Các giải pháp về phát triển nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của khách sạn công đoàn bà rịa vũng tàu (Trang 77 - 80)

Cơ sở giải pháp:

Với thách thức về các đối thủ cạnh tranh ngày càng cao hiện nay thì khách sạn cần phải khắc phục những điểm yếu về nguồn nhân lực bằng cách thực hiện các giải

pháp về phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Lao động sáng tạo của con người là nhân tố quyết định hiệu quả kinh doanh. Xu thế xây dựng nền kinh tế tri thức đòi hỏi đội ngũ lao động phải có trình độ chuyên môn cao, có năng lực sáng tạo. Mặt khác, đối tượng tiếp xúc của ngành du lịch là con người, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài với đủ mọi thành phần, lứa tuổi, trình độ... Sự hiểu biết, thái độ của nhân viên khách sạn có vai trò rất lớn trong việc duy trì và thu hút khách du lịch đến với khách sạn do đó để tăng lượng khách, tăng số ngày lưu trú của khách tại khách sạn nhằm tăng doanh thu thì vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng của nhân viên luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu.

Nội dung giải pháp:

Mặc dù công tác đào tạo, quy hoạch nguồn nhân lực đã được khách sạn chú trọng nhưng tốc độ thực hiện vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển và cạnh tranh; phong cách và thái độ phục vụ của nhân viên đôi lúc còn chủ quan, thiếu tập trung trong lúc làm nhiệm vụ nên đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ. Vì vậy khách sạn cần có những giải pháp thiết thực về phát triển nguồn nhân lực để hoạt động kinh doanh mang lại hiệu quả cao hơn, cụ thể:

+ Theo kết quả điều tra thì đánh giá của khách đối với thái độ phục vụ của nhân viên ở một số bộ phận là không cao. Điều này có ảnh hưởng lớn đến chất lượng dịch vụ. Vì vậy, lãnh đạo khách sạn cần đẩy mạnh công tác giáo dục tư tưởng, kiểm tra, đánh giá cũng như huấn luyện tay nghề cho nhân viên, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

+ Khi tuyển dụng nhân viên, ngoài yêu cầu về trình độ học vấn, về ngoại ngữ, ngoại hình tuổi tác... khách sạn cần chú ý đến vấn đề sức khoẻ vì có sức khỏe họ mới hăng hái, nhiệt tình trong công việc. Đồng thời họ phải là những người có kiến thức xã hội rộng và khả năng giao tiếp tốt nhằm tạo ra không khí thân thiện, gần gũi với du khách.

+ Xây dựng cơ cấu lao động tối ưu, đảm bảo đội ngũ lao động đủ việc làm trên cơ sở phân công và bố trí lao động hợp lý phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng và trình độ của mỗi người.

+ Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho nhân viên bằng việc đầu tư, tạo điều kiện cho lao động tham gia học tập nghiên cứu. Tăng cường cử cán bộ công nhân viên (CBCNV) đi tham gia các khoá đào tạo tập trung, tại chức, ngắn hạn, dài hạn, học ngoài giờ tại các trường và trung tâm. Cử CBCNV tham gia các đợt nghiên cứu học tập trao đổi kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ thông qua các chuyến công tác, khảo sát và tham gia hội nghị ở các đơn vị du lịch tại các địa phương trong và ngoài nước.

+ Hàng kỳ, quý, năm khách sạn cần phải tổ chức các hình thức thi tay nghề để động viên, khuyến khích nhân viên nâng cao tay nghề, kích thích sự sáng tạo, ý thức tự giác, tự lực của nhân viên. Trên cơ sở đó để nâng cao bậc lương, bậc công tác để người lao động có cơ hội phát huy hết năng lực của mình, đồng thời là cơ hội để nhân viên học hỏi kinh nghiệm và hiểu biết nhau hơn.

Yếu tố lao động ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh của khách sạn. Do vậy khi xây dựng tiêu chuẩn dịch vụ mà không quan tâm đến yếu tố con người thì không có được dịch vụ mong muốn. Do vậy, công tác tuyển chọn, đào tạo, kiểm tra, giám sát thường xuyên, đánh giá, xếp loại và xây dựng chế độ khen thưởng, xử phạt hợp lý sẽ góp phần khuyến khích người lao động hăng hái, nhiệt tình hơn trong công việc và tạo nên chất lượng dịch vụ tốt, nâng cao hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh của khách sạn.

Điều kiện thực hiện giải pháp:

Ban lãnh đạo nên tạo điều kiện cho nhân viên được tham gia các buổi huấn luyện chuyên nghiệp về nghiệp vụ của mình. Mỗi nhân viên nên tự ý thức nâng cao chuyên môn của mình qua việc phụ vụ khách hàng làm sao cho “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Đây là ngành đặc thù nên yêu cầu nhân viên phải biết giao tiếp tiếng anh vì vậy ban giám đốc nên hỗ trợ và đôn đốc toàn bộ nhân viên của khách sạn được học tiếng anh giao tiếp để phục vụ khách nước ngoài khi đến khách sạn được tốt hơn.

Kết quả đạt được:

Với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp có nhiều kinh nghiệm và giỏi về chuyên môn thì việc khách sạn ngày càng phát triển sẽ trong một ngày không xa. Và có nhiều

chế độ đãi ngộ đối với nhân viên như vậy thì khách sạn sẽ luôn luôn có một đội ngũ nhân viên chân thành và làm việc hết lòng vì khách sạn.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của khách sạn công đoàn bà rịa vũng tàu (Trang 77 - 80)