Công tác đối ngoại nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đại đa số nhân dân thuộc các nhóm dân tộc trong cả nước từ vùng thành thị tới vùng nông thôn rộng lớn, từ các vùng đồng bằng tới vùng núi xa xôi. Những thành tựu đó, đặc biệt là trong chương trình xoá đói giảm nghèo, không tách rời khỏi việc phát huy những yếu tố nội sinh của cả nước, của từng vùng, từng địa phương và từng cá nhân cũng như việc tranh thủ sự hợp tác, giúp đỡ Chính phủ các nước và của các tổ chức quốc tế, trong đó có các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Nhận thức được sự đóng góp của các tổ chức phi chính phủ trong cuộc đấu tranh nhằm xoá bỏ nghèo nàn và lạc hậu, khắc phục những hậu quả do thời kỳ phát triển công nghiệp tạo ra mà cụ thể là đói nghèo, bệnh tật, huỷ hoại môi trường... hướng tới một sự phát triển bền vững, trong những năm qua, Nhà nước Việt Nam ngày càng chú trọng tới việc vận động nguồn lực của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài vào phục vụ cho công cuộc xoá đói giảm nghèo, giúp nhân dân ở nhiều vùng trong cả nước giải quyết những khó khăn cụ thể đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, cho công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong vân động, sử dụng và quản lý một cách có hiệu quả nguồn vốn này.
Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các tổ chức phi chính phủ (NGO) ngày càng nổi lên như một lực lượng quan trọng trong lĩnh vực cứu trợ nhân đạo và phát triển xã hội. Hoạt động của các tổ chức phi chính phủ đã góp phần vào việc cải thiện cuộc sống của những người nghèo, những ngưòi bị thiệt thòi trong xã hội, giúp họ phát triển một cách bền vững. Các tổ chức phi chính phủ trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống tổ chức nhân dân, một hiện tượng có tính toàn cầu. Dưới nhiều tên gọi khác nhau, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và quốc gia có mặt khắp nơi trên thế giới. Nhiều hội nghị của các tổ chức phi chính phủ mang tính quốc tế, khu vực đã được tổ chức song song với các hội nghị của LHQ, hội nghị khu vực và liên khu vực.
Ở nước ta, trước năm 1975, có khoảng trên 60 tổ chức phi chính phủ hoạt động, chủ yếu ở miền Nam với mục đích lúc đầu là cứu trợ những người di cư từ Bắc vào Nam và sau đó là những nạn nhân chiến tranh của Mỹ. Các tổ chức này rút khỏi miền Nam sau ngày 30/4/1975. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, trong thời gian đầu (1975-1978), số lượng NGO tăng nhanh với khoảng 70 tổ chức, trong đó hai phần ba là NGO của Mỹ, giá trị viện trợ hàng năm trung bình khoảng 30 triệu USD. Hoạt động của NGO lúc này chủ yếu mang tính chất viện trợ nhân đạo như cung cấp thuốc men cho các nạn nhân chiến tranh và thiên tai, phục hồi phát triển sản xuất với quy mô nhỏ. Giai đoạn 1979-1988, do ảnh hưởng của việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia và chính sách bao vây cấm vận của Mỹ và phương Tây, số lượng NGO không giảm nhiều so với giai đoạn trước nhưng giá trị dự án thấp hơn giai đoạn trước rất nhiều, trung bình hàng năm chỉ bằng một phần ba, phần lớn bằng hiện vật.
Từ năm 1989, với việc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia và những thành công bước đầu của công cuộc đổi mới, hoạt động của NGO được tăng cường trở lại. Với chính sách đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá, quan hệ với NGO là một bộ phận quan trọng trong quan hệ đối ngoại nhân dân, gắn liền với đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và quá trình phát triển đất nước. Đối với nước ta, công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài là nhằm tranh thủ sự giúp đỡ về vốn, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý kinh tế - xã hội, đào tạo cán bộ. Nhân dân ta nhận được sự giúp đỡ của nhân dân nhiều nước, chủ yếu qua các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và một phần qua các tổ chức hoà bình, đoàn kết, hữu nghị của một số nước. Số tổ chức
phi chính phủ nước ngoài hoạt động ở nước ta tăng từ 70 năm 1988 lên gần 500 năm 2003, giá trị viện trợ tăng từ 10 triệu USD giai đoạn 1979-1988 lên lên 80 triệu USD hàng năm từ 1996-2002, năm 2003 đạt 100 triệu USD. Viện trợ của NGO trước đây chủ yếu do các tổ chức thuộc Bắc Mỹ và Tây Âu tiến hành nhưng hiện nay đã có thêm nhiều tổ chức thuộc châu Á - Thái Bình Dương. Chương trình viện trợ của NGO cho đến nay đã trải khắp các tỉnh và thành phố. Viện trợ của các NGO thường đa dạng và không ổn định. Phương thức hoạt động chủ yếu là trực tiếp làm dự án và trực tiếp quan hệ với địa phương, cơ sở. Đa số các dự án của NGO (trên 80%) mang tính phát triển bền vững không những về y tế mà còn cả về xã hội, giáo dục, môi trường... Các dự án tập trung vào các lĩnh vực chính sau: phát triển kinh tế (sản xuất nông nghiệp, thủ công, xoá đói giảm nghèo): 25%, y tế: 25%, giải quyết một số vấn đề xã hội: 20%, giáo dục : 20%, bảo vệ môi trường: 5% và cứu trợ khẩn cấp: 5%. Các loại hình dự án thường là: phát triển nông thôn tổng hợp mang tính cộng đồng trên quy mô huyện, cụm xã; dự án chuyên ngành mang tính cộng đồng (chăm sóc sức khoẻ ban đầu, chống suy dinh dưỡng, cung cấp thiết bị y tế, VAC, trồng dâu nuôi tằm...); dự án giải quyết công ăn việc làm; dự án giúp phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng năng lực, người tình nguyện (bác sỹ, giáo viên)... Các loại hình NGO hoạt động tại Việt Nam bao gồm: các quỹ văn hoá - xã hội (Ford Foundation, Asia Foundation...), NGO có nguồn gốc tôn giáo và các NGO khác. Khoảng một phần ba các NGO hoạt động tại Việt Nam là các NGO có liên quan đến tôn giáo, phần lớn các tổ chức này lấy việc đời để làm việc đạo.
So với đầu những năm 90, công tác vận động viện trợ hiện nay trở nên sôi động hơn từ Trung ương tới địa phương do hiểu biết về tổ chức phi chính phủ nước ngoài được tăng cường, do có sự quan tâm của các ngành các cấp và sự chủ động hơn của các bộ ngành địa phương trong chuẩn bị dự án, kêu gọi viện trợ, xây dựng năng lực cho cơ quan phụ trách về viện trợ. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu một chiến lược vận động viện trợ chung ở cấp quốc gia, hiện tượng tự phát còn phổ biến, một số địa phương thiếu quan tâm tới vận động viện trợ.
Nhằm tạo cơ sở pháp lý công tác vận động viện trợ phi chính phủ, hệ thống văn bản pháp quy về quản lý viện trợ, quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang từng bước được hoàn thiện. Các văn bản này đã và đang phát huy hiệu lực. Mạng lưới quản lý hoạt động viện trợ từng bước
được hình thành và củng cố ở trung ương, các ngành và địa phương. Hoạt động của mạng lưới tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tổ chức phi chính phủ nước ngoài đồng thời hạn chế hoạt động tiêu cực, dần dần nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính và sử dụng viện trợ.
Viện trợ phi chính phủ nước ngoài tuy không lớn về tiền nhưng có ý nghĩa và hiệu quả không nhỏ đối với sự phát triển ở nhiều cộng đồng, địa phương nhất là nông thôn. Song ý nghĩa của viện trợ này là ở chỗ không hoàn lại và được đưa tới những người nghèo nhất, vào thời điểm khó khăn nhất, có khả năng đáp ứng kịp thời nhu cầu của một bộ phận nhân dân và giải quyết được một số vấn đề kinh tế xã hội ở cấp cơ sở trong khi ngân sách Nhà nước chưa đủ khả năng giải quyết và nền kinh tế thị trường không ngừng làm tăng khoảng cách giàu nghèo.
Các dự án của NGO nhìn chung phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của nước ta như phát triển nông thôn, xoá đói giảm nghèo, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng... Ngoài việc giúp giải quyết khó khăn ở địa phương, một số chương trình còn góp phần vào quá trình phát triển kinh tế xã hội, giúp người dân tự lực đi lên. Hầu hết các NGO khi thực hiện dự án đều tôn trong nguyên tắc quan hệ ba bên: chính quyền địa phương - nhân dân - NGO trong đó lấy nhân dân làm trung tâm của sự phát triển và sự tham gia của người dân được coi trọng ở mọi khâu ở dự án, đảm bảo viện trợ được đến trực tiếp với người dân. Các dự án đều chú ý đến tình bền vững và khả năng duy trì các hoạt động sau khi kết thúc, chủ yếu bằng cách xây dựng năng lực cho người dân, cho các tổ chức đối tác địa phương. Hoạt động viện trợ của các tổ chức nước ngoài đã góp phần làm giảm bớt những khó khăn kinh tế - xã hội ở những vùng có dự án và xoá đói giảm nghèo cho những nhóm xã hội, vùng dân cư nhất định và góp phần giới thiệu các phương pháp tiếp cận bền vững, có hiệu quả và nâng cao kỹ năng kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác phát triển, xoá đói giảm nghèo. Hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài mở rộng trong cả nước, giá trị viện trợ tăng. Viện trợ tập trung cho phát triển bền vững trên các lĩnh vực và phù hợp với những ưu tiên, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xoá đói giảm nghèo của chính phủ. Tổ chức phi chính phủ nước ngoài chú trọng nhiều hơn tới công tác đào tạo nâng cao năng lực và phát
triển của tổ chức. Quan hệ đối tác ba bên được hình thành rõ nét và đang được củng cố.
Điểm đáng chú ý là trong hoạt động đối ngoại của các đoàn thể và tổ chức nhân dân thời gian qua là đã biết tận dụng thế mạnh của mình, thông qua công tác vận động và nhất là có cách tiếp cận đối tượng đúng đắn nên đã tranh thủ và thu hút được nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài rất đáng kể cả về mặt tài chính cũng như thông tin, kinh nghiệm, công nghệ… Những nguồn hỗ trợ này không những phục vụ tốt cho các hoạt động của tổ chức mình mà còn góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, giải quyết các vấn đề xã hội, thúc đẩy phát triển đất nước. Đến nay nhiều dự án hoạt động đối ngoại nhân dân được thực hiện tốt như: Xoá đói giảm nghèo; tạo việc làm; trồng rừng; nước sạch; kế hoạch hoá gia đình; phòng chống bệnh tật và tệ nạn xã hội; phẫu thuật nụ cười, v.v...
Điều đáng nói là, bên cạnh giá trị vật chất, tài chính, viện trợ phi chính phủ còn mang ý nghĩa chính trị, kinh tế và xã hội rất lớn, việc triển khai các chương trình, dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thường được gắn kết với các chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ta. Nguồn viện trợ đó được tập trung chủ yếu vào việc hỗ trợ phát triển kinh tế, y tế, giáo dục, khắc phục hậu quả chiến tranh, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, viện trợ khẩn cấp nhằm cứu trợ và tái thiết cho các nạn nhân bị thiên tai. Trong tổng số các chương trình dự án và giá trị giải ngân viện trợ, phần dành cho phát triển kinh tế chiếm khoảng 25%, y tế chiếm trên 25%, hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội chiếm khoảng trên 20%, bảo vệ môi trường chiếm khoảng 5% [58, tr9-12]. Thông qua việc thực hiện các chương trình dự án đó, nhiều mô hình, phương pháp và biện pháp hoạt động đã được áp dụng có hiệu quả ở nhiều nơi trong nước và cũng đã được một số tổ chức quốc tế nhân rộng ra ở nhiều địa bàn khác. Nhiều cá nhân và tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam đã lên tiếng hoặc đứng ra bảo vệ các lợi ích chính đáng của ta như đòi Mỹ phải có trách nhiệm trọng việc giải quyết các hậu quả chiến tranh, phản đối các hành động sai trái của Mỹ trên các vấn đề nhân quyền, hàng Việt Nam xuất sang Mỹ... Tuy nhiên, vẫn còn một số cá nhân và tổ chức phi chính phủ có những hoạt động thiếu thiện chí, gây ra không ít vấn đề phức tạp cho ta. Chẳng hạn, một số NGO dựa vào nguồn tài trợ của nước họ hoặc của các thiết chế tài
chính quốc tế để tìm cách đề cao họ và làm giảm ảnh hưởng của chính quyền địa phương trong việc quản lý và thực hiện dự án; một số NGO tìm cách tác động về các vấn đề nhân quyền, dân chủ, tôn giáo, dân tộc, sắc tộc; một số dùng một phần viện trợ để tạo điều kiện cho một số NGO địa phương ra đời để thay thế dần các đối tác hiện nay là chính quyền địa phương và tổ chức xã hội của ta. Trong khi đó, một số ngành và địa phương chưa coi trọng quản lý hoạt động của các NGO nước ngoài.
Công tác vận động phi chính phủ nước ngoài có nhiều bước tiến đáng kể trong những năm gần đây. Chương trình Quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi Chính phủ nước ngoài được tích cực triển khai và đạt hiệu quả cao với việc nhiều địa phương đã cụ thể hoá thành chương trình của địa phương mình. Công tác vận động viện trợ của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài đã được các bộ, ngành, các tổ chức nhân dân quan tâm hơn. Nhiều tổ chức phi Chính phủ đã có chương trình dài hạn hơn, có cam kết lớn cho Việt Nam. Một số đoàn cấp cao của những tổ chức phi Chính phủ hàng đầu thế giới đã vào thăm và làm việc ở Việt Nam. Viện trợ phi chính phủ nước ngoài đã vận động và giải ngân được tăng từ 40 triệu USD năm 1993 lên 102 triệu USD năm 2002, năm 2006 lên 216 triệu USD, năm 2007 đạt 230 triệu USD, năm 2008 là 245 triệu USD và năm 2009 đạt 250 triệu USD đóng góp thiết thực vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả chiến tranh và thiên tai phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thông qua các hoạt động đối ngoại nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và tổ chức nhân dân ta một mặt, chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá một số thế mạnh của ta trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủ công, y- dược học cổ truyền, văn hoá-nghệ thuật dân tộc… cũng như tiềm năng trí tuệ của giới trẻ; mặt khác, đã có điều kiện tiếp cận với giới chuyên môn đầu ngành của nhiều lĩnh vực khoa học-công nghệ tiên tiến trên thế giới, tranh thủ tri thức, chất xám và kinh nghiệm hiện đại của thế giới để áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta, góp phần đáng kể vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội bền vững của đất nước. Điều này càng trở nên quan trọng khi Đảng và Nhà nước đã chính thức hoá nhiệm vụ tư vấn, thẩm định và phản biện xã hội của các tổ chức nhân dân ta.