Ngoài các đặc điểm giống với hoạt động giao nhận hàng hóa nói chung như không tạo ra sản phẩm vật chất, mang tính thụ động do phụ thuộc vào nhu cầu của người tiêu dùng, mang tính thời vụ và phụ thuộc vào cơ sở vật chất, trình độ của người giao nhận ra thì dịch vụ giao nhận hàng nhập khẩu bằng đường biển còn có một số đặc điểm đặc trưng sau:
Thứ nhất, vận tải đường biển có năng lực vận chuyển lớn, phương tiện vận tải là các tàu có sức chở lớn, có thể vận hành nhiều phương tiện trong cùng một thời điểm trên cùng một tuyến đường.
Thứ hai, giao nhận hàng nhập khẩu bằng đường biển thích hợp cho việc vận chuyển hầu hết các loại hàng hóa trong thương mại quốc tế. Đặc biệt là các loại hàng rời, có khối lượng lớn và giá trị thấp như: than đá, quặng, ngũ cốc, phốt phát, dầu mỏ.
Thứ ba, chi phí đầu tư xây dựng các tuyến đường hàng hải thấp. Các tuyến đường hàng hải hầu hết hết đều là tuyến giao thương tự nhiên, không đòi hỏi quá nhiều nguồn vốn, nguyên vật liệu, sức lao động để xây dựng, duy trì, bảo quản, ngoại trừ việc xây dựng các kênh đào và hải cảng.
Thứ tư, giá thành vận tải thấp. Giá thành giao nhận hàng nhập khẩu bằng đường biển thuộc vào loại thấp nhất trong tất cả các phương thức vận tải do trọng tải tàu biển lớn, cự ly vận chuyển trung bình xa, biên chế ít nên năng suất lao động trong ngành vận tải biển cao.
Thứ năm, vận tải biển phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, điều kiện hàng hải. Các tàu biển thường gặp rất nhiều rủi ro hàng hải như mắc cạn, đắm, cháy, đâm va nhau, đâm phải đá ngầm,...
Cuối cùng, tốc độ của các loại tàu biển tương đối thấp. Tốc độ tàu chỉ khoảng 14 – 20 hải lý/ giờ. Tốc độ này thấp hơn so với tốc độ của tàu hỏa và máy bay. Về mặt kỹ thuật có thể đóng các con tàu với tốc độ cao hơn. Tuy nhiên, đối với các tàu chở hàng, các kỹ sư phải duy trì một tốc độ kinh tế nhằm giảm giá thành vận tải mà hàng hóa vẫn được đảm bảo an toàn.