Mối liên hệ giữa quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Tỉnh với tăng trưởng, phát triển và hiệu quả kinh tế

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh bình dương trong bối cảnh hội nhập quốc tế (Trang 65 - 70)

- Chia theo hiện trạng sử dụng đất lâm nghiệp

2.3.1. Mối liên hệ giữa quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Tỉnh với tăng trưởng, phát triển và hiệu quả kinh tế

Trong giai đoạn 2011-2015, cơ cấu kinh tế của Tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành dịch vụ và công nghiệp, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Vì vậy, tỷ trọng GDP ngành nông nghiệp trong GDP toàn tỉnh ngày một giảm. Tuy nhiên, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp bình quân hàng năm tăng 4%.

Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Tỉnh có bước tăng trưởng ổn định, đóng góp vào sự tăng trưởng chung. Tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp bình quân đạt 5,21%/ năm. Trong đó, trồng trọt tăng 3,26%, chăn nuôi tăng 12,98%, dịch vụ nông nghiệp tăng 9,08%, lâm nghiệp tăng 4,41%, thủy sản tăng 27,76%.

Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Trong ngành nông nghiệp, mặc dù tỷ trọng nông nghiệp (theo nghĩa hẹp) ngày càng giảm nhưng tỷ trọng giá trị sản xuất và diện tích cây lâu năm (chủ yếu là cây cao su) tăng nhanh, giá trị sản xuất và diện tích cây trồng hàng năm, tiêu, điều ngày một giảm. Sự chuyển dịch này là hợp lý nhằm phát huy lợi thế kinh tế của cây cao su, cây ăn trái, một số loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng của Bình Dương.

Cây trồng hàng năm hướng đến sản xuất các loại rau an toàn, hoa cây cảnh,… phù hợp với điều kiện đất đai ngày một giảm do quá trình đô thị hóa của tỉnh Bình Dương.

Giá trị sản xuất bình quân một ha sản xuất nông nghiệp cũng không ngừng tăng lên. Năm 2011 đạt 63,24 triệu đồng/ha/năm. Năm 2015 tăng lên 90,2 triệu đồng/ha/năm.

Năng suất các loại cây trồng ngày càng tăng. Năng suất lúa năm 2011 đạt 39,2 tạ/ha đến năm 2015 tăng lên 41,3 tạ/ha. Năng suất rau các loại năm 2011 đạt 145,5

tạ/ha năm 2015 tăng lên 147,9 tạ/ha. Năng suất đậu phộng năm 2011 đạt 13,7 tạ/ha năm 2015 tăng lên 14,6 tạ tấn/ha.

Các giống cây trồng có năng suất cao được áp dụng trên hầu hết các loại cây trồng chính của tỉnh như: 75% diện tích cây bưởi, 80% diện tích sầu riêng, 100% diện tích rau,...

Máy móc được áp dụng ngày càng nhiều trong sản xuất nông nghiệp từ làm đất, tưới nước, vận chuyển nông sản,... góp phần năng cao năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi.

Từng bước áp dụng các tiêu chuẩn như VietGap; GlobalGap trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Chăn nuôi của tỉnh phát triển rất nhanh dẫn đến tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp tăng nhanh. Hình thành các vùng chăn nuôi tập trung tại các huyện Dầu Tiếng, Bến Cát. Các trang trại chăn nuôi lựa chọn những con giống có năng suất cao, đầu tư hệ thống chuồng trại hiện đại, giảm ô nhiễm môi trường, kiểm soát dịch bệnh. Dây chuyền giết mổ gia súc, gia cầm hiện đại cũng đã được đầu tư thay thế dần các lò mổ thủ công, không đảm bảo vệ sinh.

Dịch vụ nông nghiệp cũng từng bước phát triển, góp phần vào sự phát triển của ngành nông nghiệp.

Diện tích đất lâm nghiệp cũng ngày một tăng, trồng mới bằng cây giống tốt, chăm sóc rừng được đầu tư hàng năm. Rừng được giao cho các chủ quản lý, tiến hành giao khoán đất rừng cho các tổ chức, cá nhân quản lý, chăm sóc, không để xảy ra cháy rừng và tài nguyên rừng.

Cơ cấu thủy sản nuôi phát triển theo hướng ngày càng đa dạng về chủng loại, tăng dần tỷ trọng nuôi trồng thủy hải sản.

Nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã từng bước được hình thành và phát triển. Nhiều nông hộ, trang trại đã chủ động ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp như: canh tác trong nhà lưới, trồng thủy canh, sử dụng hệ thống chuồng lạnh trong chăn nuôi,…

Tuy nhiên, dù đã đạt được nhiều thành tựu trong việc nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi nhưng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với hiệu quả kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch chậm. Các mô hình tổ chức sản xuất trong nông nghiệp chậm được đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa. Công nghiệp chế biến chưa gắn với xây dựng nguồn nguyên liệu. Năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của một số sản phẩm nông nghiệp còn thấp, khả năng cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế, thương hiệu nông sản chưa được chú trọng.

Hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp ở Bình Dương chưa thật sự mạnh, vai trò cầu nối giữa các nhà khoa học và người sản xuất thiếu gắn kết chặt chẽ. Lực lượng cán bộ chuyển giao khoa học công nghệ tỉnh Bình Dương chưa đủ số lượng, chất lượng, cơ sở vật chất và trang thiết bị chuyên ngành. Chưa tương xứng với yêu cầu của nền sản xuất hiện đại.

Chất lượng nguồn nhân lực khó có thể đáp ứng. Đa số lớn tuổi nên khó đào tạo lại; Cơ cấu cán bộ khoa học kỹ thuật và cán bộ quản lý sản xuất, kinh doanh nông nghiệp thiếu về số lượng và bất hợp lý về cơ cấu ngành nghề; Đặc biệt rất ít lao động có năng lực trình độ về phát triển nông nghiệp sinh thái đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Các nguồn lực, đặc biệt là vốn, khoa học công nghệ, cán bộ chuyên môn (về lĩnh vực giống, công nghệ mới, công nghệ sinh học,...) và lực lượng công nhân kỹ thuật có tay nghề để hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân, doanh nghiệp vẫn còn thiếu và yếu. Nguồn lực của các nông hộ có hạn nên sản xuất chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm, chưa có chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chỉ hỗ trợ thực hiện theo chính sách khuyến nông, nguồn đầu tư sản xuất còn hạn chế,… đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh (nhất là trong lĩnh vực trồng trọt).

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn nhỏ lẻ, các khu nông nghiệp công nghệ cao mới bắt đầu triển khai. Các mô hình sản xuất rau quả ứng dụng công nghệ cao vẫn đang trong quá trình sản xuất thử nghiệm, chi phí đầu tư lớn nên chưa được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất.

So với ngành chăn nuôi, số lượng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong trồng trọt và thủy sản còn ít. Trình độ khoa học công nghệ trong sản xuất vẫn còn thấp so với các mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở một số tỉnh thành trong khu vực.

Lãi suất vay vốn phục vụ nông nghiệp tại hầu hết các tổ chức tín dụng vẫn còn ở mức cao. Thủ tục vay vốn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là cho vay chủ yếu dưới hình thức thế chấp tài sản.

Công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra rất nhanh ở các huyện phía Nam của tỉnh nhưng nông nghiệp đô thị chưa được quan tâm nghiên cứu, chưa có quy hoạch, chương trình và giải pháp thúc đẩy phát triển.

Tóm lại, từ những phân tích trên có thể nhận thấy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi để nông nghiệp phát triển, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng hình thành các loại

cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, tiềm lực về vốn, nhân lực và khoa học công nghệ còn hạn chế. Đồng thời vẫn chưa có nhiều chính sách ưu đãi, chính sách hỗ trợ cho nông dân khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là lĩnh vực công nghệ cao, nông nghiệp đô thị. Vì vậy, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với hiệu quả kinh tế vẫn chưa thật sự bền vững.

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh bình dương trong bối cảnh hội nhập quốc tế (Trang 65 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)