6. Kết cấu khóa luận
1.6. Một số kinh nghiệm trong và ngoài nước trong việc nâng cao năng lực
cạnh tranh cho doanh nghiệp
Trong tiến trình hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp (DN) đang phải đối diện với vô vàn thách thức và khó khăn, đòi hỏi mỗi DN phải đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh để thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Và để khuyến khích phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của DN trong thời kỳ hội nhập Thứ nhất, phải tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho các thành phần DN. Đây là yếu tố quan trọng nhất cho sự phát triển bền vững và hiệu quả của tất cả các DN, vì DN mới là chủ thể chính để tự vươn lên nâng cao sức cạnh tranh, còn Nhà nước chỉ đứng ra tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, về luật pháp, tài chính, đất đai, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ… Để hoàn thiện mục tiêu trên, phải đẩy mạnh cải cách, giảm thiểu thủ tục hành chính (nhất là đối với
các cơ quan quản lý đầu tư, thuế vụ, kiểm định chất lượng, bảo vệ môi trường), hướng tới xây dựng một chính quyền điện tử vì nhân dân, phục vụ DN; đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng; thực hiện công khai, minh bạch trong thể chế chính sách và các thủ tục hành chính liên quan. Bên cạnh đó, cần có hỗ trợ thông tin và truyền thông cho DN để góp phần minh bạch hóa và nâng cao uy tín; và sự chính xác trong hoạt động quản lý nhà nước đối với DN. Thứ hai, phát triển hệ thống tài chính để các DN dễ dàng tiếp cận các nguồn tài chính hơn: Đa dạng hóa các hình thức bảo lãnh tín dụng, các hình thức dịch vụ tài chính và sản phẩm tài chính, từng bước nâng cao tỉ lệ và quy mô các khoản vay trung và dài hạn, mở rộng linh hoạt chế độ thế chấp tài sản, có thể thế chấp bằng động sản, phương tiện, cổ phiếu, dự án đang đầu tư. Thành lập quỹ phát triển DN quốc gia; khuyến khích việc hình thành các quỹ hoặc DN bảo lãnh, bảo hiểm tín dụng, xây dựng các chương trình hay dự án tài chính vi mô hỗ trợ. Vận dụng chính sách thuế để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), nhất là khu vực nông thôn, lĩnh vực nông nghiệp. Thứ ba, tăng cường các dịch vụ hỗ trợ: Có quy hoạch định hướng DNVVN, phát triển tập trung theo chuỗi chuyên ngành. Xây dựng các khu tập trung DN theo phương châm phát huy lợi thế so sánh khu vực, tiết kiệm đất đai, bảo vệ môi trường, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các chương trình hỗ trợ của Chính phủ. Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ công đối với DN thông qua các hình thức đầu tư xã hội hóa, xây dựng cơ chế phối hợp giữa DN với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, trong việc nghiên cứu và triển khai, chia sẻ tài nguyên khoa học kỹ thuật. Thứ tư, đối với Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN): Phải quyết liệt đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc DNNN trong đó tập trung vào việc sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa. Tập trung phát triển các DN lớn, các tập đoàn có thực lực hùng hậu, sức cạnh tranh lớn. Đẩy mạnh cổ phần hóa những DN mà nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn, thoái vốn đầu tư vào những ngành nghề không liên quan, có thể cổ phần hóa toàn bộ đối với các DN có tỉ lệ vốn Nhà nước hiện nắm giữ dưới 50%. Tách bạch quản lý Nhà nước và quản lý DN để DN thực hiện tốt quyền tự chủ; tăng cường tính hiệu quả trong cơ chế quản trị, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý DN; đồng thời có thể mời các
nhà quản lý nước ngoài trở thành các quản lý cấp cao, tuyển dụng công khai vị trí quản lý cho DNNN.
Đối với các khoản nợ của DNNN, có thể nghiên cứu trả nợ bằng cổ phiếu, huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu với tiền đề đảm bảo tỉ lệ khống chế của Nhà nước. Việc thực hiện quyền giám sát DNNN, nhất là các tập đoàn kinh tế nhà Nước được giao cho nhiều cơ quan và mỗi cơ quan lại thực hiện được một số quyền khác nhau sẽ dẫn đến phân tán, không hiệu quả, nhất là trong quản lý, giám sát sử dụng vốn, đầu tư, nhân sự, tiền lương… Có thể nghiên cứu mô hình quản lý tập trung như Ủy ban quản lý và giám sát tài sản Nhà nước như của Trung Quốc để chỉ đạo, quản lý và giám sát quá trình điều chỉnh và tái cơ cấu DNNN.