- Về hộ nghèo
3.3.2. Nhóm giải pháp nâng cao thu nhập cho hộ nghèo
Thứ nhất: Để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, trước hết cần tiếp tục duy tăng trưởng kinh tế trên diện rộng, làm cho hộ nghèo ngày càng được hưởng lợi nhiều hơn từ những thành quả của sự tăng trưởng. Có tăng trưởng, có tích lũy mới có nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo. Kinh nghiệm thực hiện các chương trình giảm nghèo cho thấy, nguồn lực chính để thực hiện giảm nghèo là Ngân sách Nhà nước, là nguồn thu nhờ vào tăng trưởng kinh tế mà có. Tại huyện Văn Yên nguồn thu tại địa phương còn thấp nên chủ yếu dựa vào ngân sách của tỉnh và của trung ương trợ giúp theo kế hoạch hàng năm. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu giảm nghèo bền vững dựa vào tăng trưởng thì tỉnh phải bố trí cơ cấu nguồn lực hợp lý để đầu tư cho giai đoạn phát triển mới, nên ưu tiên đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nơi có 96,44% số hộ nghèo sinh sống.
Trong vài năm trước mắt, huyện phải suy nghĩ tìm cách tác động nhanh nhất giúp người nhèo đẩy mạnh sản xuất, tạo thu nhập, thực hiện giảm nghèo, làm đà cho bước giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tiếp theo. Giải quyết vấn đề này theo ba định hướng: bổ túc kiến thức cho hộ nghèo đẩy mạnh sản xuất tại chỗ có thể tổ chức các lớp học tập huấn về kiến thức sản xuất hoặc qua các kênh truyền thông, đài phát thanh của huyện, xã, thôn; tìm nghề phụ, nhất là lĩnh vực gia công chế biến nông sản như sắn, quế; cung cấp các dịch vụ đầu vào cho hộ nghèo sản xuất theo hướng tạo sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, dễ tiêu thụ.
Thứ hai: Để có tăng trưởng phải có đầu tư. Việc đầu tư chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp. Vì vậy, huyện cần có cơ chế khuyến khích đặc biết đối với các doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào công tác giảm nghèo. Có hai đối tượng cần khuyến khích:
Một là khuyến khích những người sống ở các khu đô thị đầu tư vào khu vực miền núi để phát triển kinh tế thông qua chính sách tín dụng, thuế, đất đai và đầu tư hạ tầng hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dạy nghề, tạo việc làm ổn định cho hộ nghèo.
Miễn giảm các loại thuế, phí cho doanh nghiệp đầu tư vào vùng khó khăn hoặc các doanh nghiệp giúp giải quyết vấn đề việc làm, phát triển ngành nghề, bao tiêu sản phẩm cho hộ nghèo
Hai là khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ngay tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, đây là loại doanh nghiệp của hộ nghèo hoặc có hộ nghèo tham gia. Các doanh nghiệp loại này tham gia xây dựng, chế biến hoặc sơ chế nông sản cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến hàng xuất khẩu, hoặc phát triển kinh tế trang trại ở khu vực miền núi.
Thứ ba: Vấn đề mấu chốt là các hộ nghèo phải có ý thức trách nhiệm với chính bản thân và gia đình mình trong việc chăm lo sản xuất, tạo thu nhập, vươn lên tự giảm nghèo. Chính quyền các cấp phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn các hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo. Để làm được điều này, chính quyền các cấp phải giải quyết những vấn đề cốt lõi như cấp đủ đất cho dân sản xuất, xây dựng các công trình thủy lợi cấp nước sản xuất, hỗ trợ giống, phân bón, các ngành hướng dẫn kỹ thuật canh tác để từng bước các hộ nghèo tự tổ chức sản xuất, trồng cây gì, nuôi con gì, chế biến, tiêu thụ sản phẩm ở đâu. Tạo việc làm cho hộ nghèo là cần thiết, nhưng thay đổi tập quán chai lì, chậm chạp, làm ăn không biết tính toán của hộ nghèo, người dân tộc thiểu số lại càng quan trọng hơn.