Theo IMF (2001) bản dịch tham khảo dự án cải cách quản lý tài chính công – Bộ Tài Chính Việt Nam đã cho rằng: Khu vực công được hợp thành bởi Khu vực Chính phủ và các doanh nghiệp công.
2.1.4.1 Doanh nghiệp công
Doanh nghiệp công là các đối tượng pháp nhân được tạo lập nhằm mục đích sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ cho thị trường, có thể là nguồn đem lại lợi nhuận hoặc lợi ích cho chủ sở hữu. Các đơn vị thể chế đủ tiêu chuẩn doanh nghiệp được chính quyền sở hữu và kiểm soát được gọi là doanh nghiệp công.
2.1.4.2 Khu vực Chính phủ
Theo giáo trình Kế toán HCSN do PGS.TS Võ Văn Nhị và Cộng sự đã định nghĩa: “Khu vực Chính phủ hay Chính phủ nói chung, bao gồm mọi đơn vị Chính phủ và mọi thể chế phi lợi nhuận, phi thị trường được các đơn vị Chính phủ kiểm soát và tài trợ phần lớn. Thông thường đơn vị Chính phủ được sử dụng để nói về các đơn vị thuộc về Chính phủ nói chung và đơn vị HCSN là một trong những đơn vị thuộc khu vực này”.
Trong luận văn này, tác giả tập trung vào đơn vị HCSN để tiến hành nghiên cứu và phân tích. Vì vậy, trong bài khi nói đến khu vực công, tác giả muốn đề cập đến đơn vị HCSN.
Đơn vị HCSN là các đơn vị hoạt động vì mục tiêu phi lợi nhuận, sử dụng NSNN cấp để thực hiện các công việc quản lý Nhà nước, quản lý hành chính, quản lý xã hội và cung cấp các loại dịch vụ công cho xã hội. Hoạt động HCSN luôn gắn liền với mục tiêu phục vụ cho đời sống, và lợi ích của nhân dân và đây là mục đích chính, cơ bản và chủ yếu.
Nguồn kinh phí hoạt động chính của đơn vị HCSN chủ yếu được tài trợ từ NSNN cấp toàn bộ, cấp một phần, hay các khoản thu khác từ phí, lệ phí, trợ cấp, thuế…Do đó, không có mối quan hệ giữa người thụ hưởng dịch vụ với người chi trả dịch vụ và các đơn vị này chịu sự chi phối quản lý trực tiếp từ Luật ngân sách Nhà nước.
Phạm vi hoạt động của đơn vị HCSN bao trùm lên mọi vùng miền, lĩnh vực, thuộc mọi cấp độ quản lý của Nhà nước và các hoạt động cung cấp dịch vụ công cho xã hội.
b.Phân loại:
Đơn vị hành chính: bao gồm các tổ chức hoạt động trong hệ thống các cơ quan
lập pháp, cơ quan hành pháp và các cơ quan tư pháp của Nhà nước như: các bộ, ủy ban nhận dân các cấp…Hoạt động cơ bản của các đơn vị HCSN là cung cấp dịch vụ về quản lý hành chính công và luật pháp cho xã hội. Chất lượng hàng hóa, dịch vụ do các đơn vị này cung cấp quyết định đến tính hiệu lực và hiệu quả vận hành bộ máy quản lý Nhà nước. Do chỉ thuần túy là phục vụ quản lý Nhà nước nên các đơn vị này không tạo ra nguồn thu, mà có thì cũng không đáng kể, chủ yếu là tạo ra các khoản phí.
Đơn vị sự nghiệp: là các đơn vị hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cung cấp các
hàng hóa, dịch vụ công cho xã hội trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao…Mục đích hoạt động của các đơn vị này không vì lợi nhuận. Trong quá trình cung cấp hàng hóa, dịch vụ công cho xã hội, các đơn vị sự nghiệp được phép tạo lập nguồn thu nhập nhất định thông qua các khoản thu nhập chi phí và các khoản thu từ cung ứng dịch vụ để trang trải chi tiêu, tạo
nguồn tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức. Nhưng những hoạt động này là hoạt động phụ, không ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp dịch vụ công cho xã hội. Đơn vị HCSN cũng là một đơn vị kế toán, nên cũng có nhiệm vụ tổ chức công tác kế toán theo đúng quy định của Nhà nước để thu thập, xử lý, cung cấp những thông tin kế toán, tài chính thông qua BCTC nhằm phục vụ cho nhu cầu sử dụng của các đối tượng sử dụng thông tin bên trong và bên ngoài đơn vị.
c. Các cấp dự toán trong quản lý và sử dụng NSNN
Có 3 cách để phân loại đơn vị HCSN: phân loại theo chức năng hoạt động, theo hoạt động quản lý và theo tình hình tiếp nhận, phân bổ, và sử dụng nguồn kinh phí.
Căn cứ vào chức năng hoạt động, đơn vị HCSN được chia thành 4 loại:
- Các đơn vị hành chính từ Trung ương cho tới các địa phương.
- Các đơn vị sự nghiệp thực hiện việc cung cấp các dịch vụ công hoạt động trong
các vùng lãnh thổ của quốc gia.
- Các tổ chức đoàn thể xã hội, nghề nghiệp.
- Các đơn vị an ninh, quốc phòng bao gồm các đơn vị quân đội, công an.
Căn cứ vào cấp quản lý theo cơ cấu bộ máy Nhà nước thì đơn vị HCSN được
phân thành 2 loại:
- Đơn vị HCSN cấp Trung ương.
- Đơn vị HCSN cấp địa phương.
Căn cứ vào việc tiếp nhận, phân bổ, và sử dụng kinh phí Nhà nước, thì đơn vị
HCSN được phân thành 3 cấp:
- Đơn vị dự toán cấp 1: trực tiếp nhận kinh phí Ngân sách từ Thủ tướng Chính phủ hoặc chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thực hiện việc phân bổ chi phí cho các đơn vị dự toán cấp 2 hoặc cấp 3.
- Đơn vị dự toán cấp 2: nhận kinh phí từ ngân sách được phân bổ từ đơn vị dự toán cấp 1 và tiến hành phân bổ kinh phí cho các đơn vị dự toán cấp 3.
- Đơn vị dự toán cấp 3: tiếp nhận kinh phí được phân bổ từ đơn vị dự toán cấp 1, hoặc cấp 2 và sử dụng kinh phí được cấp để thực hiện các hoạt động.
Sơ đồ 2.1: Sơ đồ phân bổ dự toán các cấp
Nguồn: Giáo trình Kế Toán hành chính sự ghiệp của PGS.TS.Võ Văn Nhị (2015)
* Theo định nghĩa trên thì khu vực công gồm doanh nghiệp công và khu vực Chính phủ. Khái niệm này mang tính chất rộng và bao phủ. Vì vậy, tác giả chỉ chọn Khu vực công tại khu vực Chính phủ hay đơn vị HCSN làm đối tượng để nghiên cứu trong bài viết của mình. Do đó, việc chuyển đổi cơ sở kế toán khu vực công cũng sẽ đề cập đến kế toán đơn vị HCSN tại Việt Nam.