Điều kiện phát triển du lịch tôn giáo

Một phần của tài liệu Nghiên cứu loại hình du lịch tôn giáo tại Ninh Bình Luận văn ThS. Du lịch (Trang 37 - 40)

7. Bố cục của đề tài

1.2.2.5. Điều kiện phát triển du lịch tôn giáo

Du lịch tôn giáo là một loại hình du lịch nên nó có những đặc điểm chung của hoạt động du lịch, đồng thời nó cũng có những điểm đặc thù riêng. Vì vậy việc phát triển du lịch tôn giáo vừa chịu ảnh hưởng của các nhân tố chung của hoạt động du lịch, vừa chịu ảnh hưởng của các nhân tố riêng.

- Thời gian rỗi: Muốn đi du lịch đòi hỏi con người phải có thời gian. Do đó, thời gian rỗi là điều kiện tất yếu cần thiết phải có để con người tham gia vào hoạt động du lịch nói chung và du lịch tôn giáo nói riêng.

- Mức sống về vật chất của con người: Thu nhập của người dân là chỉ tiêu quan trọng và là điều kiện vật chất để họ có thể tham gia du lịch. Khi đi du lịch, du khách luôn luôn phải tiêu dùng nhiều loại hàng hóa, dịch vụ, phần lớn các hàng hóa, dịch vụ này có giá cả cao hơn các hàng hóa, dịch vụ thường ngày. Đặc biệt đối với du lịch tôn giáo, khi tham gia chương trình du khách thường muốn sắm đồ lễ để chiêm bái tại các chùa chiền, thánh địa... Vì vậy, muốn thực hiện chuyến đi du khách phải có mức sống vật chất khá nhằm đáp ứng khả năng thanh toán.

- Tình hình chính trị hòa bình, ổn định và các điều kiện an toàn đối với du khách: Đây là nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới việc phát triển kinh doanh du lịch, cũng như việc thu hút khách du lịch. Nếu tình hình chính trị tại một đất nước, một địa phương bất ổn, an ninh trật tự không được đảm bảo, có các dịch bệnh xảy ra... thì hoạt động du lịch nói chung và hoạt động du lịch tâm linh nói riêng tại nơi đó khó có thể phát triển.

- Cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng xã hội (hệ thống đường giao thông, nhà ga, sân bay, bến cảng, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống điện nước...): đây là yếu tố cơ sở tạo tiền đề cho việc khai thác tiềm năng du lịch và nâng cao chất lượng của sản phẩm du lịch.

- Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch bao gồm toàn bộ nhà cửa và phương tiện kỹ thuật giúp cho việc phục vụ thỏa mãn các nhu cầu của du khách như: khách sạn, nhà hàng, phương tiện giao thông vận tải...

* Những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển du lịch tôn giáo:

- Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước: Nền kinh tế tăng trưởng ổn định, đời sống của người dân được nâng cao... khi yếu tố vật chất được đáp ứng tương đối đầy đủ thì con người sẽ muốn tìm đến các giá trị văn hóa tinh thần. Đồng thời, kinh tế phát triển cùng với đó là quá trình đô thị hóa khiến cho con người có

nhiều áp lực, họ có tâm lý muốn tìm về với các yếu tố tâm linh để được thanh thản trong tâm hồn.

- Niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân: Mỗi một con người, một dân tộc có niềm tin khác nhau vào các tôn giáo, tín ngưỡng. Niềm tin vào một tôn giáo, tín ngưỡng nhất định có thể quyết định lớn tới mọi hành động của con người trong cuộc sống. Niềm tin đó là yếu tố thúc đẩy con người đi đến và tìm hiểu những nơi được coi là cội nguồn tôn giáo, tín ngưỡng của mình, đồng thời đó cũng là yếu tố thôi thúc họ thực hiện các nghi thức tôn giáo, tín ngưỡng. Do vậy, niềm tin vào tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân là nhân tố quan trọng để hoạt động du lịch tôn giáo có thể diễn ra và phát triển.

- Tài nguyên du lịch: Cũng giống như các loại hình du lịch khác, tài nguyên du lịch là nhân tố cần thiết để hoạt động du lịch tôn giáo có thể diễn ra. Tài nguyên du lịch được phân làm hai nhóm: tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn. Hai nhóm này có tác động khác nhau đến việc phát triển du lịch tôn giáo.

+ Tài nguyên du lịch tự nhiên: So với các loại hình du lịch khác, du lịch tôn giáo chịu ảnh hưởng của các yếu tố tài nguyên du lịch tự nhiên không nhiều. Trong đó, nổi bật lên là yếu tố địa hình, các dạng địa hình khác nhau thường chế định cảnh đẹp và sự đa dạng của phong cảnh khác nhau. Dù vậy, khi du khách tham gia vào loại hình du lịch tôn giáo, bên cạnh yếu tố tâm linh thì nhu cầu được tham quan, ngắm phong cảnh cũng tương đối lớn. Nếu một địa phương vừa có điểm du lịch tâm linh lại có cả các thắng cảnh tự nhiên, địa hình đa dạng thì sẽ góp phần làm phong phú thêm chương trình du lịch.

Bên cạnh đó, yếu tố khí hậu cũng có ảnh hưởng nhất định tới hoạt động du lịch tôn giáo, thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều, bão lụt... sẽ hạn chế việc thăm quan, chiêm bái của du khách.

+ Tài nguyên du lịch nhân văn: Đây là nhân tố có ảnh hưởng quan trọng, tạo tiền đề cần thiết để hoạt động du lịch tôn giáo có thể hình thành và phát triển. Trong nhóm này, hai yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đó là các công trình tôn giáo và lễ hội.

Các công trình tôn giáo như: chùa chiền, thánh tích, thánh địa... Lễ hội thì chính là lễ hội tôn giáo.

Điều đặc biệt phải quan tâm là tính thiêng của hai yếu tố này. Trên tất cả các tỉnh thành của Việt Nam, ở đâu cũng có các công trình tôn giáo và lễ hội được tổ chức hằng năm. Nhưng không phải địa phương nào cũng có thể phát triển loại hình du lịch tôn giáo, chỉ những công trình tôn giáo, lễ hội có sức ảnh hưởng lớn đối với nhân dân, có truyền thống từ lâu đời, nó phải mang tính Thiêng được đông đảo nhân dân thừa nhận thì mới có thể phát triển loại hình du lịch này.

- Nguồn nhân lực: Du lịch tôn giáo vừa mang những đặc điểm chung vừa có tính đặc thù. Du khách khi tham gia du lịch tôn giáo, bên cạnh việc mong muốn được đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, tham quan thì còn mong muốn được đáp ứng các nhu cầu về tín ngưỡng, được chiêm bái, cầu khẩn. Vì vậy, lao động trong loại hình du lịch này, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên ngoài việc phải nắm chắc nghiệp vụ chuyên môn thì còn phải am hiểu về tôn giáo tín ngưỡng của du khách, hiểu các yêu cầu của từng điểm du lịch tâm linh để hướng dẫn du khách trong suốt quá trình thực hiện chương trình du lịch.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu loại hình du lịch tôn giáo tại Ninh Bình Luận văn ThS. Du lịch (Trang 37 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)