Quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nƣớc

Một phần của tài liệu Hoạt động đối ngoại nhân dân của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới (Trang 65 - 69)

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ thế giới đối với cuộc đấu tranh của nhân dân đã tạo nên mặt trận to lớn, góp phần vào thắng lợi của nhân dân Việt Nam. Xây dựng quan hệ hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước tiếp túc là một lĩnh vực quan trọng của công tác đối ngoại nhân dân trong giai đoạn hiện nay nhằm góp phần tranh thủ sự ủng hộ quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng đất nước của nhân dân ta.

Thời gian đầu sau Đại hội VI cho đến đầu thập kỷ 90, hoạt động hữu nghị nhân dân gặp nhiều khó khăn do bối cảnh quốc tế và trong nước. Sự sụp đổ của Liên xô và hệ thống XHCN Đông Âu khiến các tổ chức hòa bình, đoàn kết hữu nghị của nhân dân thế giới, đặc biệt ở các nước Liên xô cũ và Đông Âu gặp nhiều khó khăn về tổ chức, phương hướng hoạt động. Ở trong nước, khủng hoảng kinh tế xã hội diễn ra trầm trọng và càng trầm trọng hơn bởi vấn đề Cămpuchia.

Thời gian sau đó, những thách thức của toàn cầu hóa cùng nhiều vấn đề toàn cầu nảy sinh đã buộc các phong trào, các tổ chức hòa bình, đoàn kết hữu nghị phải điều chỉnh mục tiêu, nội dung phương thức hoạt động và tổ chức để bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc và lợi ích phát triển. Bên cạnh đó, nước ta đã đạt được những thành tựu bước đầu của công cuộc đổi mới, quan hệ đối ngoại được mở rộng ở cấp độ khu vực và quốc tế đồng thời công tác đối ngoại nói chung và đối ngoại nhân dân nói riêng được Đảng quan tâm và tăng cường lãnh đạo. Tình hình đó ảnh hưởng rất thuận lợi đến tổ chức và hoạt động của các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị nhằm góp phần tích cực thực hiện đường lối, nhiệm vụ và chính sách đối ngoại do các Đại hội Đảng đề ra. Các hội nghị toàn quốc của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã đề ra nhiệm vụ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại nhân dân, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân các nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân ta. Các hội hữu nghị từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, chú ý hơn tới các địa bàn trọng điểm, duy trì và củng cố quan hệ với các đối tác truyền thống, mở rộng

nhiều quan hệ mới đa dạng và phong phú. Hoạt động hữu nghị đã góp phần quan trọng tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị giữa nhân dân ta và nhân dân các nước, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ quốc tế đối với công cuộc đổi mới, sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần của nhiều tổ chức và cá nhân các nước, đóng góp vào phong trào hòa bình, hữu nghị và đoàn kết của nhân dân thế giới. Các hoạt động đoàn kết hữu nghị tập trung ở một số nội dung:

- Tranh thủ thiện cảm, sự đồng tình ủng hộ ngày càng rộng rãi của nhân dân các nước đối với công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ đất nước của nhân dân ta. Đồng thời, chú ý giải thích những sự hiểu lầm của bên ngoài về nước ta nhất là các vấn đề nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, đấu tranh một cách thích hợp với những quan điểm ý đồ, hành động xấu của một số người và tổ chức nước ngoài đối với nhân dân ta góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia và an ninh chính trị, chống âm mưu diễn biến hoà bình, gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch.

- Quan hệ với bạn bè đã ủng hộ dân ta trong hai cuộc kháng chiến được duy trì và tăng cường. Quan hệ với bạn bè mới được xây dựng và mở rộng, hướng tập trung vào các nước láng giềng và các nước trong khu vực Đông Nam Á, các nước có quan hệ truyền thống như Cuba, Ấn Độ, CHDCND Triều Tiên, các nước đang phát triển Á, Phi, Mỹ Latinh. Quan hệ với nhân dân Nhật Bản, Mỹ và các nước phát triển ở Tây Âu, Bắc Âu, Nam Thái Bình Dương được mở rộng thêm. Quan hệ hữu nghị nhân dân với các nước LB Nga, các nước SNG khác và Đông Âu được khôi phục và phát triển.

- Bày tỏ tình đoàn kết, sự ủng hộ của nhân dân ta đối với cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hoà bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội, đặc biệt là nhân dân Cuba, Palestine, Irắc, Libi, CHDCND Triều Tiên, tham gia giải quyết những vấn đề toàn cầu như loại trừ vũ khí hạt nhân, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường góp phần tích cực duy trì và đổi mới hoạt động của các tổ chức quốc tế mà nước ta là thành viên, nhất là Hội đồng hoà bình thế giới, Tổ chức đoàn kết nhân dân Á - Phi, các tổ chức dân chủ quốc tế...

Chúng ta đã dành sự quan tâm đặc biệt cho việc tăng cường quan hệ hữu nghị với nhân dân các nước láng giềng và các nước XHCN như Trung Quốc, Lào, Campuchia, CHDCND Triều Tiên, Cuba. Hội hữu nghị Việt - Lào, các

chi hội hữu nghị Việt - Lào ở địa phương thường xuyên tiến hành các hoạt động hữu nghị góp phần củng cố và phát triển quan hệ đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện. Các chi hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia ở các tỉnh biên giới với các hoạt động giao lưu hữu nghị đã góp phần giải quyết các vướng mắc trong quan hệ giữa các địa phương hai nước. Quan hệ hữu nghị với nhân dân Trung Quốc được tăng cường ở cấp trung ương và địa phương nhất là ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Các cuộc thăm viếng lẫn nhau, các hội nghị, hội thảo, tọa đàm về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học do các hội hữu nghị, các tổ chức chính trị - xã hội, viện nghiên cứu, tổ chức văn hóa tiến hành diễn ra thường xuyên ở hai nước. Đặc biệt, các hoạt động nhân dịp kỷ niệm các sự kiện đặc biệt như kỷ niệm 50 năm thành lập nước CHND Trung Hoa, 50 năm thành lập Hội hữu nghị Việt - Trung, 80 năm thành lập ĐCS Trung Quốc... đã góp phần phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước. Với CHDCND Triều Tiên, Hội hữu nghị Việt Nam - Triều Tiên, Uỷ ban Việt Nam ủng hộ hòa bình thống nhất Triều Tiên trước sau như một luôn bày tỏ tình hữu nghị và sự ủng hộ đối với nhân dân Triều Tiên. Quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác với nhân dân Cuba được phát triển cả về bề rộng và chiều sâu. Ngoài các hoạt động giao lưu hữu nghị và đoàn kết truyền thống thông qua các đòan thể nhân dân, tổ chức hòa bình hữu nghị, nhân dân ta còn phản đối chính sách bao vây cấm vận Cuba của Mỹ, vận động quyên góp ủng hộ nhân dân Cuba gạo và hàng tiêu dùng, trao đổi đều đặn các đoàn đại biểu của các hội hữu nghị, tổ chức thành công Hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương đoàn kết với nhân dân Cuba lần thứ hai tại Hà Nội tháng 6/1997 v.v..

Quan hệ với các nước ASEAN và các nước Đông Bắc Á được phát triển thông qua các Hội hữu nghị song phương, các chương trình, kế hoạch hợp tác của một số tổ chức xã hội, viện nghiên cứu. Quan hệ giữa các hội hữu nghị song phương của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thái Lan được duy trì và phát triển. Với Myanmar, quan hệ hữu nghị nhân dân đã được xây dựng thông qua quan hệ với Hội động đoàn kết và phát triển Liên bang Myanmar. Các hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Hàn Quốc đã gắn các hoạt động hữu nghị với hỗ trợ hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa hai bên.

Quan hệ hữu nghị nhân dân với các nước thuộc Liên Xô cũ được khôi phục và có bước phát triển ở những mức độ khác nhau. Nhiều tổ chức hữu nghị

mới được thành lập ở trung ương và địa phương đã xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ với các hội hữu nghị ở các nước bạn. Nhiều hoạt động hữu nghị phong phú đa dạng, có nội dung cả về khoa học, kỹ thuật, văn hoá và kinh tế.

Quan hệ hữu nghị với nhân dân các nước Đông Âu, Tây Âu và Bắc Âu được duy trì và trong một số trường hợp có sự phát triển. Các hội hữu nghị đã tổ chức nhiều đoàn đại biểu đi thăm và làm việc tại các nước Đông Âu, đón nhiều đoàn đại biểu của các hội bạn, tổ chức trao đổi, tọa đàm về quan hệ kinh tế, văn hóa, nghệ thuật đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam với các nước Đông Âu. Nhiều chi hội hữu nghị giữa Việt Nam với các nước Tây, Bắc Âu đã được thành lập ở một số tỉnh thành, cơ quan, trường học. Một số nước chưa có hội hữu nghị thì các quan hệ được tiến hành thông qua Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

Quan hệ hữu nghị với nhân dân Mỹ thông qua Hội Hữu nghị Việt - Mỹ được mở rộng góp phần thúc đẩy chính quyền Mỹ bỏ cấm vận, bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Đồng thời thông qua các hoạt động giao lưu, tiếp xúc, nhiều người Mỹ đã hiểu ra rằng Việt Nam ngày nay là một đất nước chứ không phải là một cuộc chiến tranh, hiểu biết đúng hơn về đất nước, con người, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Từ đó, họ có những việc làm thiết thực như cung cập thông tin về hàng nghìn bộ đội ta hy sinh và mất tích trong chiến tranh, thực hiện một số dự án nhân đạo, thông tin về Việt Nam trên đất Mỹ, góp phần chống lại những luận điệu xuyên tạc về Việt Nam.

Cùng với các hoạt động hữu nghị ở cấp độ song phương, hoạt động hữu nghị ở cấp độ đa phương không ngừng được đẩy mạnh cùng với tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng của nước ta. Thông qua sự tham gia của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, cũng như việc đứng ra đang cai tổ chức nhiều hoạt động quốc tế và khu vực ở Việt Nam hoặc mời khách quốc tế vào dự các đại hội, hội nghị trong nước, nhiều đoàn thể và tổ chức nhân dân đã góp phần mang lại những hiệu quả đối ngoại rất đáng kể, tạo được tiếng vang và được dư luận bạn bè các nước đánh giá. Đáng chú ý là các diễn đàn quốc tế và khu vực lớn như các diễn đàn phi chính phủ Mỹ - Đông Dương (được tổ chức thường niên trong 10 năm qua tại Mỹ, Lào và Campuchia), các Diễn đàn nhân dân ASEM (lần thứ 4 tại Copenhagel 2002, lần thứ V tại Việt Nam), các Diễn

đàn xã hội thế giới (Mumbai 2004, Porte Alegre 2005, Nairobi 2007) v.v. Tại đây, các đại biểu của các đoàn thể và tổ chức nhân dân ta bằng nhiều hình thức linh hoạt, mềm dẻo, vừa giải thích, vận động, vừa kiên quyết đấu tranh có lý, có tình đã khẳng định được vị thế, chủ quyền của ta, đồng thời đẩy lùi và làm thất bại nhiều âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Ngoài việc đấu tranh nhằm bảo vệ những quyền lợi chính trị và lợi ích kinh tế - thương mại của đất nước, các đoàn thể và tổ chức nhân dân còn tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chung của các lực lượng tiến bộ yêu chuộng hoà bình trên thế giới nhằm chống chiến tranh, bảo vệ hoà bình, chống đói nghèo, chống thương mại không công bằng, bảo vệ môi trường sống, chống khủng bố, ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS, chống buôn bán ma tuý và các loại tội phạm quốc tế khác, thực hiện bình đẳng giới... Nhiều nước, nhất là những nước đang phát triển Á, Phi, Mỹ Latinh đã coi Việt Nam không chỉ là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng trong đấu tranh chống thực dân đế quốc trước đây mà còn là tấm gương trong xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Một số mô hình hoạt động của ta như xoá đói giảm nghèo, xoá mù chữ đã được bạn bè quốc tế nghiên cứu, chấp nhận và nhân rộng ở nhiều nơi.

Nhiều đoàn thể và tổ chức nhân dân ta như Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, các tổ chức thanh - thiếu niên, Hội Chữ thập đỏ, các hội nghề nghiệp... đã chủ động và tham gia tích cực, phát huy vai trò và được đánh giá cao trong các tổ chức quốc tế, khu vực. Chính qua các mối quan hệ song phương và đa phương với các đối tác tương ứng trên thế giới mà các đoàn thể và tổ chức nhân dân ta đã tạo nên một kênh quan trọng để tiếp cận và nắm bắt được những thông tin, dữ liệu, công nghệ hiện đại mà vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, các đơn vị, cơ sở của Nhà nước chưa thể tiếp cận được. Điều này cho thấy tính thiết thực và hiệu quả của loại hình quan hệ đối ngoại nhân dân này.

Một phần của tài liệu Hoạt động đối ngoại nhân dân của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới (Trang 65 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)