Thị trường giao nhận

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng dịch vụ giao nhận hàng hóa nhập khẩu bằng đường biển tại công ty cổ phần giao nhận vận tải vàng (Trang 51 - 53)

Nguồn: Phòng kinh doanh năm 2018, 2019, 2020

Nhận xét: Biểu đồ qua các năm cho thấy việc phát triển thị trường giao nhận hàng nhập khẩu bằng đường biển của Công ty Cổ phần giao nhận vận tải Vàng phân bố không đồng đều, thị trường chiếm lĩnh hơn phân nửa doanh thu tại công ty là Trung Quốc, tiếp đến hai thị trường chủ lực khác là Hàn Quốc và Indonesia, các thị trường khác chiếm tỷ trọng thấp và chưa được chú trọng.

Có thể khẳng định Trung Quốc là một thị trường đa dạng cả về hàng hóa thành phẩm đến nguyên vật liệu sản xuất. Ngoài ra, với vị trí địa lý thuận lợi là giáp cạnh Việt Nam, vì vậy tiết kiệm được khá lớn thời gian vận chuyển cũng như chi phí đi lại, trong ba năm gần đây thị phần kinh doanh dịch vụ giao nhận của công ty ở thị trường này luôn giữ mức tăng trưởng ổn định 56,35% - 59,82% - 62,09% từ năm 2018 đến năm 2020 và hứa hẹn sẽ còn phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Đối với thị trường Hàn Quốc, hàng hóa nhập khẩu nhiều nhất mà công ty thực hiện theo nhu cầu khách hàng chủ yếu là mỹ phẩm, thiết bị điện tử và linh kiện, máy móc,... phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng trong nước. Ba năm gần đây, thị trường Hàn Quốc có chiều hướng giảm sút từ 20,47% năm 2018 xuống còn 16,25% năm 2020. Nguyên nhân chính do các công ty sản xuất thu mua nguyên vật liệu từ Hàn Quốc đã tìm được nguồn hàng mới, chất lượng đảm bảo nhưng giá thành tốt hơn, cạnh tranh hơn và quy trình nhập hàng tiết kiệm hơn từ một số quốc gia khác. Các mặt hàng trước đây nhập khẩu chính từ phía Hàn Quốc nhanh chóng bị thay thế bởi những sản phẩm mới. Tuy nhiên, đây vẫn là một thị trường tiềm năng mà công ty cần chú trọng nghiên cứu và phát triển hơn nữa.

Đứng thứ ba là thị trường Indonesia, những năm gần đây, lượng hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia này có xu hướng tăng tuy nhiên không đồng đều, cao nhất là năm 2018 chiếm 18,86%, giảm nhẹ vào năm 2019 và tăng trưởng trở lại năm 2020 với 17,62%. Một số mặt hàng công ty nhập khẩu chính từ Indonesia có thể kể tới như: máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày, hóa chất,... Đây cũng là thị trường thuộc khu vực Asean nên các mặt hàng nhập khẩu thường nằm trong danh mục miễn thuế nhập khẩu, chi phí vì vậy mà được giảm đáng kể.

Ngoài ra, công ty còn nhập hàng từ một số thị trường khác như Anh, Mỹ, Nhật Bản,... tuy nhiên chiếm tỷ trọng rất nhỏ, lượng khách hàng còn thấp. Hiện tại, công ty đang nỗ lực nghiên cứu và phát triển để mở rộng quy mô kinh doanh, xây dựng các đại lý ở hầu hết các quốc gia. Đồng thời nâng cao trình độ nhân viên và hoàn thiện hơn nữa bộ máy quản lý vận hành để có thể đáp ứng được nhu cầu đa dạng từ phía khách hàng, giúp khách hàng xử lý nhanh nhất các vấn đề xảy ra khi nhập khẩu hàng hóa cũng như tạo cảm giác tin tưởng khi sử dụng dịch vụ tại công ty.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng dịch vụ giao nhận hàng hóa nhập khẩu bằng đường biển tại công ty cổ phần giao nhận vận tải vàng (Trang 51 - 53)