Hoạt động đối ngoại nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ

Một phần của tài liệu Hoạt động đối ngoại nhân dân của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới (Trang 25)

Những kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong kháng chiến chống Pháp đã được vận dụng và phát triển đến trình độ cao trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hoạt động đối ngoại nhân dân đã hỗ trợ cho hoạt động đối ngoại qua các giai đoạn đấu tranh đòi thi hành đúng Hiệp định Geneva (1954-1956), đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang kết hợp với hoạt động du kích tự vệ ở miền Nam (1957-1960), đồng khởi và đấu tranh làm thất bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” (1960-1964), đấu tranh chống “chiến lược chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và chiến tranh bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc (1965-1969), làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và tiến hành “vừa đánh vừa đàm” (1969-1972) và cuối cùng giải phóng hoàn toàn miền Nam 1975.

Thời kỳ này, nội dung, phương pháp và hình thức vận động quốc tế cũng như đấu tranh ngoại giao rất đa dạng. Nội dung công tác vận động quốc tế bao gồm:

- Nêu cao ngọn cờ độc lập, hòa bình và nhân đạo, làm rõ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam không có mục đích nào khác là bảo vệ độc lập, tự do và thống nhất đất nước, vì vậy, Việt Nam tuy là một nước nhỏ, nghèo nàn và lạc hậu nhưng quyết đánh và đánh thắng đế quốc xâm lược Mỹ. Nhân dân Việt Nam không chống nhân dân Mỹ mà chỉ mong muốn chiến tranh sớm chấm dứt để nhân dân hai nước giảm được mất mát, đau thương và sống hòa bình, hữu nghị với nhau.

- Khẳng định nhân dân ta ở cả hai miền đều có nhiệm vụ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng thời đề cao cuộc chiến đấu của quân và dân miền Nam.

- Nêu cao thiện chí sẵn sàng đàm phán để chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình nhưng là hòa bình trong độc lập, tự do chứ không phải là thứ hòa bình giả dối của Mỹ.

- Nêu rõ nhân dân Việt Nam kháng chiến cũng vì lợi ích chung của nhân dân thế giới là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội [43, tr. 26-27].

Nội dung vận động quốc tế nhằm nêu cao chính nghĩa chống phi chính nghĩa, nhân nghĩa chống bạo tàn, đã góp phần động viên được lương tri của nhân loại đứng về phía nhân dân Việt Nam.

Việc kết hợp chặt chẽ ba mặt trận đối ngoại (ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân), kết hợp đấu tranh tại bàn đàm phán với vận động quốc tế và đấu tranh dư luận, kết hợp công tác đối ngoại của miền Bắc và công tác đối ngoại miền Nam... là một trong những chủ trương lớn về phương pháp đấu tranh, góp phần vào thắng lợi ngoại giao trong kháng chiến chống Mỹ.

Về hình thức, ngoài việc ra bản tin, sách báo, phát thanh, phim ảnh, chú trọng vận động cá nhân, gặp mặt, hội nghị hội thảo trong và ngoài nước, tố cáo tội ác của Mỹ - nguỵ bằng người thật việc thật, còn vận động thông qua các diễn đàn nhân dân quốc tế và ở một số nước cũng như quan hệ giữa các tổ chức quần chúng, hội hữu nghị, tổ chức nhân đạo và quan hệ kết nghĩa địa phương giữa nước ta và một số nước.

Trong bối cảnh quốc tế phức tạp, có nhiều bất lợi cho ta, nhất là mâu thuẫn Xô - Trung sâu sắc và bất đồng nghiêm trọng trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, công tác đối ngoại nhân dân đã cùng với công tác đối

ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước khắc phục khó khăn, phát huy tự lực tự cường và đoàn kết quốc tế, tranh thủ tối đa sự đồng tình ủng hộ và chính trị và giúp đỡ về vật chất của nhân loại tiến bộ, góp phần kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại đưa công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi.

Các hoạt động đối ngoại nhân dân trong giai đoạn này tập trung thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là góp phần xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất đất nước. Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam tích cực hưởng ứng các họat động bảo vệ hòa bình như hưởng ứng Tuyên bố Berlin đòi 5 nước lớn ký Công ước hòa bình (1955), tham gia Hội nghị thế giới chống bom A-H đầu tiên ở Nhật Bản (8-1945), bày tỏ sự nhiệt tình của nhân dân ta ủng hộ các sáng kiến hòa bình của các nước XHCN đoàn kết với các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, ủng hộ 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, tăng cường hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước... Vào đầu những năm 1960, các hoạt động của Uỷ ban đã góp phần giữ gìn sự đoàn kết của các phong trào hòa bình trong hệ thống các nước XHCN, chống tư tưởng hữu khuynh xét lại, củng cố quan điểm chống đế quốc trong phong trào hòa bình thế giới. Khi Mỹ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam, năm 1962 Uỷ ban đã tổ chức Đại hội hòa bình lần thứ tư, quán triệt nhiệm vụ đẩy mạnh phong trào hòa bình, đánh thắng chiến tranh đặc biệt của Mỹ ở miền Nam. Uỷ ban đã phối hợp với các đoàn thể quần chúng vận động quốc tế, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi của nhân dân các nước đối với cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, từng bước góp phần vận động hình thành trên thực tế mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược. Uỷ ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam đã cử đại biểu tiếp xúc với đại diện phong trào hòa bình Mỹ, tạo điều kiện cho việc vận động nhân dân tiến bộ Mỹ ủng hộ nhân dân Việt Nam, hình thành phong trào phản chiến đòi chính phủ Mỹ chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược và tội tác ở Việt Nam. Hội đồng hòa bình thế giới đã tổ chức nhiều hoạt động đoàn kết với Việt Nam, coi đoàn kết với Việt Nam là nhiệm vụ hàng đầu của phong trào hòa bình thế giới. Các Đại hội của Hội đồng đều có nghị quyết ủng hộ, đoàn kết với nhân dân Việt Nam.

Năm 1956, Uỷ ban đoàn kết châu Á của Việt Nam được thành lập (đến năm 1958 đổi tên thành Uỷ ban đoàn kết nhân dân Á - Phi của Việt Nam) và đã tích cực tham gia các hoạt động của tổ chức này,dự các hội nghị quốc tế do Tổ chức đoàn kết nhân dân Á - Phi và các Uỷ ban đoàn kết nhân dân Á - Phi các nước, đồng thời lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân Á - Phi - Mỹ Latinh chống chủ nghĩa đế quốc, thực dân, giành và bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Để tăng cường đoàn kết với nhân dân một số nước, một số ủy ban đoàn kết song phương của Việt Nam cũng được thành lập: các ủy ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân Palextin, với nhân dân En Xanvado, với nhân dân Chilê, với nhân dân Libi, Uỷ ban Việt Nam ủng hộ hòa bình thống nhất Triều Tiên...

Hoạt động hữu nghị nhân dân tập trung vào việc góp phần tăng cường quan hệ với nhân dân Liên xô, Trung Quốc, các nước XHCN Đông Âu và các nước độc lập dân tộc, tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ để khắc phục hậu quả chiến tranh ở miền Bắc, vận động quốc tế ủng hộ nhân dân ta đấu tranh đòi Pháp và Mỹ thi hành đúng Hiệp định Geneva.

Từ năm 1960, cuộc kháng chiến ở miền Nam bước vào giai đoạn mới, ngày càng phát triển lớn mạnh và quyết liệt. Phong trào hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước cũng phát triển theo xu thế đó, hỗ trợ cho cuộc chiến đấu của quân và dân ta trên chiến trường và cho cả cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán với Mỹ. Trong lịch sử thế giới, có lẽ hiếm có một cuộc đấu tranh của một dân tộc nào nhận được sự ủng hộ rộng rãi và mạnh mẽ của nhân dân thế giới như cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam và trong nhiều năm vận mệnh của dân tộc ta lại gắn liện với vận mệnh của các dân tộc yêu chuộng hòa bình, tự do và công lý như vậy.

Nhiều lực lượng khác nhau ở nhiều nước trên khắp năm châu từ người dân bình thường đến các nhà hoạt động chính trị, nghị sĩ, trí thức, nhà báo, từ các tổ chức quần chúng, tổ chức xã hội đến các đảng phái chính trị và cả một số chính phủ đã lên án Mỹ xâm lược và ủng hộ, đoàn kết với nhân dân Việt Nam với một tinh thần bền bỉ, lòng mong mỏi và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của nhân dân Việt Nam.

Hình thức ủng hộ và đoàn kết phong phú đa dạng: mít tinh, biểu tình, bản tin, sách báo, phát thanh, nói chuyện, hội thảo, quyên góp để ủng hộ về

vật chất, lập ra các ủy ban đoàn kết với Việt Nam ở nhiều nước, tự thiêu để phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ, tự nguyện làm công tác thông tin, vận động ủng hộ Việt Nam, gửi thư tình nguyện đến Việt Nam để chiến đấu chống Mỹ…

Nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia có truyền thống hữu nghị, đoàn kết trong đấu tranh chống thực dân Pháp, càng đoàn kết trong thời kỳ Mỹ tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam. Hội nghị nhân dân Đông Dương tại Phnom Penh tháng 3/1965 đã nhất trí thông qua Nghị quyết về vấn đề Việt Nam, biểu thị tình cảm hữu nghị và sự ủng hộ của nhân dân Lào và nhân dân Campuchia đối với nhân dân Việt Nam.

Nhân dân Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN Đông Âu, CHDCND Triều Tiên, Mông Cổ, Cuba là nòng cốt của phong trào nhân dân các nước trên thế giới hữu nghị, ủng hộ Việt Nam. Nhân dân các nước này đã bày tỏ tình đoàn kết và dành sự ủng hộ về tinh thần và chính trị, giúp đỡ về vật chất to lớn cho nhân dân ta. Trong phong trào hữu nghị sôi nổi đó, nhiều người đã ghi tên mình vào danh sách những người tình nguyện sẵn sàng sang Việt Nam tham gia chiến đấu chống xâm lược Mỹ bất cứ khi nào Việt Nam cần đến. Nhiều thế hệ người Việt Nam và Cuba nhớ mãi câu nói đầy xúc động của Chủ tịch Phidel Castro: “Máu của Việt Nam cũng là máu của Cuba. Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”.

Các nước độc lập dân tộc, các phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, Phi, Mỹ Latinh coi cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam là tấm gương sáng, đã sớm dấy lên phong trào hữu nghị với nhân dân Việt Nam với nhiều hình thức phong phú, sôi nổi. Hoạt động hữu nghị, đoàn kết với nhân dân Việt Nam được tiến hành với ý nghĩa đóng góp vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc chống chủ nghĩa đế quốc, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Nhân dân nhiều nước chủ động hoặc hưởng ứng những lời kêu gọi của Tổ chức đoàn kết nhân dân Á - Phi, Tổ chức đoàn kết nhân dân Á - Phi - Mỹ Latinh, tổ chức mít tinh, biểu tình ủng hộ nhân dân Việt Nam và lên án đế quốc Mỹ, quyên góp ủng hộ nhân dân Việt Nam, coi Việt Nam là biểu tượng của chính nghĩa, công lý, tinh thần anh dũng, bất khuất.

Ở phương Tây, phong trào đoàn kết, hữu nghị với nhân dân Việt Nam cũng lan rộng trong các tầng lớp nhân dân. Công chức chính quyền yêu

chuộng hòa bình, công lý và dân chủ bày tỏ tình hữu nghị nhiệt tình với nhân dân Việt Nam, lên án mạnh mẽ tội ác của kẻ xâm lược và hành động một cách tích cực để ủng hộ nhân dân Việt Nam kháng chiến. Các phong trào hữu nghị, đoàn kết với nhân dân Việt Nam được dấy lên từ lương tri của con người, lòng căm ghét những thế lực gây ra tội ác đối với con người và nhất là từ lòng khâm phục nhân dân Việt Nam chiến đấu quả cảm để bảo vệ các quyền dân tộc chính đáng, đồng thời có nhân nghĩa, đạo lý và sẵn sàng mở rộng vòng tay hữu nghị với nhân dân các nước.

Trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, phong trào nhân dân thế giới và nhân dân Mỹ đoàn kết với Việt Nam phát triển mạnh từ khí có nhiều lính Mỹ chết trên chiến trường, tình trạng thất nghiệp ở Mỹ ngày càng nhiều thì người Mỹ xuống đường phản đối chiến tranh ngày càng đông. Lúc bấy giờ đã hình thành trên thực tế mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết với Việt Nam chống Mỹ xâm lược. Trong lịch sử chưa có cuộc đấu tranh yêu nước của một dân tộc nào khác lại được sự ủng hộ mạnh mẽ và rộng khắp như dân tộc ta.

Nhờ có những hoạt động không mệt mỏi của những người làm công tác đối ngoại nhân dân, cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta đã trở thành điểm hội tụ của các lực lượng đấu tranh vì hoà bình và công lý trên thế giới. Một mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ và giúp đỡ sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam đã được hình thành, phát triển sâu rộng, mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử nhân loại.

Trong thời kỳ này nhờ việc tuyên truyền hiệu quả của ta và sự giác ngộ của quần chúng chống chiến tranh, tại Liên bang Đức, các tầng lớp nhân dân của hơn 50 thành phố đồng loạt biểu tình, phân phát 20 vạn truyền đơn trong nhân dân và cả lính Mỹ đóng ở nước này để kêu gọi nhà cầm quyền Mỹ chấm dứt ngay cuộc chiến tranh phi nghĩa của nhân dân Việt Nam. Ngay trong chính nước Mỹ, phong trào phản đối chiến tranh làm “rung chuyển” nước Mỹ. Theo gương Hoà thượng Thích Quảng Đức, nhiều công dân Mỹ đã tuần tiết. Hình ảnh N. Morrson tẩm dầu tự thiêu đã đánh thức cả thế hệ thanh niên Mỹ tránh xa chiến tranh phi nghĩa. Đến năm 1967, toàn nước Mỹ đã ra đời hơn 200 tổ chức chống chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Các hoạt động như thế “lan truyền” mạnh mẽ sang các nước phương Tây khác như: Pháp, Thuỵ Điển, Na Uy… tạo thành các thế hệ “Việt Nam”. Tại Pháp, phong trào

“1.000 triệu France ủng hộ Việt Nam” diễn ra rất rầm rộ. Cuộc đấu tranh mùa xuân 1965 ở Nhật Bản đã thu hút 91 tổ chức công đoàn tiến hành tổng bãi công chống việc sản xuất hàng cho quân đội Mỹ ở Việt Nam.

Phong trào nhân dân thế giới ủng hộ, đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống Mỹ là một phong trào quốc tế rộng lớn và hiếm có trong lịch sử thế giới. Từ phong trào này, một “thế hệ Việt Nam” đã ra đời ở nhiều nước. Sự hình thành trên thực tế mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chính là bước phát triển mới của cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới. Phong trào đoàn kết với Việt Nam ở nhiều nước thực sự là một sự tập hợp lực lượng đấu tranh cho độc lập dân tộc dân chủ và tiến bộ xã hội.

Một phần của tài liệu Hoạt động đối ngoại nhân dân của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới (Trang 25)