trong giai đoạn 2000 - 2012, GDP của ngành nông nghiệp liên tục tăng với tốc độ tăng bình quân 3,5%/năm. Giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp tăng khá nhanh với tốc độ bình quân 17%/năm.

Việt Nam hiện có hàng chục mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực mang tầm vóc quốc tế, trong đó xuất khẩu hạt tiêu đứng thứ nhất, gạo, cà phê, sắn đứng thứ 2, cao su đứng thứ 4, thuỷ hải sản đứng thứ 5, chè đứng thứ 7 thế giới và nhiều mặt hàng khác.

Nếu năm 2010, Việt Nam mới chỉ có 18 thị trường xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD, thì đến năm 2015 đã tăng lên 28 thị trường. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của các thị trường hơn 1 tỷ USD chiếm gần 90% kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Tuy năm 2015 so với năm 2014, do khó khăn về thời tiết, nhu cầu và giá cả thị trường khiến giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 14,04 tỷ USD, giảm 1,9%; nhưng xuất khẩu nông nghiệp vẫn có nhiều điểm sáng tích cực, tổng giá trị xuất siêu đạt 7,09 tỷ USD. Xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính đạt 7,23 tỷ USD, tăng 10,2%. Đặc biệt, có sự cải thiện cơ cấu theo hướng nâng cao tỷ lệ thành phẩm cao cấp và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản nông sản xuất khẩu, tiêu biểu là trong 6,55 triệu tấn gạo xuất khẩu, thì gạo trắng cao cấp và gạo thơm chiếm 47% (gạo trắng cao cấp chiếm gần 28,5%, tăng gần 36,5% và gạo thơm chiếm

gần 23%, tăng gần 18,5%). Xuất khẩu tiêu đạt 135.000 tấn, với giá trị kim ngạch 1,26 tỷ USD, tuy giảm 13% về khối lượng, nhưng tăng 5% về giá trị. Xuất khẩu điều đạt 328.000 tấn, tăng 8,3% và là năm đầu tiên đạt kim ngạch hơn 2,5 tỷ USD, tăng 20,2%. Điều này đã thể hiện đầu tư công nghệ chế biến và máy móc thiết bị, năng xuất lao động từng bước được nâng cao.

Tại một số thị trường mới như Trung Đông, Singapore, lượng tiêu thụ điều Việt Nam cũng tăng rất mạnh, gần 80%. Việt Nam hiện đang chế biến tới 50% sản lượng điều xuất khẩu trên thế giới. Tuy vậy, nhu cầu xuất khẩu tăng, nhưng sản lượng điều thô trong nước chỉ đáp ứng được 40% nên Việt Nam phải nhập khẩu tới 60% từ châu Phi, Indonesia về để chế biến. Một thuận lợi cho ngành điều Việt Nam là hầu hết 11 nước thành viên TPP đều có nhu cầu cao về nhập khẩu điều của Việt Nam. Nếu theo đúng cam kết, khi thực thi TPP, thuế nhập khẩu điều vào các thị trường này giảm từ 2 - 5% xuống còn 0%, sẽ giúp cho Việt Nam tăng sức cạnh tranh về mặt hàng này.

Điểm đáng chú ý, trong sản xuất, chuỗi cung ứng trong tiêu thụ nông sản ngày càng được quan tâm hơn. Vùng nông thôn đã từng bước hình thành tổ chức sản xuất đa dạng như doanh nghiệp, kinh tế hợp tác, trang trại, làng nghề, kinh tế hộ,… Đời sống, thu nhập của nông dân ngày càng được nâng cao hơn, khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn giảm rõ nét. Ở nhiều nơi, đã xuất hiện một số chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp như rau an toàn, bò sữa, hợp tác xã sản xuất giống,… góp phần giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng nông sản, ổn định sản xuất và thị trường.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu to lớn như trên, nhưng xét về thực lực của Việt Nam cũng như tiềm năng của quá trình hội nhập có thể nhận thấy Việt Nam chưa khai thác hết được lợi thế do quá trình hội nhập đem lại, hay nói cách khác là các ích lợi do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đem lại cho ngành nông nghiệp còn thấp hơn nhiều so với tiềm năng thực tế. Nguyên nhân

trước hết là quá trình triển khai khi gia nhập chưa có sự chuẩn bị đúng mức về nội lực cho cả doanh nghiệp và nông dân. Việc thay đổi thể chế chính sách chưa bắt kịp những cam kết cần thực hiện và thiếu vắng những hoạt động hỗ trợ về mặt kỹ thuật, pháp lý, tiêu chuẩn chất lượng để thực hiện hiệu quả các cam kết.

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh bình dương trong bối cảnh hội nhập quốc tế (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)